Mỹ và Hàn Quốc là đồng minh thân cận 67 năm qua, nhưng việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 đang khiến hai tổng thống Mỹ-Hàn hục hặc với nhau.

Mỹ-Hàn bất đồng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên

06/09/2017, 05:46

Mỹ và Hàn Quốc là đồng minh thân cận 67 năm qua, nhưng việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 đang khiến hai tổng thống Mỹ-Hàn hục hặc với nhau.

Ông Moon Jae-in (trái) trong lần gặp ông Trump ở Nhà Trắng hồi tháng 6-Ảnh: New York Times

Theo báo New York Times, việc Triều Tiên tiến hành nhiều vụ thử bom hạt nhân và tên lửa mang tính khiêu khích, quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn lại hục hặc đúng lúc Mỹ-Hàn cần giữ quan hệ này hơn bao giờ hết.

Quan điểm khác biệt giữa Mỹ và Hàn Quốc

Vài ngày qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tung ra những bình luận khiến dân Hàn Quốc nghi ngờ có nên tiếp tục giữ gìn quan hệ đồng minh nữa hay không.

Hôm 31.8, ông Trump viết Twitter: “Nói chuyện không là câu trả lời!”, tức dẹp đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc Jae-in là đối thoại với Bình Nhưỡng.

Ngày 2.9, ông Trump dọa Mỹ rút khỏi thỏa thuận thương mại tự do mà Mỹ-Hàn đạt được từ 5 năm qua, vì ông cho rằng có những chính sách bảo hộ bất công.

Ngày 3.9, sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6, ông Trump tuyên bố Hàn Quốc “nhân nhượng vô nguyên tắc”.

Ông viết trên Twitter: “Hàn Quốc đang nhận ra, như tôi đã bảo họ, rằng chuyện họ muốn đối thoại với Triều Tiên sẽ không hiệu quả, mà họ chỉ hiểu có mỗi một điều!”.

Tổng thống Hàn Quốc phản ứng, nhấn mạnh cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên phải giải quyết một cách hòa bình, trong tuyên bố đêm 3.9: “Chúng ta không bao giờ có thể chấp nhận một cuộc chiến thảm khốc ở vùng đất này. Chúng ta sẽ không từ bỏ mục tiêu làm việc chung với các đồng minh để tìm cách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo một cách hòa bình”.

Khi tranh cử, ông Moon cũng nói ông chống Mỹ dàn hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên hồi tháng 7, ông Moon phản ứng bằng cách cho phép Mỹ dàn THAAD.

Nhưng sự cho phép này khiến Trung Quốc nổi cáu, trả đũa bằng cách tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc, buộc hãng xe Hyundai phải tạm thời đóng cửa nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc.

Dù ông Moon không xét lại chuyện dàn THAAD, Mỹ đã biết khả năng “nói không với người Mỹ” của Tổng thống Hàn Quốc, người từng công khai chỉ trích ông Trump trong bài phát biểu trên truyền hình hồi tháng 8: “Không ai được phép quyết định hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên mà không có sự đồng ý của Hàn Quốc”.

Tổng thống Hàn Quốc là “phiên bản Roo Moo-hyun 2.0”

Ông Trump không là lãnh đạo Mỹ đầu tiên nghi ngờ đường lối đối với Triều Tiên của một Tổng thống Hàn Quốc tiến bộ. Từ lần đầu phát hiện Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân những năm 1990, liên minh Mỹ-Hàn thường không đồng quan điểm.

Mỹ lo ngại những lãnh đạo Hàn Quốc ủng hộ đối thoại và mở cửa sẽ giúp Triều Tiên ‘câu giờ’ và gây quỹ cho chương trình vũ khí hạt nhân.

Nhưng phe tiến bộ ở Hàn Quốc nói đối thoại với Triều Tiên sẽ khiến nước này giảm, thậm chí ngưng phát triển chương trình hạt nhân, trong chí ít một thời gian.

Ông Moon từng là đồng minh thân cận của cố Tổng thống Roh Moo-hyun, người theo đuổi chính sách Ánh Dương làm thân, viện trợ nhân đạo và buôn bán với Triều Tiên.

Ông Roh từng trúng cử tổng thống năm 2002, phần nào nhờ làn sóng bài Mỹ, sau cái chết của hai nữ học sinh Hàn Quốc bị xe quân sự Mỹ húc chết.

Nhà phân tích Kim Ji-yoon của Viện Nghiên cứu chính sách Asan (Seoul) nói: “Washington vẫn nghi Tổng thống Moon là phiên bản Roh Moo-hyun 2.0”.

Nhà phân tích Lee Seong-hyon của Viện Sejong (Seoul) nói ông Trump nhận định Tổng thống Hàn Quốc “ngây thơ” vì nhấn mạnh đối thoại với Triều Tiên trong khi Triều Tiên vẫn tiếp tục thử tên lửa và hạt nhân.

Mỹ-Hàn đồng ý xóa giới hạn tầm bắn của tên lửa quy ước Hàn Quốc

Nhưng ông Moon ủng hộ việc ông Trump thúc đẩy LHQ trừng phạt mạnh Triều Tiên, và ông Trump tái khẳng định cam kết bảo vệ Hàn Quốc và hai nước đồng ý vận động LHQ trừng phạt mạnh Triều Tiên, sau một cuộc nói chuyện qua điện thoại 40 phút ngày 4.9.

Theo văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, để phản ứng với việc Triều thử hạt nhân lần thứ 6-điều mà hai lãnh đạo xem là một “sự khiêu khích nghiêm trọng chưa hề có”, hai vị tổng thống Mỹ-Hàn đồng ý xóa bỏ giới hạn trọng lượng đầu đạn quy ước của Hàn Quốc.

Có nghĩa xóa bỏ quy định tên lửa do quân đội Hàn Quốc phát triển bị giới hạn tầm bắn ở mức 800km và nặng không quá 500kg. Quy định này do Mỹ-Hàn thỏa thuận năm 2012, nhằm tránh một cuộc chạy đua vũ trang khu vực.

Nhưng ông Moon nói riêng việc trừng phạt và gây sức ép vẫn không cản Triều Tiên đạt tiến bộ về công nghệ hạt nhân và tên lửa.

Và dù ông Trump dọa ‘trút lửa thịnh nộ’ xuống Triều Tiên, ông Moon nói phải tìm ra giải pháp hòa bình, vì dân Hàn Quốc sẽ gánh nặng hậu quả chiến tranh, chứ không phải dân Mỹ. Tuy vậy, ông Moon cũng gọi việc Triều Tiên thử hạt nhân là “đáng thất vọng, gây phẫn nộ”.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ-Hàn bất đồng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên