Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết quân đội nước này ngày 31.1 đã cho thực hiện một vụ thử nghiệm đánh chặn tên lửa bắn đến Hawaii nhưng thất bại.
Theo nguồn tin này, một tên lửa SM-3 Block IIA được phóng từ một cơ sở Aegis Ashore đặt ở Hawaii đã không bắn hạ được một tên lửa khác phóng từ máy bay. SM-3 Block IIA do công ty vũ khí Raytheon Co hợp tác phát triển với Nhật Bản, được thiết kế để đánh chặn tên lửa tầm trung.
Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ xác nhận thông tin có thực hiện một cuộc thử nghiệm chống tên lửa ngày 31.1, nhưng không cho biết kết quả vụ thử này.
Mark Wright, người phát ngôn của cơ quan này, cho biết: “Cơ quan Phòng thủ tên lửa và các thủy thủ của hải quân Mỹ đã tiến hành một vụ thử bắn tên lửa thật, sử dụng SM-3 Block IIA phóng từ Hawaii vào sáng thứ tư (31.1)”.
Nếu được xác nhận thì vụ thử ngày 31.1 chính là vụ thử thất bại thứ hai của tên lửa SM-3 Block IIA. Vụ thử vào tháng 6.2017 cũng có kết quả tương tự, tuy nhiên vụ thử tháng 2.2017 trước đó đã thành công.
Theo trang Defense News, nguyên nhân thất bại không phải do bản thân SM-3 Block IIA mà có thể bởi nhiều yếu tố bên ngoài. Trong vụ thử mới nhất, có khả năng Aegis, hệ thống radar nhắm mục tiêu và điều khiển việc phóng tên lửa của hải quân Mỹ, khiến vụ thử không thành công.
Vào tháng 6.2017, vụ thử thất bại là do một thủy thủ của tàu khu trục USS John Paul Jones kích hoạt nhầm chế độ tự phá hủy của SM-3 Block IIA, Defense News cho biết.
Trong năm ngoái, CHDCND Triều Tiên đã cho thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của nước này cùng nhiều vụ phóng tên lửa khác, trong đó có một tên lửa đạn đạo liên lục địa được cho có khả năng vươn đến lãnh thổ Mỹ. Tốc độ phát triển nhanh chóng của chương trình vũ khí Bình Nhưỡng đã khiến Mỹ phải tăng cường các nỗ lực phòng thủ.
Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) 2018 xác định các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh châu Á -Thái Bình Dương, do đó Mỹ phải tăng cường khả năng phòng vệ cho Hawaii, nơi cách Bình Nhưỡng gần 7.500 km.
Theo Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ,SM-3 Block IIA sẽ giúp cung cấp thêm một lớp phòng vệ cho Hawaii trước tên lửa liên lục địa Triều Tiên.
Mỹ lên phương án y tế cho trường hợp bị tấn công hạt nhân
Trong một diễn biến khác, trang Reuters ngày 1.2 đưa tin trước nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên ngày càng tăng, Bộ Quốc phòng Mỹ cùng vài đơn vị trong quân đội đã hợp tác với nhiều công ty trong ngành y tế để phát triển các phương pháp điều trị nhiễm độc phóng xạ hiệu quả hơn.
Theo một số hợp đồng của các công ty tham gia như Cleveland BioLabs Inc và Humanetics Corp thì tổng số tiền được dành ra cho hoạt động này ít nhất là 13 triệu USD, trong đó Bộ Quốc phòng năm 2018 đóng góp 3,9 triệu USD.
Hiện các công ty tham gia vào nỗ lực này đang phát triển những loại thuốc trị chứng mất máu (gồm cả hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu) không tái tạo được do nhiễm xạ và thuốc tiêm giúp giảm mức độ nhiễm độc phóng xạ.
Cẩm Bình (theo SCMP, Defense News, Reuters)