Bộ Ngoại giao Myanmar cho biết, cơ quan này sắp tới sẽ tiến hành xem xét lại danh sách đen các đối tượng sống lưu vong và có thể cho một số đối tượng bị trục xuất vì lý do chính trị trở về nước.
Dưới thời chính quyền quân sự, đã có nhiều người Myanmar vì các lý do khác nhau phải rời khỏi đất nước và sống lưu vong tại các nước khác mà chủ yếu là Mỹ, châu Âu và Úc.Nhưng mới đây, Bộ Ngoại giao Myanmarcho biết sẽ rà soát lại danh sách những đối tượng này, và nếu cảm thấy họ không còn gây ra lo ngại gì nữa thì Bộ Ngoại giao sẽ cho phép họ trở về nước.
Ông U Kyaw Tin, Phó Bộ trưởng Ngoại giao, cũng cho biết rằng sắp tới các quy định thị thực sẽ được thay đổi để các công dân từng mang quốc tịch Myanmar, trong đó có các đối tượng bị đưa vào danh sách đen, có được thị thực để trở về nước. Hiện Bộ Ngoại giao đang tìm cách áp dụng việc kéo dài thời gian thị thực xã hội cấp cho các công dân cũ từ 28 ngày lên 3 hoặc 6 tháng. Ngoài ra, Bộ cũng làm việc với các cơ quan liên quan khác để nới lỏng các quy định cũng như giảm thời gian xin thị thực.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao cũng cho biết, những người phạm tội hình sự, ví dụ như vi phạm quy định kinh doanh của Bộ Thương mại, sẽ không được đưa khỏi danh sách đen.
Quyết định xét lại danh sách đen của chính quyền Myanmar sau khi công bố đã nhận được sự hoan nghênh của nhiều người Myanmar lưu vong, trong đó có nhữngngười là chuyên gia của nhiều ngành nghề có thể giúp ích cho sự phát triển của Myanmar.
Ko Moethee Zun, người lãnh đạo cuộc nổi dậy 8888 năm 1988 tại Myanmar, cho biết:“Tôi rất biết ơn và bày tỏ sự cảm kích trước quyết định của chính phủ. Chúng tôi đều mong muốn sẽ hỗ trợ cho chính phủ để đem lại điều tốt đẹp cho người dân”.
Sau khi sang Mỹ và trở thành công dân nước này, ông Ko Moethee Zunđã có vài lần được trở về Myanmar vào năm 2011, nhưng vào năm 2014 thì ông lại bị chính phủ dưới thời Tổng thống Thein Sein đưa vào danh sách đen bị cấm trở về nước. Ngoài ông Zun, ông U Moe Hein, Tổng biên tập báo The Sun Rays Journal, cũng bị đưa vào danh sách đen vì đưa ra những bài viết mang tính thù hằn và đang chờ được đưa ra khỏi danh sách để được về nước.
Hiện tại, Bộ Ngoại giao Myanmar vẫn chưa cho biết có bao nhiêu người sẽ được đưa ra khỏi danh sách đen.
Cẩm Bình (theo Myanmar Times)
Ảnh: Ông Ko Moethee Zun, người lãnh đạo cuộc nổi dậy 8888 năm 1988 tại Myanmar.