Các công ty Trung Quốc sắp không thể mua chip Nvidia từ một trong những kênh phân phối lớn nhất nước này sau khi Mỹ đưa Sitonholy vào danh sách đen xuất khẩu.
Thế giới số

Mỹ trừng phạt nhà phân phối chính của Nvidia ở Trung Quốc có thể thúc đẩy nhu cầu dùng chip AI Huawei

Sơn Vân 14/04/2024 10:32

Các công ty Trung Quốc sắp không thể mua chip Nvidia từ một trong những kênh phân phối lớn nhất nước này sau khi Mỹ đưa Sitonholy vào danh sách đen xuất khẩu.

Điều này sẽ củng cố nỗ lực của chính quyền Biden nhằm hạn chế sự phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy nhiều doanh nghiệp quốc gia châu Á này hướng tới các sản phẩm thay thế trong nước.

Sitonholy (Tianjin), Linkzol (Beijing) Technology Co, Xi’an Like Innovative Information Technology Co và Beijing Anwise Technology Co là 4 công ty Trung Quốc vừa bị Mỹ đưa vào danh sách đen xuất khẩu với cáo buộc giúp quân đội Trung Quốc mua chip AI, theo một bài đăng đăng trên Federal Register.

Federal Register (Sổ đăng ký Liên bang) là ấn phẩm chính thức hàng ngày của chính phủ liên bang Mỹ, chứa các quy tắc, quy định đề xuất và thông báo công khai của các cơ quan chính phủ.

Kevin Kurland, quan chức thực thi xuất khẩu tại Bộ thương mại Mỹ, nói tại một phiên điều trần của tiểu ban thuộc Thượng viện rằng 4 công ty này “tham gia vào việc cung cấp chip AI cho các chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc” và những người sử dụng tình báo quân sự.

Trong một tuyên bố, Bộ thương mại Trung Quốc gọi các lệnh trừng phạt của Mỹ là “lạm dụng” và “vũ khí hóa” các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Theo bài đăng trên Federal Register., Mỹ cũng hạn chế xuất khẩu với 5 công ty khác mà họ cho biết đang giúp sản xuất và mua máy bay không người lái để Nga sử dụng ở Ukraine và lực lượng Houthi (được Iran hậu thuẫn) dùng trong các cuộc tấn công các tàu trên Biển Đỏ.

Sitonholy là một trong số ít nhà cung cấp giải pháp sản phẩm trung tâm dữ liệu Nvidia cấp cao ở Trung Quốc, đã giữ quyền phân phối của mình vì có khả năng duy trì doanh số bán hàng mạnh mẽ hàng năm, theo những người có hiểu biết trực tiếp về vấn đề này nhưng từ chối nêu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông.

Trong khi bị Mỹ cấm xuất khẩu sang Trung Quốc các bộ xử lý đồ họa (GPU) trung tâm dữ liệu A100 và H100 tiên tiến, vốn đang được săn đón để đào tạo AI, Nvidia đã đưa ra các sản phẩm thay thế mới cho các khách hàng ở Trung Quốc, chẳng hạn GPU H20, L20 và L2.

Tuy nhiên, việc bị Mỹ đưa vào danh sách đen đã chấm dứt quyền phân phối các sản phẩm Nvidia của Sitonholy, buộc công ty Trung Quốc này từ nay trở đi chủ yếu phải bán chip nội địa, các nguồn tin cho biết.

Sitonholy đã và đang phân phối chip AI Ascend 910B của Huawei (giải pháp thay thế cho GPU Nvidia A100) và các giải pháp trung tâm dữ liệu khác của Huawei, chẳng hạn máy chủ suy luận Atlas 800I A2.

Nhiều thử nghiệm khác nhau cho thấy Huawei 910B có hiệu suất bằng khoảng 70% so với Nvidia A100.

Hiện chưa rõ liệu Nvidia có hoàn thành các đơn hàng được Sitonholy đặt, trước khi công ty này bị Mỹ đưa vào danh sách đen hay không. Tờ SCMP không thể liên lạc với Sitonholy để tìm kiếm bình luận hôm 13.4.

my-trung-phat-nha-phan-phoi-chinh-cua-nvidia-o-trung-quoc-se-thuc-day-nhu-cau-dung-chip-ai-huawei.jpg
Sitonholy từng là một trong những nhà phân phối GPU Nvidia lớn nhất tại Trung Quốc trước khi bị Mỹ thêm vào danh sách đen xuất khẩu mới đây - Ảnh: Handout

Trung Quốc đã tăng tốc nỗ lực thay thế chip và phần mềm nước ngoài bằng các sản phẩm nội địa để bảo vệ an ninh quốc gia và ngành công nghiệp.

Hôm 12.4, tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các nhà mạng viễn thông lớn thay thế chip nước ngoài trong mạng cốt lõi của họ trước năm 2027. Cơ quan giám sát ngành đã ra lệnh cho ba nhà mạng di động nhà nước lớn nhất nước, gồm China Mobile, China Unicom và China Telecom, kiểm tra mạng của họ và đưa ra các mốc thời gian để thay thế các bộ xử lý không phải từ Trung Quốc.

Theo Wall Street Journal, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã ban hành chỉ thị này vào đầu năm nay, có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chip Mỹ như Intel và AMD.

Huawei nổi lên như một nhà cung cấp hùng mạnh của Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng một hệ sinh thái được xây dựng trên các giải pháp phần cứng và phần mềm nội địa, chẳng hạn HarmonyOS.

Bất chấp các lệnh trừng phạt từ Mỹ, gã khổng lồ viễn thông có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến vào tháng 8.2023 đã trình làng smartphone Mate 60 Pro hỗ trợ 5G với chip Kirin 9000s 7 nanomet do SMIC sản xuất trong nước. SMIC là hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc.

Huawei và SMIC nằm trong số hơn 600 công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen xuất khẩu, ngăn cản các nhà cung cấp Mỹ vận chuyển hàng hóa và công nghệ cho các họ nếu không có giấy phép đặc biệt.

Theo hãng tin Reuters, chính quyền Biden hôm 29.3 đã sửa đổi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng mà họ thực hiện vào tháng 10.2023, khiến Trung Quốc khó tiếp cận hơn với chip AI tiên tiến, thiết bị sản xuất chất bán dẫn và thậm chí cả laptop tích hợp những chip đó. Các quy định sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 4.4.

Theo bà Gina Raimondo - Bộ trưởng Thương mại Mỹ, bản cập nhật này nhằm lấp đầy các lỗ hổng trong các biện pháp trước đó và ngăn chặn sự phát triển AI của Trung Quốc cho mục đích quân sự.

Trung Quốc phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sửa đổi của Mỹ được công bố hôm 29.3, đồng thời chỉ trích chính quyền Biden vì tùy tiện thay đổi các quy tắc và làm tổn hại đến quyền lợi của cả các công ty Trung Quốc lẫn Mỹ.

Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc nói: “Nó không chỉ tạo thêm trở ngại cho các công ty Trung Quốc và Mỹ trong việc thực hiện hợp tác kinh tế và thương mại bình thường, đồng thời đặt ra gánh nặng tuân thủ nặng nề hơn mà còn gây tổn hại cho ngành bán dẫn toàn cầu”.

Những hạn chế mới nhất của Mỹ với việc xuất khẩu chip AI đến Trung Quốc đã biến card đồ họa trở thành một trong những mặt hàng được săn lùng nhiều nhất ở Hoa Cường Bắc, chợ bán buôn điện tử lớn nhất thế giới ở quận Phúc Điền, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Cai Zhaojie, một nhà cung cấp tại Hoa Cường Bắc, nói: “Nhu cầu về card đồ họa cao cấp vẫn rất mạnh, đặc biệt là sau lệnh hạn chế xuất khẩu do chính phủ Mỹ áp đặt. Tất cả thương nhân bắt đầu tích trữ nhiều loại hàng hóa liên quan đến AI mà họ có thể mua và đang chờ bán những thứ này với giá cao”.

Điều đó khiến Nvidia GeForce RTX 4090, thiết bị hàng đầu được các game thủ và nhà thiết kế đồ họa sử dụng để nâng cao hiệu năng tính toán, trở thành card đồ họa được thèm muốn nhất trên thị trường.

Những nỗ lực của các thương nhân ở Hoa Cường Bắc nhằm tích lũy kho dự trữ card đồ họa Nvidia GeForce RTX 4090 cho thấy tác động sâu rộng từ các hạn chế xuất khẩu chip mới nhất của Mỹ.

Một số phiên bản nhất định của GeForce RTX 4090 có giá khoảng 20.000 nhân dân tệ (2.768 USD), cao hơn 70% so với giá bán lẻ đề xuất từ Nvidia. Cai Zhaojie, người bán card đồ họa và máy tính cá nhân, nói một số phiên bản GeForce RTX 4090 có giá khoảng 16.000 nhân dân tệ.

Trên nền tảng thương mại điện tử JD.com, giá GeForce RTX 4090 dao động từ 16.999 nhân dân tệ đến 19.999 nhân dân tệ.

Theo một kỹ sư tại Autra Technology, GeForce RTX 4090 cũng được sử dụng để giúp chạy chức năng nhận thức trên xe tự lái. Autra Technology là công ty Trung Quốc phát triển xe tải tự lái cấp độ 4 có thể hoạt động mà không cần sự can thiệp tích cực của tài xế.

Nhu cầu và giá card đồ họa GeForce RTX 4090 đã tăng vọt vào tháng 10.2023, khi các hạn chế xuất khẩu chip được cập nhật của Mỹ gây ra sự hoảng loạn trên thị trường tiêu dùng Trung Quốc.

Nvidia, hãng chip có giá trị nhất thế giới, đã loại bỏ kho card đồ họa GeForce RTX 4090 khỏi cửa hàng chính thức của mình trên nền tảng mua sắm JD.com vào thời điểm đó và cả trang web chính thức ở Trung Quốc.

Bài liên quan
Nữ CEO 30 tuổi giúp startup Lamini AI hoạt động tốt dù không có chip Nvidia
Sharon Zhou, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp Lamini AI, không nhún nhường trước Jensen Huang và đế chế Nvidia của ông.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ trừng phạt nhà phân phối chính của Nvidia ở Trung Quốc có thể thúc đẩy nhu cầu dùng chip AI Huawei