Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun mới đây cho biết Washington muốn thiết lập mô hình tương tự NATO với các quốc gia trong “Bộ tứ kim cương” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để chặn đứng những mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc.

Mỹ muốn tạo liên minh tương tự NATO nhằm đối phó với Trung Quốc

Hoàng Vũ | 01/09/2020, 11:30

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun mới đây cho biết Washington muốn thiết lập mô hình tương tự NATO với các quốc gia trong “Bộ tứ kim cương” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để chặn đứng những mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ông Biegun hôm 31.8 nhấn mạnh Mỹ muốn tăng cường quan hệ quốc phòng thân thiết hơn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với các quốc gia bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Úc - các thành viên trong “Bộ tứ kim cương” nhằm hướng tới xây dựng mô hình tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại khu vực.

Trả lời báo giới, nhà ngoại giao Mỹ cho biết mục tiêu của Washington là tập hợp cùng các nước trong khu vực ngăn chặn "thách thức tiềm tàng từ Trung Quốc" và tạo ra một mô hình xung quanh các giá trị và lợi ích được chia sẻ nhằm thu hút nhiều quốc gia ở khu vực và thậm chí trên thế giới để liên kết một cách có tổ chức.

“Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang thiếu một cấu trúc đa phương vững mạnh. Khu vực này không có bất kỳ điều gì đủ sự vững chắc như NATO hay Liên minh Châu Âu (EU). Theo tôi, các thể chế mạnh nhất ở châu Á thông thường không đủ tính bao trùm. Do đó, cũng sẽ đến lúc cần chính thức hóa một cấu trúc như vậy”, Biegun cho hay.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington sẽ duy trì mong muốn tạo ra một mô hình như NATO ở Thái Bình Dương, nhấn mạnh điều này sẽ chỉ xảy ra nếu các nước khác có cam kết tương đồng với Mỹ. "Cần nhớ rằng ngay cả NATO cũng khởi đầu khá khiêm tốn và một số nước ban đầu chọn trung lập không làm thành viên NATO", ông Biegun lưu ý.

Trao đổi với cựu đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Richard Verman trong khuôn khổ Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ - Ấn, ông Biegun cũng tiết lộ 4 nước “Bộ tứ kim cương” dự kiến sẽ gặp nhau ở New Delhi, Ấn Độ vào mùa thu này, đồng thời nói rằng Úc có thể tham gia cuộc diễn tập hải quân Malabar của Ấn Độ.

“Ấn Độ đã rõ ràng có ý định mời Úc tham gia diễn tập Malabar và đó sẽ là bước tiến to lớn nhằm đảm bảo tự do đi lại và an ninh của các vùng biển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Biegun cho biết và nhận định rằng việc Úc có khả năng tham gia tập trận Malabar của Ấn Độ là tín hiệu nhóm đang tiến gần hơn đến hình thành khối phòng thủ chính thức cũng như thể hiện bước tiến rất lớn trong đảm bảo tự do đi lại và an ninh ở các vùng biển trong Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phát biểu của ông Biegun được đưa ra sau khi Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump Robert O’Brien cuối tuần qua gọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “nực cười”. Ông O’Brien cũng tiết lộ về các cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các quan chức của Ấn Độ, Úc và Nhật Bản vào tháng 9 và tháng 10.

Ông Biegun nhấn mạnh rằng Washington muốn thấy Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand cùng tham gia một phiên bản mở rộng hơn của “Bộ tứ kim cương”.

Được biết, “Bộ tứ kim cương” (QUAD) ra đời năm 2007 với 4 quốc gia thành viên là Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ với mục đích thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Sau 10 năm gián đoạn, thời gian gần đây, bộ tứ đã chính thức nối lại cuộc đối thoại 4 bên và nâng cấp thành đối thoại của các ngoại trưởng. Đáng chú ý, ngày 20.3, “Bộ tứ kim cương” đã mời thêm 3 quốc gia gồm Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam cùng thảo luận, nhóm này được gọi là “Bộ tứ mở rộng” (QUAD Plus).

Đại dịch COVID-19 cho thấy Mỹ và các nước phương Tây cũng như nhiều nước châu Á khác đang có sự phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nhiều loại hàng hóa từ Trung Quốc. Vì vậy, theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, mục đích của nhóm “Bộ tứ mở rộng” hiện nay là tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa nền kinh tế toàn cầu tiến lên phía trước sau đại dịch cũng như nhằm tạo nên một liên minh chống lại những thách thức từ Trung Quốc.

Hoàng Vũ(theo SCMP)
Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ muốn tạo liên minh tương tự NATO nhằm đối phó với Trung Quốc