Giới phân tích nhận định Trung Quốc có thể là nước được hưởng lợi từ bất hòa giữa Mỹ với Ả Rập Saudi xung quanh vấn đề giá dầu thời gian gần đây.
Tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng một số đối tác (OPEC+) do Ả Rập Saudi dẫn đầu quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày bất chấp Mỹ phản đối - động thái đẩy giá dầu lên cao trước thềm bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ. Tổng thống Joe Biden mới đây cảnh báo “sẽ có hậu quả”.
Theo học giả Kristin Diwan thuộc Viện nghiên cứu Các quốc gia Vùng Vịnh: “Bất hòa hiện tại chắc chắn đem lại cho Trung Quốc cơ hội rộng mở hơn ở Ả Rập Saudi”.
“Nhưng Trung Quốc cũng phải đối mặt với một số mối nguy. Cấu trúc an ninh cơ bản khu vực Trung Đông có thể lung lay, và nếu nó sụp đổ hoàn toàn thì an ninh năng lượng của Trung Quốc cũng như của các nước châu Á sẽ bị đe dọa”, học giả Diwan nói thêm.
Ả Rập Saudi cùng nước láng giềng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) - hai thành viên OPEC duy nhất có năng lực tăng sản lượng - đã nhiều lần chống lại sức ép của Mỹ yêu cầu tăng sản lượng để bù đắp tác động lạm phát từ cuộc chiến tại Ukraine.
Với quan điểm trung lập, hai quốc gia Ả Rập giữ vững thỏa thuận giữa OPEC+ với Nga. Riyadh nhấn mạnh quyết định cắt giảm mạnh sản lượng được thúc đẩy bởi mục tiêu giữ cho thị trường dầu toàn cầu cân bằng và ổn định.
Giới phân tích nhận định Ả Rập Saudi và các đồng minh Ả Rập sẽ phản kháng nếu Mỹ tung đòn trừng phạt vì quyết định cắt giảm mạnh sản lượng. Trả lời phỏng vấn của đài CNN ngày 11.10, Tổng thống Biden không tỏ ý ủng hộ đề xuất đình chỉ bán vũ khí cho Ả Rập Saudi và ban hành luật làm giảm sự kiểm soát của OPEC+ với giá dầu mà một số đảng viên Dân chủ đưa ra. Tuy nhiên, ông Biden khẳng định sẵn sàng làm việc với Quốc hội Mỹ để xét lại tương lai quan hệ với Ả Rập Saudi.
Nặng nề hơn là tuyên bố “sẽ có hậu quả”. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ thuộc Hạ viện Mỹ Adam Smith cảnh báo: “Ta sẽ thấy Ả Rập Saudi ngày càng nghiêng về phía Nga và Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng ra sao đến lợi ích của Mỹ?”.
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal cùng hạ nghị sĩ Ro Khanna - hai nhân vật thúc đẩy dự luật đình chỉ bán vũ khí cho Ả Rập Saudi - lập luận rằng làm vậy góp phần tăng mức độ phụ thuộc công nghệ quân sự Mỹ của Riyadh.
Nhưng nhà bình luận Ali Shihabi - người được coi là nhân vật thân cận với Thái tử Mohammed bin Salman - khuyến cáo: “Ả Rập Saudi đang có nhiều thỏa thuận chuyển giao công nghệ và bán vũ khí với Nga, Trung Quốc. Những gì Mỹ làm có thể đẩy nhanh quá trình thực hiện thỏa thuận”. Không những vậy, Riyadh còn có quan hệ cung cấp vũ khí với Anh, Pháp, Nam Phi…
Giới phân tích tại Mỹ lo ngại Ả Rập Saudi sẽ trả đũa nếu Mỹ đình chỉ bán vũ khí bằng cách trao hàng loạt hợp đồng quân sự béo bở cho Trung Quốc, đặc biệt với khí tài mà phương Tây từ chối cung cấp như máy bay không người lái hay tên lửa đạn đạo.
Theo giáo sư David B.DesRoches thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ, bất hòa trong quan hệ Washington - Riyadh hiện tại đem đến nhiều rủi ro. Theo đó, các quốc gia Vùng Vịnh có thể sẽ có các cuộc đàm phán cấp cao với Trung Quốc và công bố quyết định mua sắm một số vũ khí, chẳng hạn đạo pháo Norinco 155 mm. Tuy nhiên, ông lạc quan nhận định các nước trong khu vực lâu nay đầu tư nhiều vào quan hệ quân sự với Mỹ sẽ không mạo hiểm chỉ vì một rạn nứt nhỏ.