Một diễn biến đáng chú ý là sự thay đổi quan điểm của Úc, từ bỏ sự phản đối của họ đối với TPNW bằng cách bỏ phiếu trắng về nghị quyết. Điều này được nhiều nước hoan nghênh nhưng Mỹ thì không vui.

Mỹ cảnh báo hậu quả với Úc về việc bỏ phiếu "không đúng đường lối" tại LHQ

Tá Nhu (theo Guardian) | 13/11/2022, 16:40

Một diễn biến đáng chú ý là sự thay đổi quan điểm của Úc, từ bỏ sự phản đối của họ đối với TPNW bằng cách bỏ phiếu trắng về nghị quyết. Điều này được nhiều nước hoan nghênh nhưng Mỹ thì không vui.

Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine, với những nguy cơ hạt nhân tiềm ẩn, đa số các quốc gia trên thế giới đã tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), có hiệu lực từ năm ngoái và biến vũ khí hạt nhân thành bất hợp pháp theo luật quốc tế.

Trong một cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc hôm 28.10, 124 quốc gia đã ủng hộ nghị quyết kêu gọi tuân thủ nhiều hơn nữa hiệp ước giải trừ quân bị mang tính bước ngoặt này. Cả 9 quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân – Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Israel, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên - phản đối nghị quyết về TPNW

Trong một cuộc bỏ phiếu riêng rẽ khác tại LHQ diễn ra cùng ngày, 141 quốc gia ủng hộ nghị quyết nhắc lại “mối quan tâm sâu sắc về hậu quả thảm khốc của vũ khí hạt nhân” và nhấn mạnh “vì lợi ích của chính sự tồn vong của nhân loại mà vũ khí hạt nhân không bao giờ được sử dụng lại, trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Nghị quyết cũng kêu gọi các thành viên LHQ “nỗ lực hết sức để loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa từ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này”.

Lần này, 8 quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân (ngoại trừ Ấn Độ) đã bỏ phiếu chống hoặc bỏ phiếu trắng về hậu quả nhân đạo của vũ khí hạt nhân. Nhiều đồng minh của họ cũng làm như vậy dựa trên quan điểm của họ rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể hợp lý trong một số trường hợp.

Beatrice Fihn, giám đốc điều hành của Chiến dịch quốc tế về xóa bỏ vũ khí hạt nhân từng đoạt giải Nobel hòa bình 2017 (ICAN) cho biết: “Giống như biến đổi khí hậu và dịch bệnh, những rủi ro khủng khiếp do vũ khí hạt nhân gây ra tạo thành một vấn đề toàn cầu và đòi hỏi một phản ứng toàn cầu. Vì lợi ích của tất cả các quốc gia - và trách nhiệm của tất cả các quốc gia - phải đối mặt và lên án các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và hành động để củng cố các quy tắc chống lại việc sử dụng chúng”.

Sự ủng hộ toàn cầu dành cho TPNW tiếp tục tăng lên, cho đến nay đã có thêm 9 quốc gia phê chuẩn tham gia và 5 quốc gia ký kết ủng hộ. Hành động của họ đưa tổng số bên tham gia lên 68 và số thành viên ký kết lên 91. Trong tháng qua, hàng chục quốc gia đã lên tiếng ủng hộ TPNW trong các tuyên bố trước Ủy ban thứ nhất của Đại hội đồng LHQ, bao gồm tất cả các quốc gia Caribbean, châu Phi và Ả Rập.

Đáng tiếc, lần đầu tiên Thụy Điển và Phần Lan phản đối nghị quyết TPNW. Một diễn biến đáng chú ý là sự thay đổi quan điểm của Úc, từ bỏ sự phản đối của họ đối với TPNW bằng cách bỏ phiếu trắng về nghị quyết.

Úc từ chống sang trắng

Chính phủ Úc trước đó kiên quyết chống lại Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, một hiệp định quốc tế yêu cầu áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với việc phát triển, thử nghiệm, tàng trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân - hoặc giúp các quốc gia khác thực hiện các hoạt động đó.

Úc trước đây cho rằng hiệp ước sẽ không hiệu quả vì không có quốc gia nào có vũ khí hạt nhân chịu tham gia và vì nó “phớt lờ những thực tế của môi trường an ninh toàn cầu”. Và Úc cũng cho rằng việc tham gia sẽ vi phạm các nghĩa vụ liên minh với Mỹ, trong đó Úc dựa vào các lực lượng hạt nhân của Mỹ để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào vào Úc.

Do vậy, Úc đã bỏ phiếu chống lại việc mở các cuộc đàm phán về hiệp ước mới được đề xuất vào cuối năm 2016 và không tham gia các cuộc đàm phán đó vào năm 2017. Kể từ năm 2018, Úc đã bỏ phiếu chống lại các nghị quyết thường niên tại đại hội đồng LHQ và ủy ban đầu tiên kêu gọi tất cả các nước tham gia thỏa thuận "vào ngày sớm nhất có thể”.

Điều đó đã thay đổi vào năm nay khi Úc chuyển sang bỏ phiếu trắng. Thủ tướng mới lên của Úc, Anthony Albanese, vốn chủ trương chống lại vũ khí hạt nhân và đã mô tả chúng là “vũ khí hủy diệt, vô nhân đạo và bừa bãi nhất từng được tạo ra”.

Sau khi bỏ phiếu trắng, Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong cho biết Úc có “cam kết lâu dài và đáng tự hào đối với chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu” và chính phủ ủng hộ “tham vọng về một thế giới không có vũ khí hạt nhân” của hiệp ước mới.

Mặc dù Úc vẫn chưa thực sự tham gia Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, nhưng việc chuyển sang “bỏ phiếu trắng” sau 5 năm “bỏ phiếu chống” được các nhà vận động coi là một dấu hiệu của sự tiến bộ sau nhiều lần đứng về phía Mỹ.

Hai láng giềng là Indonesia, New Zealand nằm trong số các quốc gia đồng tài trợ cho nghị quyết năm nay hết sức hoan nghênh Úc. New Zealand cho biết họ “vui mừng nhận thấy sự thay đổi tích cực” trong quan điểm của Úc trong cuộc bỏ phiếu tại LHQ và “tất nhiên, sẽ hoan nghênh bất kỳ sự phê chuẩn mới nào như một bước quan trọng để đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Đại sứ Indonesia, Siswo Pramono, cho biết sự thay đổi tích cực của Úc đối với hiệp ước sẽ “khuyến khích những nước khác tin rằng chúng ta đang đi đúng hướng” trong việc tìm kiếm một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Mỹ cảnh báo hậu quả với Úc

Tuy nhiên, Mỹ đã cảnh báo Úc ngừng việc tham gia một hiệp ước mang tính bước ngoặt cấm vũ khí hạt nhân, nói rằng thỏa thuận này có thể cản trở các thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ và các đồng minh.

Đại sứ quán Mỹ tại Canberra cho biết hiệp ước “sẽ không cho phép mở rộng các hoạt động răn đe của Mỹ, vốn vẫn cần thiết cho hòa bình và an ninh quốc tế”.

Lời đó là ám chỉ đến việc Úc đang dựa vào các lực lượng hạt nhân của Mỹ để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào vào Úc - còn gọi là "chiếc ô hạt nhân" - mặc dù Úc không có bất kỳ vũ khí nguyên tử nào của riêng mình.

Đại sứ quán Mỹ cho biết hiệp ước cũng có nguy cơ "tăng cường chia rẽ" trong cộng đồng quốc tế. Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ nói với Guardian: “Trong khi Mỹ hiểu và chia sẻ mong muốn thúc đẩy các mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân, chúng tôi không ủng hộ hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Mỹ không tin rằng tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân có thể tách rời khỏi các mối đe dọa an ninh phổ biến trong thế giới ngày nay”.

Các bình luận trên là một dấu hiệu cho thấy Úc phải đối mặt với sự phản đối từ đồng minh an ninh hàng đầu của mình nếu nước này tiến gần hơn đến việc ký kết và phê chuẩn hiệp ước - mặc dù điều đó dường như vẫn còn xa vời.

Tuy nhiên, các nhà vận động đã hoan nghênh các bình luận của thủ tướng Albanese mô tả sự tồn tại của vũ khí hạt nhân là một mối đe dọa an ninh, thay vì tán thành chức năng răn đe.

Thủ tướng Albanese nhận xét rằng lời cảnh báo của Tổng thống Nga, Vladimir Putin về sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật “đã nhắc nhở thế giới rằng sự tồn tại của vũ khí hạt nhân là một mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu và các tiêu chuẩn mà chúng ta đã coi là đương nhiên”.

Gem Romuld, đại diện của Úc trong ICAN, nhận xét: “Trái ngược với chính phủ trước, thủ tướng Albanese hiểu rõ rằng vũ khí hạt nhân làm suy yếu an ninh toàn cầu và việc theo đuổi giải trừ quân bị là điều tối quan trọng”.

“Không có gì ngạc nhiên khi Mỹ không muốn Úc tham gia hiệp ước nhưng họ sẽ phải tôn trọng quyền của chúng tôi trong việc đưa ra lập trường nhân đạo chống lại những vũ khí này”.

Romuld nêu quan ngại rằng kế hoạch bố trí máy bay B-52 của Mỹ ở Úc “có thể làm leo thang căng thẳng khu vực hoặc liên quan đến vũ khí hạt nhân, mà Úc đã cam kết không cho phép “hiện diện” trong Khu vực cấm vũ khí hạt nhân Nam Thái Bình Dương”.

Úc tiếp tục theo đuổi hợp tác an ninh và quốc phòng chặt chẽ hơn với Mỹ, gồm cả kế hoạch mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng được trang bị vũ khí thông thường theo thỏa thuận Aukus.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles phát biểu tại hội nghị Viện Tàu ngầm ở Canberra hôm 8.11 rằng phải “cam đoan rằng chúng ta có thể trở thành những người quản lý hạt nhân tốt từ khi còn trứng nước” để đảm bảo sự chấp nhận của quốc tế đối với Aukus.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ cảnh báo hậu quả với Úc về việc bỏ phiếu "không đúng đường lối" tại LHQ