Mỹ chỉ trích Bỉ chống khủng bố như "một đám trẻ con" thiếu hiểu biết, nghiệp vụ "không ra gì" và không có khả năng đối mặt với hiểm họa khủng bố.
Dù đã được Washington nhiều lần cảnh báo phía Bỉ vẫn để xảy ra vụ khủng bố tại Brussels hôm 22.3 khiến ít nhất 30 người chết và 230 người bị thương.
Sau khi xảy ra vụ đánh bom, chính quyền Bỉ cũng đã thừa nhận “sai lầm” là đã bỏ qua lời cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015 về Ibrahim El Bakraoui, một trong những kẻ đã ôm bom liều chết tại sân bay Brussels.
Nói với The Daily Beast, một quan chức cấp cao của tình báo Mỹ chỉ trích Bỉ chống khủng bố như “một đám trẻ con” thiếu hiểu biết và có nghiệp vụ “không ra gì”.
Quan chức này nói: “Các tay súng Hồi giáo cực đoan đã liên tục lẻn vào Liên minh châu Âu từ 2 thập niên qua nhưng cho tới tận bây giờ chính quyền các nước này mới bắt đầu giải quyết. Làm việc với họ chúng tôi có cảm tưởng như đang làm việc với đám trẻ con. Họ không năng động và cũng chẳng biết chuyện gì đang xảy ra”.
Trong thời gian qua, thủ đô Brussels của Bỉ trên thực tế đã bị biến thành “trung tâm” khủng bố tại châu Âu, với nhiều mạng lưới Hồi giáo cực đoan được lập tại khu Molenbeek gần trung tâm thành phố, để tuyển mộ các tay súng cho IS và lên kế hoạch tấn công các nước phương Tây. Tuy nhiên cho tới nay, Bỉ vẫn chưa thực hiện được bước tiến đáng kể nào trong việc triệt phá những đường dây khủng bố được cho là có liên quan mật thiết đến vụ tấn công tại Paris khiến 130 người chết ngày 13.11.2015.
“Tuy Brussels đã đẩy mạnh tình báo và an ninh chống khủng bố nhưng lại quá trễ và kết quả là đã xảy ra thảm họa ngày 22.3”, Adam Schiff thuộc Ủy ban tình báo quốc hội Mỹ phát biểu trên kênh truyền hình MSNBC.
Chuyên gia người Pháp nghiên cứu về khủng bố Gilles Kepel cho biết “có vẻ như những tay khủng bố đang cho rằng châu Âu là điểm yếu của phương Tây, còn Bỉ là điểm yếu châu Âu”.
Vấn đề càng trở nên rắc rối hơn khi lực lượng cảnh sát tại Brussels bị phân chia ra thành nhiều nhóm nhỏ khác nhau để quản lý đến 19 quận (mặc dù dân số tại thủ đô Bỉ chỉ khoảng 1,3 triệu) gây khó khăn trong việc chia sẻ thông tin tình báo.
Robin Simcox, chuyên gia nghiên cứu về mạng lưới khủng bố tại châu Âu, cho rằng những vụ tấn công tại Bỉ và Pháp cho thấy bộ phận chống khủng bố của châu Âu nói chung đang tự lừa dối mình bằng những suy luận sai lệch.
“Sau khi al-Qaeda thực hiện vụ đánh bom tại London vào năm 2005, chúng ta cho rằng những vụ tấn công tương tự sẽ không thể xảy ra nữa. Cảnh sát tự tin sẽ dễ dàng bắt được bất cứ kẻ nào có ý định làm bom tự chế và bọn khủng bố sẽ phải tấn công bằng dao và súng. Nhưng kết quả là hết Paris rồi tới Brussels đã bị đánh bom. Chúng ta đã quá tự mãn”, ông Simcox nói.
Kẻ được cho là chủ mưu vụ tấn công tại Paris ngày 13.11, Abdelhamis Abaaoud, cho tới trước khi bị giết trong một cuộc tập kích của cảnh sát Pháp, được cho là đã tham gia lên kế hoạch cho 4 vụ tấn công khác nhau nhưng đã liên tục thoát khỏi sự truy bắt của lực lượng an ninh châu Âu.
Thậm chí Abaaoud đã từng khoe khoang trên tờ báo tuyên truyền của IS Dabiq rằng đã thoát được trận bố ráp trên toàn châu lục, mặc dù hình ảnh của hắn đã được một nhà báo gửi đến các cơ quan an ninh châu Âu.
“Tôi chợt thấy hình ảnh của mình xuất hiện trên đủ thứ báo đài, nhưng may thay lũ ngoại đạo đã bị Thượng Đế làm cho mù mắt. Thậm chí tôi đã bị một tay an ninh chặn lại để đối chiếu với tấm hình, nhưng lại được thả ra ngay vì hắn không nhận ra tôi. Đây rõ ràng là một món quà từ trên trời rớt xuống”.
Trong lúc nhiều tay súng Hồi giáo cực đoan từ Syria được cho là đã quay lại tập kết tại Brussels, phương Tây vẫn không giấu khỏi sự hoài nghi về khả năng của chính quyền Bỉ trong việc ngăn chặn hiệu quả những âm mưu tấn công khủng bố trong tương lai.
Huỳnh Hy (theo The Daily Beast)