Trang Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời một số chuyên gia an ninh khu vực tiết lộ Mỹ và Philippines đang thảo luận khả năng triển khai một hệ thống tên lửa tiên tiến nhằm mục đích răn đe hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.

Mỹ - Philippines thảo luận triển khai tên lửa răn đe Trung Quốc

Nguyễn Cẩm Bình- 0901321282- 060113793980 | 03/04/2019, 15:20

Trang Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời một số chuyên gia an ninh khu vực tiết lộ Mỹ và Philippines đang thảo luận khả năng triển khai một hệ thống tên lửa tiên tiến nhằm mục đích răn đe hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.

Đó là hệ thống pháo cơ động HIMARS, có thể phóng cùng lúc 6 tên lửa hoặc 1 tên lửa chiến thuật đất đối đất với tầm bắn tối đa 300km. Nếu được triển khai, HIMARS đủ sức tấn công các đảo nhân tạo nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) bị cường quốc châu Á chiếm đóng - xây dựng phi pháp.

Phó tham mưu trưởng lục quân Mỹ James McConville tháng trước cho biết lúc này chưa có kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa ở khu vực, nhưng các đối tác của Mỹ tại Thái Bình Dương đã bắt đầu thảo luận chuyện này.

Và theo Patrick Cronin - cựu giám đốc đơn vị nghiên cứu an ninh quốc gia thuộc đại học quốc phòng Mỹ: “HIMARS lẫn nhiều tên lửa khác hiện đang được cân nhắc không chỉ cho tập trận mà còn cho việc triển khai để giúp các đối tác tăng năng lực răn đe”. Ông khẳng định vì hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc nên lực lượng Mỹ và Philippines chắc chắn rất quan tâm vấn đề đặt HIMARS.

“Tốt nhất nên dùng HIMARS nhắm vào những mục tiêu cố định, như đảo nhân tạo chẳng hạn”, chuyên gia Cronin nhận định.

Nhà nghiên cứu Collin Koh Swee Lean thuộc đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) đánh giá triển khai HIMARS là cách thể hiện Mỹ duy trì cam kết chiến lược và hoạt động trong khu vực.

Ông Lean chỉ ra hai điểm đặt hệ thống vũ khí khả dĩ: tỉnh Palawan của Philippines cùng đảo Thị Tứ trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Từ Palawan, HIMARS tấn công được những công trình nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Vành Khăn ở tầm bắn tối đa. Còn tên lửa phóng từ Thị Tứ sẽ đánh đến đá Subi.

Mỹ khó chịu với hoạt động quân sự hóa Biển Đông phi pháp của Trung Quốc - Ảnh: CSIS

Thông tin Mỹ - Philippines bàn bạc chuyện đặt HIMARS xuất hiện sau khi một đơn vị nghiên cứu rất có ảnh hưởng là Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS) cuối tháng trước vừa công bố báo cáo nhận xét hoạt động tuần tra thể hiện quyền tự do hàng hải chẳng khiến cường quốc châu Á thay đổi hành vi ở Biển Đông.

Trong năm 2018, Trung Quốc lần lượt triển khai tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không lên 3 thực thể địa lý trong Trường Sa (đá Vành Khăn, đá Subi, đá Chữ Thập). Mỹ lúc đó yêu cầu rút các hệ thống này nhưng giới chức Bắc Kinh từ chối.

Trong báo cáo mới công bố, CNAS kêu gọi chính quyền Washington đặt HIMARS tại một số nước Đông Nam Á.

Tướng Kenneth McKenzie - thành viên cấp cao của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - từng nhấn mạnh họ đủ sức tiêu diệt đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng.

Trước thông tin nêu trên, nhà phân tích Tống Trung Bình nhận định rất khó cho các nước Đông Nam Á đặt HIMARS dù Mỹ liên tục mời chào.

“Các nước thường cẩn trọng trong việc triển khai hệ thống như vậy. Họ ưa thích hỗ trợ quân sự hơn mua vũ khí, vì quốc gia như Philippines chẳng thể đủ sức chi trả”, theo nhà phân tích Tống.

Tuy nhiên, giáo sư quan hệ quốc tế Châu Phong đến từ đại học Nam Kinh lại cảnh báo Trung Quốc cần phải lưu ý chuyện này.

Theo ông Châu, động thái bàn bạc triển khai HIMARS cho thấy Mỹ ngày càng khó chịu với hoạt động quân sự hóa phi pháp Biển Đông, do đó cường quốc châu Á cần hạn chế đưa thêm vũ khí ra đảo nhân tạo.

Cẩm Bình (theo SCMP)
Bài liên quan
Toan tính của Mỹ khi điều ‘pháo đài bay’ B-52 gần biên giới Nga
Việc Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress gần biên giới Nga đã gây chú ý đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa NATO và Moscow.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ - Philippines thảo luận triển khai tên lửa răn đe Trung Quốc