Trong con mắt người Mỹ, muốn kiểm soát an ninh Nam Thái Bình Dương thì cần có một đồng minh như Úc và trong huyết mạch hàng hải đến Úc thì Solomon đóng vai trò quan trọng.

Mỹ lo ngại Trung Quốc đặt căn cứ quân sự chặn yết hầu hàng hải với Úc

19/10/2019, 07:21

Trong con mắt người Mỹ, muốn kiểm soát an ninh Nam Thái Bình Dương thì cần có một đồng minh như Úc và trong huyết mạch hàng hải đến Úc thì Solomon đóng vai trò quan trọng.

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare thăm Trung Quốc hồi đầu tháng này - Ảnh: Internet

Chính phủ Quần đảo Solomon đã đạt được thỏa thuận bí mật với một công ty Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ ở Bắc Kinh. Thỏa thuận này trao cho người Trung Quốc độc quyền phát triển Tulagi, nơi từng là tiền đồn của thực dân Anh tại quần đảo Thái Bình Dương.

Sự dàn xếp bí mật đã làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh có thể lên kế hoạch sử dụng lãnh thổ nhỏ bé này cho quân sự trong tương lai thay vì chỉ nhằm mục đích thương mại.

Tulagi, nơi có một bến cảng nước sâu, từ lâu đã được xem là một tiền đồn chiến lược. Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã chiếm giữ đảo này năm 1942 vì ý thức được vị trí quan trọng của nó. Sau đó, thủy quân lục chiến Mỹ cũng phải tốn không ít xương máu mới giành lại hòn đảo được coi là yết hầu hàng hải tại khu vực Nam Thái Bình Dương, án ngữ nhiều tuyến hảng hải từ Đông Á và Bắc Mỹ tới Úc.

Trong con mắt người Mỹ, muốn kiểm soát an ninh Nam Thái Bình Dương thì cần có một đồng minh như Úc và trong huyết mạch hàng hải đến Úc thì Solomon đóng vai trò quan trọng.

Trung Quốc vào tháng trước sau khi thuyết phục Quần đảo Solomon và quốc gia Kiribati ở Thái Bình Dương chuyển quan hệ ngoại giao chính thức từ Đài Bắc sang Bắc Kinh. Telegraph của Anh cho rằng đây là toan tính của Trung Quốc khi họ tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Indo – Pacific (Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương) như cách làm suy yếu chiến lược của Mỹ và đồng minh tại khu vực.

Một bản sao của thỏa thuận hợp tác chiến lược tiết lộ chương trình cho thuê 75 năm có quyền tái ký đã được Solomon cấp cho Tập đoàn China Sam Enterprise, một tập đoàn được thành lập năm 1985 với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước, theo The New York Times.

The New York Times hoài nghi một số điều bất thường trong thỏa thuận này làm dấy lên nghi ngờ rằng cơ sở hạ tầng ở Tulagi có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự. “Điều này gây lo ngại cho các quan chức Mỹ, những người coi chuỗi đảo Nam Thái Bình Dương là rất quan trọng để bảo vệ các huyết mạch đường biển”, tờ báo này tiết lộ.

Thỏa thuận ký ngày 22.9 cũng đề cập đến các điều khoản cho phép phía Trung Quốc sở hữu một cơ sở thủy sản, một trung tâm điều hành và xây dựng hoặc cải tạo sân bay, với ghi chú rằng công ty có tham vọng xây dựng một trạm chứa dầu khí cho dù vùng này chưa hề được ghi nhận có các mỏ khai thác xung quanh. Nếu không khai thác được dầu khí quanh Solomon thì công ty Trung Quốc dựng trạm chứa dầu khí tại đây làm gì?

Bản đồ khu vực Nam Thái Bình Dương

Chính quyền Honiara (thủ đô Solomon) không bình luận về các báo cáo, nhưng ông thị trưởng Stanley Maniteva, có nói trên truyền thông địa phương hồi đầu tuần rằng thỏa thuận này chưa được hoàn thành hay chính thức hóa.

Dù vậy, Mỹ và Úc lo ngại sớm muộn thì các quốc gia Thái Bình Dương sẽ khó cưỡng được sự hấp dẫn trong quan hệ chặt chẽ và nồng ấm hơn với Trung Quốc khi họ tránh xa các đồng minh truyền thống, để ngả về phía Bắc Kinh.

Theo báo ABC của Úc, sau khi trở về từ chuyến đi tới Trung Quốc trong tuần này, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare xác nhận Trung Quốc sẽ tặng khoản tài trợ trị giá 74 triệu USD để xây dựng một sân vận động mới cho Đại hội thể thao Thái Bình Dương năm 2023 tại thủ đô Honiara.

Đài Loan trước đây đã cam kết tài trợ cho khu liên hợp thể thao, nhưng họ không dám chơi mạnh tay như Trung Quốc, tức là tặng không ngay lập tức. Ông Sogavare nhấn mạnh khoản viện trợ này là một "khoản tài trợ" – chứ không phải là "khoản vay" - trong nỗ lực xác nhận việc chuyển hướng ngoại giao sang Trung Quốc và dập tắt sự bất an về quyết định ngoại giao. Theo Reuters, ông Sogavare đến Trung Quốc chỉ 1 tháng sau khi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chính thức thiết lập ngoại giao với Bắc Kinh, bất chấp sự giận dữ từ Mỹ (Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã hủy cuộc gặp với ông Sogavare sau quyết định thay đổi chính sách ngoại giao).

Trong một bài phát biểu vào tháng 2 tại Port Vila, Vanuatu, Dame Meg Taylor, tổng thư ký của Diễn đàn các quốc đảo tại Thái Bình Dương, một cơ quan liên chính phủ, cũng bày tỏ sự háo hức với Trung Quốc khi cho biết đã đến lúc bàn luận về cách thức tập thể tham gia cùng với Bắc Kinh để tiếp cận thị trường, công nghệ , tài chính và cơ sở hạ tầng.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ lo ngại Trung Quốc đặt căn cứ quân sự chặn yết hầu hàng hải với Úc