Hôm 2.6, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Tổng thống Joe Biden có thể công bố chi tiết sớm nhất vào ngày 3.6 về kế hoạch chia sẻ 80 triệu liều vắc xin COVID-19 của Mỹ trên toàn cầu.

Mỹ sớm nêu kế hoạch chia sẻ 80 triệu liều vắc xin COVID-19 toàn cầu, ngầm chỉ trích Trung Quốc

Nhân Hoàng | 03/06/2021, 08:41

Hôm 2.6, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Tổng thống Joe Biden có thể công bố chi tiết sớm nhất vào ngày 3.6 về kế hoạch chia sẻ 80 triệu liều vắc xin COVID-19 của Mỹ trên toàn cầu.

"Tôi muốn các bạn biết rõ rằng trong một vài ngày ngắn nữa... có thể sớm nhất là vào ngày 3.6, tổng thống sẽ công bố chi tiết hơn về kế hoạch mà ông ấy đưa ra để chuyển 80 triệu liều vắc xin trên khắp thế giới", ông Antony Blinken nói tại một buổi họp báo tại Đại sứ quán Mỹ ở Costa Rica.

Ông Antony Blinken nhắc lại rằng kế hoạch phân phối của Mỹ sẽ được điều phối với cơ sở chia sẻ vắc xin COVAX và dựa trên nhu cầu "mà không có bất kỳ ràng buộc chính trị nào".

"Ngay cả khi thực hiện điều đó, chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ để tăng năng lực sản xuất vắc xin ở Mỹ và trên toàn thế giới, để chúng tôi có thể đi trước loại virus này và trở thành người đi đầu trong lĩnh vực tiêm chủng trên thế giới", ông Antony Blinken nói.

Theo ông Blinken, quỹ đạo của việc tiêm chủng chỉ vài tuần trước là 70% - 80% người dân trên toàn cầu sẽ không được tiêm vắc xin COVID-19 cho đến năm 2024. Thế nhưng, "chúng tôi có thể tăng tốc độ này, chúng tôi sẽ tăng tốc độ này. Tôi nghĩ chúng ta có cơ hội hoàn thành việc này vào cuối năm sau. Vì vậy, hãy theo dõi điều đó", Ngoại trưởng Mỹ cho hay.

Ông Blinken đã nói trong một cuộc họp báo ở Costa Rica hôm 1.6 rằng chính quyền Biden sẽ tập trung vào việc phân phối vắc xin một cách công bằng và không ràng buộc chính trị vào quá trình này, một lời chỉ trích nhắm vào Trung Quốc.

Biden cho biết chính quyền của ông sẽ gửi ra nước ngoài ít nhất 20 triệu liều vắc xin Pfizer - BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson, bên cạnh 60 triệu liều AstraZeneca mà Tổng thống Mỹ đã lên kế hoạch cung cấp cho các quốc gia khác.

Chính quyền Biden đã phải chịu áp lực chia sẻ vắc xin để giúp hạn chế bùng phát trầm trọng hơn từ Ấn Độ đến Brazil, nơi các chuyên gia y tế lo ngại các biến thể coronavirus mới, dễ lây lan hơn có thể làm giảm hiệu quả của các mũi tiêm hiện có.

my-som-cong-bo-ke-hoach-chia-se-80-lieu-vac-xin-toan-cau2.jpg
Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu trong chuyến thăm đến tư dinh của Đại sứ quán Mỹ ở Costa Rica ngày 2.6 - Ảnh: Reuters

Việt Nam hy vọng sẽ được Mỹ chia sẻ một lượng vắc xin đáng kể, đặc biệt là khi dịch bùng phát mạnh trong thời gian qua ở một số tỉnh thành, như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng.

Tính đến sáng 3.6, Việt Nam ghi nhận 7.813 ca mắc COVID-19 với  4.675 người đang điều trị, 3.085 khỏi bệnh và 49 trường hợp tử vong. Số lượng ca mắc COVID-19 mới tính từ ngày 27.4 đến nay là 4.780, riêng Bắc Giang chiếm đến 2.565 ca.

Hôm 30.5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư đến Tổng thống Biden, trao đổi về vắc xin và ứng phó COVID-19.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, trong thư gửi Tổng thống Biden, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và cảm ơn Mỹ đã cam kết tài trợ 4 tỉ USD cho sáng kiến Tiếp cận Toàn cầu Vắc xin COVID-19 (COVAX).

Chủ tịch nước cũng thông báo cho Tổng thống Biden về việc Việt Nam đã nhận hai đợt vắc xin từ sáng kiến này, với khoảng 2,5 triệu liều. COVAX thực sự là sự hỗ trợ quý báu, đã kịp thời giúp Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển trong xử lý dịch bệnh khi nguồn cung vắc xin quốc tế còn khan hiếm.

Chủ tịch nước cũng hoan nghênh việc Mỹ cam kết sẽ đóng góp thêm 80 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh dịch COVID-19 ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đang có những diễn biến rất phức tạp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước về nguồn cung vắc xin, đồng thời đề nghị hai bên tăng cường hợp tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine ngừa COVID-19.

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ và tin tưởng rằng trên tinh thần hợp tác hữu nghị, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Trước đó, trong các cuộc điện đàm gần đây với lãnh đạo cấp cao các nước Trung Quốc, Nga, Nhật Bản... lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã đề nghị các nước hỗ trợ tiếp cận các nguồn vắc xin và hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin phòng chống COVID-19.

Bài liên quan
Đã tiêm đủ 2 liều vắc xin Sputnik V dù mắc COVID-19 cũng không lây cho người khác
Những người được tiêm đủ hai liều Sputnik V không lây lan coronavirus ngay cả khi nhiễm bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ sớm nêu kế hoạch chia sẻ 80 triệu liều vắc xin COVID-19 toàn cầu, ngầm chỉ trích Trung Quốc