Chính quyền Tổng thống Donald Trump phải tìm cách cân bằng giữa ban hành trừng phạt với duy trì mối quan hệ đồng minh Mỹ- Ả Rập Saudi.
Ả Rập Saudi vừa lên tiếng thừa nhận nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại bên trong lãnh sự quán của nước này tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Họ không cho biết thi thể của Khashoggi đã bị hung thủ giấu tại đâu mà chỉ tuyên bố vẫn đang tiến hành điều tra.
Người phát ngôn Sarah Sanders của Nhà Trắng cho biết Mỹ biết được thông tin này từ Ả Rập Saudi và sẽ theo dõi chặt chẽ các cuộc điều tra quốc tế về vụ việc. Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Washington, chính Thái tử Mohammed bin Salman báo cho Ngoại trưởng Mike Pompeo vào ngày 19.10.
Không lâu trước đó, Tổng thống Trump thông báo ông muốn cùng Quốc hội Mỹ quyết định nước này sẽ đưa ra phản ứng gì. Nhà lãnh đạo Washington phát biểu với báo chí tại Arizona: “Đây là điều chúng tôi không thích, một chuyện tồi tệ và chúng tôi sẽ tìm hiểu đến cùng. Quốc hội sẽ tham gia vào việc quyết định phải làm gì”
Tổng thống Trump cần đến Ả Rập Saudi cho nhiều ưu tiên chính sách đối ngoại của mình. Không những vậy, mối quan hệ tài chính (có thể có) giữa gia tộc Trump với quốc gia Trung Đông càng khiến mọi chuyện thêm phức tạp, làm dấy lên lo ngại về quyết tâm trừng phạt Riyadh của người đứng đầu nước Mỹ.
Ông Aaron David Miller, Phó chủ tịch Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson, cùng một số nhà phân tích nhận định Nhà Trắng sẽ tìm cách cân bằng giữa ban hành trừng phạt với duy trì mối quan hệ đồng minh Mỹ- Ả Rập Saudi.
Theo Phó chủ tịch Miller: “Họ đang cố dàn xếp hai điều không thể hòa hợp nhau. Cách để làm được là đưa ra trừng phạt đã được thương lượng trước, trên cơ sở hiểu biết rằng đây là hành động Mỹ buộc phải thực hiện nhưng quan hệ song phương vẫn phải tiếp tục”.
Chính quyền Trump trên lý thuyết có không ít biện pháp có thể xem xét, từ phản ứng ngoại giao cho đến trừng phạt kinh tế.
Thông thường khi xảy ra tranh cãi ngoại giao, một quốc gia sẽ bày tỏ thái độ bằng cách triệu hồi đại sứ hoặc tuyên bố đại sứ của quốc gia kia là PNG (persona non grata, một thuật ngữ ngoại giao có nghĩa “người không được chào đón”).
Tuy nhiên, chính quyền Trump chưa bổ nhiệm ai làm Đại sứ Mỹ tại Ả Rập Saudi và ngay khi việc nhà báo Khashoggi mất tích nhận phải nhiều nghi ngờ thì Riyadh đã triệu hồi Đại sứ của nước này tại Mỹ.
Một biện pháp khác là đóng cửa lãnh sự quán hoặc cơ quan ngoại giao nào khác của Ả Rập Saudi, cũng như giảm số lượng nhân viên ngoại giao Ả Rập Saudi ở Mỹ như đã làm với Nga trong hai năm 2017 và 2018.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Yemen Gerald Feierstein còn đề xuất biện pháp đình chỉ hợp tác với các cơ quan tình báo Ả Rập Saudi được cho có liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi, nhưng ông cũng cảnh báo đây là “con dao hai lưỡi” với Washington do nước này nhận được không ít tin tình báo khi hợp tác.
Ban hành trừng phạt
Nghị sĩ Mỹ đang kêu gọi Tổng thống Trump sử dụng Đạo luật Magnitsky toàn cầu để mở một cuộc điều tra, từ đó cho phép áp đặt trừng phạt cho trường hợp vi phạm nhân quyền.
Cũng như ông Miller, cựu Đại sứ Feierstein đánh giá chính quyền Washington sẽ cố cân nhắc kĩ càng: “Tôi suy đoán họ sẽ hạn chế phạm vi phản ứng. Họ có khả năng dùng luật Magnitsky để trừng phạt và nhắm vào một số người cụ thể, sau đó dừng lại và tuyên bố như vậy là đủ, đồng thời mong rằng có thể duy trì quan hệ (với Ả Rập Saudi)”.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Patrick Leahy lại quả quyết Mỹ phải cắt giảm giao dịch ngân hàng lẫn thị thực, thậm chí ngừng bán vũ khí cho Riyadh.
James Carafano, Giám đốc Tổ chức Heritage chuyên nghiên cứu chính sách công, cho rằng: “Hành động thông minh nhất mà Mỹ cần làm là đặt trọng tâm vào điều tra. Họ nên gửi người đứng đầu Cục Điều tra liên bang (FBI) đến Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải Ngoại trưởng. Hành động mù quáng là quá nguy hiểm cho mối quan hệ chiến lược với hai quốc gia Trung Đông này”.
Phát biểu với báo giới vào ngày 19.10, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho Mỹ đang xem xét một loạt biện pháp phản ứng nhưng ông nhấn mạnh điều quan trọng bây giờ là làm rõ chân tướng.
Cẩm Bình (theo CNN)