Theo Reuters, động thái này của tân tổng thống Mỹ là bất chấp những nỗ lực cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính trên Trái đất của nhiều quốc gia.
Theo nguồn tin thân cận với ông Donald Trump thì ông cho rằng sự nóng lên của toàn cầu chỉ là 1 trò đùa. Vì vậy, ông Trump đang tìm cách theo đuổi một thủ tục kéo dài trong 4 năm nhằm để nước Mỹ sớm rời khỏi Công ước Paris về biến đổi khí hậu. Được biết, Công ước Paris bắt đầu đi vào hiệu lực ngày 4.11.2016, đúng 4 ngày trước cuộc bầu cử Mỹ.
Nhiều quốc gia bày tỏ mong muốn Mỹ sẽ không rút khỏi Công ước này. Ma-rốc cho hay việc cắt giảm khí nhà kính trong 50 năm tới có thể giúp đạt được trạng thái cân bằng khí hậu.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay ông sẽ nỗ lực hết mình để Mỹ tiếp tục tham gia vào Công ước Paris cho đến khi Tổng thống Obama chính thức rời Nhà trắng vào ngày 20.1.2017.
Trong chuyến thăm đến New Zealand, ông Kerry đã đưa ra một số bằng chứng của sự biến đổi khí hậu như các vụ cháy rừng, lũ lụt, bão xảy ra ngày càng nhiều hơn trên khắp thế giới và mực nước biển đang tăng dần.
Công ước Paris được gần 200 quốc gia thông qua vào cuối năm ngoái. Công ước này chính thức được 109 quốc gia chiếm 76% lượng khí thải nhà kính toàn cầu phê duyệt, trong đó có Mỹ chiếm 18% lượng khí thải.
Thông qua Công ước này, các quốc gia đang tìm kiếm các giải pháp nhằm giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và ngang với mức trước thời kỳ công nghiệp hóa. Từ đó, hạn chế hiện tượng sa mạc hóa, tuyệt chủng các loài động thực vật, bão nhiệt đới, lũ lụt và nước biển dâng.
Chủ tịch cơ quan về khí hậu của Liên Hợp Quốc bà Patricia Espinosa cho hay LHQ mong muốn có được sự hợp tác mạnh mẽ và mang tính xây dựng từ tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhất là trong vấn đề chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Song, trước đó ông Trump từng chỉ trích Tổng thống Obama khi để Mỹ tham gia công ước này mà không có sự phê chuẩn của Thượng viện. “Đáng lý ra Mỹ sẽ không mắc phải sai lầm này trên trường quốc tế nếu như ông Obama không vội vã thông qua Công ước này”, ông Trump nói.
Thiên Mai