Công ty Công nghệ sinh học Moderna hợp tác với Viện Y tế Quốc gia Mỹ để phát triển vắc-xin phòng COVID-19 vừa thông báo tin vui: Các tình nguyện viên thử nghiệm vắc-xin COVID-19 của họ có kết quả tích cực.
Bác sĩ Tal Zaks, Giám đốc y tế của Moderna khẳng định nếu các nghiên cứu trong tương lai suôn sẻ, vắc-xin của công ty có thể được cung cấp cho công chúng vào tháng 1. Ông Zaks hồ hởi: "Đây là tin tức hết sức tốt đẹp và là thứ mà nhiều người đã chờ đợi trong một thời gian khá dài".
Những dữ liệu ban đầu này đến từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, thường áp dụng nghiên cứu với một số ít người và tập trung vào việc liệu vắc-xin có an toàn hay không cũng như việc tạo ra phản ứng miễn dịch.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Công ty Moderna (có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts) là một trong tám nhà phát triển trên toàn thế giới đang thực hiện các thử nghiệm lâm sàng ở người với vắc-xin chống lại coronavirus. Hai nhà phát triển khác của Mỹ là Pfizer và Inovio, một đơn vị nghiên cứu khác ở Đại học Oxford ở Anh và bốn đơn vị còn lại ở Trung Quốc.
Đại diện Moderna cho biết, họ đã tiêm phòng cho hàng chục người tham gia nghiên cứu và đo kháng thể ở 8 người trong số đó. Tất cả 8 kháng thể đã ngăn chặn virus phát triển ở mức độ đạt hoặc vượt mức đã thấy ở những người hồi phục tự nhiên khỏi COVID-19. Kháng thể đã tác động đến virus, vô hiệu hóa nó khỏi tấn công tế bào người.
Bác sĩ Zaks nói: "Chúng tôi đã chứng minh rằng các kháng thể này, phản ứng miễn dịch này thực sự có thể ngăn chặn virus. Tôi nghĩ rằng đây là bước đầu tiên rất quan trọng trong hành trình hướng tới việc tiêm vắc-xin".
Tiến sĩ Paul Offit, thành viên của hội đồng NIH - một chuyên gia vắc-xin không liên quan đến công việc của Moderna cho biết kết quả của công ty trên là "tuyệt vời". Ông cho biết: "Vắc xin thử nghiệm cho thấy rằng kháng thể không chỉ tác động tới virus mà còn ngăn chặn virus lây nhiễm vào các tế bào".
Mặc dù vắc-xin có kết quả đầy hứa hẹn trong phòng thí nghiệm nhưng không biết liệu nó có tác dụng khi triển khai ra bên ngoài hay không. Để biết thêm về điều này, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ CDC đã cho công ty bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2, thường có hàng trăm người tham gia thử nghiệm. Moderna cũng có kế hoạch thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn, còn được gọi là thử nghiệm giai đoạn 3, vào tháng 7. Giai đoạn 3 thường có hàng chục ngàn người tham gia.
Ông Offit cho biết trước đại dịch, các nhà phát triển vắc-xin thường sẽ thử nghiệm sản phẩm của họ ở hàng ngàn người trước khi chuyển sang giai đoạn 3. Do vậy, ông lo rằng Moderna "rất khó có thể tiêm vắc-xin cho nhiều người vào tháng 7 vì họ mới chỉ tiêm vắc-xin ở quy mô hàng chục người". Nhưng Offit tán đồng việc Moderna chuyển hẳn sang giai đoạn 3 trong bối cảnh COVID-19 đang khiến hàng ngàn người tử vong mỗi ngày.
Vào tháng 1, tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cho biết sẽ mất khoảng 12 đến 18 tháng để triển khai tiêm vắc-xin đại trà. Bác sĩ Zaks cho biết ông đồng ý với ước tính đó đối với vắc-xin của Moderna, tức là triển khai vắc xin khoảng từ tháng 1 đến tháng 6 năm sau.
Bác sĩ Zaks cho biết: "Chúng tôi sẽ phải tiến hành các thử nghiệm hiệu quả chính thức bằng cách tiêm vắc-xin cho nhiều người và sau đó theo dõi trong những tháng tiếp theo để đảm bảo họ không bị bệnh trở lại".
Anh Tú (theo CNN)