Trước thềm Đối thoại Shangri-La 2018 ở Singapore (khai mạc ngày 1.6 tới), Biển Đông một lần nữa trở thành điểm nóng tranh chấp giữa Washington và Bắc Kinh, khi Mỹ và Trung Quốc dằn mặt nhau ở vùng biển này, không bên nào chịu để bên bên kia lấn lướt mình.

Mỹ-Trung Quốc quyết dằn mặt nhau trên Biển Đông

30/05/2018, 15:31

Trước thềm Đối thoại Shangri-La 2018 ở Singapore (khai mạc ngày 1.6 tới), Biển Đông một lần nữa trở thành điểm nóng tranh chấp giữa Washington và Bắc Kinh, khi Mỹ và Trung Quốc dằn mặt nhau ở vùng biển này, không bên nào chịu để bên bên kia lấn lướt mình.

Máy bay ném bom H-6 K bay tập trên Biển Đông - Ảnh: AP

Ngày 27.5, khu trục hạm Higgins và tuần dương hạm Antietam-đều mang tên lửa dẫn đường-đi vào vùng nước 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép và quân sự hóa trên quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm phi pháp hồi những năm 1970).

Theo Reuters, hai tàu chiến Mỹ lần lượt đi qua đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm và tiến hành các hoạt động diễn tập.

Phản ứng lại, Bắc Kinh tung tàu chiến “ra xác minh và kiểm tra” và cảnh cáo hai chiếc tàu chiến Mỹ này đã “xâm phạm lãnh hải Trung Quốc, không được chính phủ Trung Quốc cho phép” nên cần rời khỏi "lãnh hải Trung Quốc"), theo giải thích của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 27.5.

Theo trang National Interest, không thể kiểm chứng thông tin này. Tuy nhiên, người phát ngôn Ngô Khiêm nói rõ phương án đối đầu: “Quân đội Trung Quốc quyết tâm củng cố tinh thần sẵn sàng không-hải chiến, nâng cao mức độ phòng thủ, bảo vệ an ninh và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ”.

Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến đường hàng hải chiến lược trị giá 3 ngàn tỉ USD/năm và giàu nguồn cá.

Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền lãnh hải ở vùng biển này.

Vài tháng gần đây, Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông. Không quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) hồi giữa tháng 5 đã tổ chức một sư đoàn máy bay ném bom hạng nặng có thể mang đầu đạn hạt nhân H-6K tập cất-hạ cánh trên một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cuộc tập cất-hạ cánh này ở đường băng có ký hiệu 23, trên một đảo được giấu tên ở vùng biển phía nam, sau khi một chiếc H-6K mang số hiệu 41175 tập tấn công các mục tiêu trên biển.

Các nhà phân tích tại Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định đó là đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp).

Đó là nơi duy nhất có đường băng đủ dài để chiếc H-6K hạ-cất cánh. Tờ Daily Beast nêu chiến đấu cơ PLAAF từng hạ cánh ở đây, nhưng lần này là chiếc H-6K và báo này gọi là “B-52 của Trung Quốc”.

PLAAF nói kỹ sư của họ đã phát triển tầm bay của chiếc H-6K và tùy trọng tải, chiếc này có thể bay xa từ 3.000 km đến 6.000 km2 không cần phải tiếp nhiên liệu giữa trời. Còn nếu tiếp nhiên liệu, tầm bay của nó sẽ là 14.000 km. H-6K cũng được mở rộng tầm quan sát, cho phép cuộc ném bom trở nên chính xác hơn.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố vụ diễn tập cất-hạ cánh chỉ là một phần cuộc tập trận có giả lập tấn công các mục tiêu trên biển, “nhằm chuẩn bị chiến đấu vì biển Nam Hải”, cách Trung Quốc gọi Biển Đông.

Trong tuyên bố ngày 18.5, cơ quan báo chí PLAAF nói cuộc diễn tập được thiết kế “nhằm cải thiện khả năng vươn đến toàn bộ lãnh thổ, tiến hành không kích vào bất kỳ lúc nào và ở tất cả mọi hướng”.

Trung Quốc "xù lời hứa" dàn vũ khí trên quần đảo Trường Sa

Trung Quốc cũng dàn tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B trên quần đảo Trường Sa, tăng khả năng đánh chặn tàu chiến và máy bay Mỹ nếu cần thiết. Các loại vũ khí này cũng nhằm cảnh cáo các nước khác đòi chủ quyền Biển Đông.

Khi được hỏi về việc dàn tên lửa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói về bản chất đó là khâu phòng thủ, việc dàn vũ khí không nhằm quân sự hóa và vì thế, Trung Quốc không hề vi phạm luật pháp và các thỏa thuận quốc tế. Bà nói: “Những nước nào không có ý đồ hung hăng thì không cần thiết phải lo ngại”.

Đáp lại các hoạt động hung hăng của Trung Quốc, Mỹ quyết định hủy lời mời Trung Quốc tập trận hải quân chung RIMPAC 2018, để phản đối Bắc Kinh “tiếp tục quân sự hóa” Biển Đông.

Đây là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, và quyết định của Mỹ được mô tả là “phản ứng ban đầu”, có nghĩa Mỹ sẽ còn những phản ứng khác, nếu Trung Quốc không thay đổi thái độ.

Tuy nhiên, theo trang National Interest, chưa rõ các hoạt động của Mỹ có thể làm thay đổi tình hình Biển Đông hay không, khi Trung Quốc đã “cắm sâu” ở khu vực này. Bắc Kinh đã bất chấp phán quyết hồi tháng 7.2016 của Tòa án trọng tài quốc tế The Hague (PCA) vốn tuyên Trung Quốc không hề có “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông, đồng thời bác “bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ.

Từ năm 2015, Mỹ đã nhiều lần đưa tàu chiến, máy bay đến Biển Đông, mở các cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) nhằm khẳng định quan điểm của Mỹ rằng Biển Đông thuộc hải phận quốc tế, để phán bác tuyên bố chủ quyền quá vô lý của Bắc Kinh.

Theo chính quyền Mỹ, tuần tra FONOP nhằm bảo vệ quyền hoạt động ở không-hải phận quốc tế của Mỹ và của các nước khác, và không cho phép bất kỳ nước nào bành trướng bờ cõi trái phép hoặc tuyên bố đòi chủ quyền trái phép.

Nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục thống trị Biển Đông. Hồi tháng 4, Đô đốc hải quân Philip S. Davidson, ứng cử viên tư lệnh Bộ chỉ huy quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACOM), giải trình trước Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ: “Trung Quốc nay có khả năng kiểm soát Biển Đông với tất cả các kịch bản chiến tranh với Mỹ”.

Vị tướng 4 sao Davisson nói: "Hải quân Trung Quốc sẽ sử dụng các căn cứ trên Biển Đông để thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Các lực lượng được triển khai tới những căn cứ này có thể lấy đó làm bàn đạp đè bẹp một cách dễ dàng các lực lượng quân sự của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ quyết đối đầu với Trung Quốc

Ngày 29.5, trên đường bay đến Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis “thề” Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, do Bắc Kinh không giữ lời hứa là không đưa vũ khí đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, theo hãng tin AP.

Vị lãnh đạo Lầu Năm Góc nói với các nhà báo: “Quí vị sẽ ghi nhận chỉ có một quốc gia đang thực hiện các động thái hung hăng phản đối các hoạt động này, hoặc ra tuyên bố phản đối, nhưng đó là hải phận quốc tế và nhiều quốc gia muốn chứng kiến hoạt động tự do hàng hải, nên chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động đó. Chúng tôi sẽ tiến hành cách của chúng tôi, là hợp tác với các nước ven Thái Bình Dương, và chúng tôi cũng sẽ đối đầu với những việc mà chúng tôi kết luận là vi phạm luật pháp quốc tế”.

Bộ trưởng Mattis còn cho biết "Các nhà ngoại giao của Mỹ đang tích cực tham gia vào việc này. Không chỉ các nhóm nhỏ trong chính phủ Mỹ lưu tâm đến chuyện này, mà các quốc gia nước ngoài có liên quan cũng rất quan ngại về tình trạng tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông".

Ông Mattis ghé Hawaii để ngày 30.5 dự lễ thay Tư lệnh PACOM: Đô đốc Davidson nhậm chức, trong khi cựu chỉ huy là Đô đốc Harry Harris được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc.

Sau đó, ông Mattis sẽ đến Singapore dự Đối thoại Shangri-La 2018 (SLD), một trong những diễn đàn an ninh quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến ngày 2.6, vị cựu tướng 4 sao thủy quân lục chiến Mỹ sẽ phát biểu về vai trò của Mỹ khu vực này.

Vĩnh Thụy (theo National Interest, AP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ-Trung Quốc quyết dằn mặt nhau trên Biển Đông