Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẵn sàng thuyết phục Nhật Bản và Hà Lan tham gia nỗ lực ngăn chặn xuất khẩu công nghệ chip tiên tiến cho Trung Quốc.
“Tôi nghĩ Nhật Bản và Hà Lan sẽ hưởng ứng”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu trên đài CNBC. Đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ cấp cao nêu tên hai quốc gia cụ thể khi nói về hợp tác trong hạn chế xuất khẩu chip mà Tổng thống Biden ban hành tháng trước.
Kể từ tháng 10, chính quyền Tổng thống Biden cấm các công ty bán công nghệ bán dẫn, thiết bị sản xuất dùng công nghệ Mỹ cùng nhân lực liên quan cho Trung Quốc. Đây là động thái mới nhất trong cuộc chiến công nghệ giữa hai nước, một đòn giáng mạnh vào tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.
Công ty Mỹ rất mạnh về phần mềm sử dụng trong chip cũng như phần mềm thiết kế dùng cho hoạt động sản xuất chip. Công ty Hàn Quốc, Đài Loan chuyên gia công sản xuất nhiều sản phẩm dùng công nghệ Mỹ. Còn công ty Nhật, Hà Lan sở hữu thế mạnh về thiết bị sản xuất chip.
Công ty Nhật, Hà Lan đến nay vẫn chưa phải đối tượng phải tuân thủ hạn chế xuất khẩu của Mỹ như công ty Hàn Quốc, Đài Loan. Họ cũng được cho đủ sức tạo ra thiết bị không cần dùng công nghệ Mỹ.
Ba đơn vị đang thống trị thị trường thiết bị sản xuất chip toàn cầu là Applied Materials của Mỹ, ASML của Hà Lan và Tokyo Electron của Nhật.
Tokyo Electron chiếm 90% thị phần thiết bị khắc mạch bán dẫn, gần 40% thị phần thiết bị tạo màng mỏng trên đĩa bán dẫn. Trung Quốc là khách hàng số 1 khi chiếm đến 1/4 trong 13,6 tỷ USD doanh thu năm tài khóa kết thúc tháng 3.2022 của công ty.
Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ Jimmy Goodrich cho biết: “Rất thất vọng khi các đồng minh không tuân thủ quy định hạn chế. Thuyết phục họ sớm hưởng ứng để công ty Mỹ không mất thị phần vào tay đối thủ nước ngoài là điều cấp bách”.
Truyền thông Mỹ đưa tin một quan chức Bộ Thương mại nước này chuẩn bị sang thăm Hà Lan ngay trong tháng 11. Thảo luận chính thức với Nhật cũng sẽ sớm bắt đầu.
Hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế Nhật. Xuất khẩu thiết bị sản xuất chip trong 9 tháng của năm 2022 đạt khoảng 3 nghìn tỷ yên - tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Quy mô thị trường trong 10 năm qua mở rộng gấp 3 lần.
Vượt qua phụ tùng ô tô trở thành mặt hàng xuất khẩu nhiều thứ hai chỉ sau thép, thiết bị sản xuất chip hiện chiếm hơn 4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Mục đích của hạn chế xuất khẩu mà Tổng thống Biden ban hành là an ninh. Sự vượt trội ở lĩnh vực bán dẫn tiên tiến liên quan trực tiếp đến cuộc đua phát triển khí tài hiện đại như tên lửa siêu thanh hay vũ khí dẫn đường chính xác.
“Đây là bước đi mang tính chiến lược táo bạo nhất mà chúng tôi từng thực hiện”, Bộ trưởng Raimondo nhấn mạnh. Giống như Mỹ, Nhật cũng xem Trung Quốc là mối đe dọa với an ninh quốc gia.
Trước phát ngôn của Bộ trưởng Raimondo, Bộ Kinh tế - Công nghiệp Nhật từ chối bình luận về khả năng Tokyo tham gia nỗ lực ngăn chặn xuất khẩu công nghệ chip tiên tiến cho Trung Quốc. Giới chức nước này đang làm việc với các công ty nhằm tìm hiểu tác động của hạn chế xuất khẩu và bàn bạc về phương án khả thi.