Các chuyên gia quân sự nói việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) có nghĩa Mỹ có thể triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á để đề phòng bùng nổ chiến tranh Mỹ - Trung.

Mỹ có thể dàn tên lửa tầm trung ở châu Á để đối phó Trung Quốc

24/10/2018, 17:08

Các chuyên gia quân sự nói việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) có nghĩa Mỹ có thể triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á để đề phòng bùng nổ chiến tranh Mỹ - Trung.

Trung Quốc phóng tên lửa - Ảnh : SCMP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 24.10, nhận định của các nhà phân tích quân sự tiếp sau việc ông Trump hôm 22.10 tuyên bố, rằng kho tên lửa ngày càng phình to của Trung Quốc là lý do ông quyết rút Mỹ khỏi INF.

Tổng thống Trump tiếp tục khẳng định rằng Nga không tuân thủ INF, và cam kết của ông rằng Mỹ sẽ tăng cường vũ khí hạt nhân (VKHN) cũng là một lời cảnh báo nhằm vào Trung Quốc và những quốc gia khác: “Đây là một lời đe dọa đến bất cứ ai, gồm Trung Quốc, Nga và tất cả quốc gia muốn tham gia cuộc chơi này".

Cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại trước thông báo của ông Trump. Ủy ban châu Âu thúc giục Mỹ và Nga đối thoại để duy trì INF, còn Trung Quốc kêu gọi Washington "suy nghĩ lại".

Ngày 23.10, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ không bị dọa mà tham gia vào INF, vốn do Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbatchev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký năm 1987, với nội dung cấm triển khai và thử toàn bộ các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung có thể gắn đầu đạn hạt nhân hoặc qui ước, phóng từ trên mặt đất, với tầm bắn từ 500 đến 5.500km.

Ông Adam Ni, một nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc thuộc Đại học Quốc gia Úc nói việc Mỹ rút khỏi INF sẽ có một tác động đáng kể đến cán cân quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là khi bùng nổ chiến tranh thì Mỹ có thể triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á.

Ông Ni cho biết: “Mỹ hiện có khả năng tấn công các mục tiêu ở Trung Quốc nhờ tên lửa phóng từ biển và không kích. Việc triển khai tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung từ trên bộ đến Nhật có thể tăng cường khả năng quân sự của Mỹ tại khu vực, và “bào mòn lợi thế của Trung Quốc vốn đã xây dựng từ hàng chục năm qua”.

Trung Quốc không phải là một bên ký kết INF, do đó có thể triển khai tên lửa đạn đạo mà không bị hạn chế. Trung Quốc đã sản xuất và dàn kho tên lửa hiện đại và tiên tiến, có nghĩa họ có thể tấn công các mục tiêu Mỹ và tài sản quân sự của các đồng minh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm tàu sân bay và căn cứ không quân của Mỹ và đồng minh.

Trung Quốc đang phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa Gió Đông DF-41 tầm bắn lên tới 15.000km, có thể đặt đặt toàn bộ nước Mỹ vào tầm bắn.

Trung Quốc còn có tên lửa đạn đạo tầm trung Gió Đông DF-26 có tầm bắn tối đa 4.000 km, vũ khí khiến Lầu Năm Góc kết luận chúng có thể đe dọa quân đội Mỹ trên bộ hoặc trên biển ở đảo Guam.

Trung Quốc cũng có các loại vũ khí hiện đại khác như máy bay siêu thanh và súng laser, có thể đe dọa Mỹ trong trường hợp có xảy ra chiến tranh Mỹ - Trung.

Ông Collin Koh - một chuyên gia an ninh hàng hải tại Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore - nói việc Mỹ lại dàn tên lửa tầm trung là một sự tăng cường cần thiết, có khả năng tấn công bằng cả hai loại đầu đạn qui ước và hạt nhân.

Ông nói: “Trung Quốc đã đạt tiến bộ lớn về khả năng tấn công bằng tên lửa phóng từ trên bộ, đồng thời xây dựng khả năng tấn công từ trên biển và trên không. Đấy là sức ép lên hệ thống phòng thủ của Mỹ phải tìm cách đối phó, trong lúc ý thức được khả năng hiện có bị hạn chế”.

Ông Koh còn nói kế hoạch của Tổng thống Trump có thể là chất xúc tác khiến cả Nga và Trung Quốc đẩy nhanh các chương trình phát triển vũ khí: "Trung Quốc có khả năng phản ứng việc Mỹ rút khỏi INF bằng cách sử dụng nó là cái cớ cho việc tăng cường lực lượng quân sự"

Nhưng ông Lưu Vệ Đông - chuyên gia về các vấn đề Mỹ của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - nói Mỹ chớ nên lập kho tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng từ trên bộ, ngay cả khi Mỹ rút khỏi INF, vì đấy sẽ là một chương trình rất tốn tiền.

Ông còn nói hành động của ông Trump sẽ cho phép quân đội Mỹ tự do phát triển và triển khai cả vũ khí thông thường lẫn vũ khí hạt nhân: “Theo nghĩa rộng hơn, điều đó không chỉ gây nguy hiểm cho sự an nguy của Nga hay Trung Quốc mà cho cả thế giới".

Các chuyên gia Mỹ cũng cảnh báo một cuộc chạy đua vũ trang mới có thể gây căng thẳng lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Dan Blumental, một cựu quan chức Lầu Năm Góc nay ở tổ chức nghiên cứu American Enterprise Institute nói việc Mỹ rút khỏi INF có thể mở đường cho Mỹ dàn tên lửa lưu động (dễ giấu) ở Đảo Guam hoặc ở Nhật.

Ông nói như thế, Mỹ sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải xem xét có nên tấn công tàu chiến và căn cứ Mỹ tại khu vực này hay không. Và còn buộc Trung Quốc phải nhào vào cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, chi thêm tiền cho hệ thống phòng thủ tên lửa.

Trung Trực (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ có thể dàn tên lửa tầm trung ở châu Á để đối phó Trung Quốc