Thủ tướng Malaysia Najib Razak vừa có chuyến thăm quan trọng tới Trung Quốc và hai bên thống nhất đưa quan hệ Trung Quốc – Malaysia lên tầm cao mới. Ông Najib được xem là có tình cảm nhất định với Trung Quốc bởi cha ông, cố Thủ tướng thứ hai của Malaysia, Abdul Razak, là người bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1974 trong thời Chiến tranh Lạnh.

Mưu đồ phía sau những hợp đồng kỷ lục giữa Trung Quốc và Malaysia

Ngọc Việt | 07/11/2016, 07:34

Thủ tướng Malaysia Najib Razak vừa có chuyến thăm quan trọng tới Trung Quốc và hai bên thống nhất đưa quan hệ Trung Quốc – Malaysia lên tầm cao mới. Ông Najib được xem là có tình cảm nhất định với Trung Quốc bởi cha ông, cố Thủ tướng thứ hai của Malaysia, Abdul Razak, là người bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1974 trong thời Chiến tranh Lạnh.

"Quan hệ giữa hai nước chúng ta đang tạo ra những cơ chế cho tầm cao mới. Sau nhiều thập kỷ cha tôi đặt niềm tin vào Trung Quốc, điều đó đã tạo ra thành quả cho chúng ta gặt hái hôm nay", China Daily đã dẫn lời Thủ tướng Razak thể hiện trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua.

Kỷ lục cho một chuyến thăm

Nikkei Asian Review ngày 3.11 cho biết trong chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia Najib Razak tới Trung Quốc, doanh nghiệp hai nước đã có những hợp đồng, thoả thuận kỷ lục với tổng trị giá lên đến 143 tỉringgit (tương đương 34 tỉUSD), trong đó bao gồm việc đầu tư xây dựng một đô thị ngầm, hệ thống đường sắt cao tốc, bến cảng và mua bán các tàu hải quân.

Theo đó có ít nhất 14 thoả thuận đã được hai bên ký kết sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Najib Razak và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Trong đó đặc biệt quan trọng là dự án xây dựng tuyến đường sắt dài 620km, với tổng giá trị 55 tỉringgit (13 tỉUSD) được Trung Quốc tài trợ vốn. Tuyến đường nối Kuala Lumpur đến các quốc gia trên bờ biển phía đông của bán đảo Malaysia.

Chiều dài của tuyến đường gấp đôi chiều dài tuyến đường cao tốc nối Kuala Lumpur – Singapore. Theo một quan chức tài chính cao cấp Malaysia thì Trung Quốc dành cho Malaysia gói vay ưu đãi với lãi suất rất cạnh tranh trong vòng 20 năm để thực hiện dự án khổng lồ này. Dự án dự kiến kéo dài năm năm với ba giai đoạn và bắt đầu vào đầu năm tới.

Theo các nhà phân tích mô tả thì dự án đường sắt cao tốc mà Trung Quốc tài trợ cho Malaysia là "chưa từng có". Dự án cơ sở hạ tầng này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vốn đang suy giảm và mang lại sự phát triển cho các khu vực nông thôn Malaysia. "Dự án sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng, hỗ trợ người dân có thêm nhiều cơ hội trong cuộc sống”, ông Razak nhận định.

Những con tàu cao tốc Trung Quốc được cho là sẽ thúc đầy kinh tế Malaysia tăng trưởng - Ảnh : China Daily

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Najib Razak lần này được cho là có sự thay đổi lớn từ Kuala Lumpur sau một thời gian Malaysia được cho là không “chịu đèn” của Trung Quốc. Điều đó khiến cho dư luận đặt câu hỏi, phía sau những thoả thuận, hợp đồng kỷ lục, hai bên có những mưu đồ gì qua chuyến thăm quan trọng này?

Thủ tướng Malaysia chuẩn bị cho trận đánh cuộc đời

Hơn một năm nay, quyền lực của Thủ tướng Razak bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có lúc tưởng chừng ông phải ngã ngựa và sớm chấm dứt sự nghiệp chính trị của mình. Đó là phản ứng trong nội bộ đảng cầm quyền UMNO – đứng đầu là cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad – trước việc ông Razak bị cho là nhập nhèm giữa tài chính cá nhân và công quỹ nhà nước.

Ông Mohamad đã xuống đường biểu tình kêu gọi ông Razak từ chức, thậm chí kêu gọi điều tra và truy tố ông Razak vì tội biển thủ công quỹ. Sóng gió chỉ tạm lắng khi Hoàng gia Ả RậpSaudilên tiếng khẳng định sự minh bạch cho Thủ tướng Razak. Song sự việc cũng chưa yên khi Mỹ được cho là đang điều tra một vụ thâm lạm công quỹ có liên quan đến con trai ông Razak.

Uy tín của ông Razak cũng vì đó mà sụt giảm nghiêm trọng. Ông Mahathir Mohamad – một người có uy tín và được tôn trọng trong cộng đồng người dân Malaysia – đã quyết định rời khỏi đảng UMNO để phản đối sự lãnh đạo của ông Razak. Điều đó khiến cho nền tảng quyền lực của Thủ tướng Razak hiện không thực sự vững vàng.

Bên cạnh đó, uy tín ngày càng lên cao của lãnh tụ đối lập, đồng thời cũng là cựu Phó thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim – người đang ở trong tù – được cho là cũng đang đe doạ quyền lực của đương kim Thủ tướng Malaysia. Bởi lẽ có nhiều cáo buộc cho rằng ông Razak quyết tâm đưa ông Ibrahim vào tù vì động cơ chính trị.

Trong khi đó cuộc bầu cử năm 2018 đang đến gần, nếu không có một cú hích quan trọng thì có thể UMNO sẽ thảm bại và sự nghiệp chính trị của ông Razak cũng kết thúc. Không những vậy, sinh mạng chính trị của ông chưa hẳn đã được đảm bảo khiến ông không dễ “hạ cánh an toàn”. Đây là một thực tế khó tránh khỏi nếu ông không có cách làm sáng lên tình hình hiện tại.

Có lẽ với ông Razak lúc này thì việc tìm kiếm lợi ích kinh tế cho người dân, cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cũng là phương cách duy nhất có thể cứu vãn sự nghiệp chính trị đang không vững vàng của ông. Hoa Kỳ đã có rào cản với ông Razak và nước Mỹ đang trong mùa bầu cử nên ông hướng về Trung Quốc là tất yếu.

Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad – người được xem là có thể khiến ông Razak thất bại trong trận đánh cuộc đời - Ảnh : Wall Street Journal

Như vậy những hợp đồng kỷ lục có được sau chuyến thăm Trung Quốc có thể được xem như bảo bối giúp ông Razak củng cố quyền lực. Có thể thấy rằng chuyến công du tới Trung Hoa đại lục lần này là một bước chuẩn bị quan trọng của Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho trận đánh cuộc đời của mình – cuộc bầu cử năm 2018.

Trung Nam Hải dọn dẹp chướng ngại vật, thông tuyến cho tàu lợi ích Trung Hoa

Chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia Najib Razak đến Trung Quốc diễn ra ngay sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Phillipines Rodrigo Duterte, đã mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho Trung Nam Hải. Xung đột Trung Quốc – ASEAN đã có thể có những chuyển biến lớn sau hai chuyến thăm quan trọng này.

Đây là những thắng lợi cực kỳ quan trọng của Trung Quốc, nó tạo ra vị thế tốt nhất cho Bắc Kinh trong việc chào đón chủ nhân mới của Toà Bạch Ốc. Có thể thấy rằng Bắc Kinh đã tạo được lợi thế nhất định trong đối trọng với Washington tại khu vực Đông Nam Á. Việc nâng tầm quan hệ với Malaysia giúp Bắc Kinh phá được một trong những tảng băng lớn nhất tại Biển Đông.

Theo China Daily, Thủ tướng Razak đã trách cứ Mỹlà "cựu cường quốc thực dân", chỉ biết nói và làm giàu từ các đồng minh. Ông Razak cho biết Malaysia và Trung Quốc cùng thống nhất rằng "những cá nhân và sự kiện, giá trị lịch sử cũng như hệ thống chính trị của các quốc gia khác nhau phải được tôn trọng”. Như vậy Kuala Lumpur – Bắc Kinh đã là đối tác tin cậy.

Hiện nay Bắc Kinh đang gặp khó khăn với Indonesia khi Tổng thống Widodo cho biết không thỏahiệp với Trung Quốc về những vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, do vậy việc kết nối với Malaysia càng quan trọng hơn. Điều này có ý nghĩa đặc biệt với việc thông tuyến cho tàu lợi ích Trung Hoa qua nhánh đường thuỷ của “Con đường tơ lụa mới” của Tập Cận Bình.

Những thoả thuận kinh tế ký kết với Malaysia lần này đều mang ý nghĩa chiến lược với Trung Nam Hải. Theo cá nhân người viết thì Kuala Lumpur và Bắc Kinh sẽ nhanh chóng triển khai những thỏathuận mà hai bên đã ký kết vì điều đó rất cấp thiết với chính phủ Malaysia cũng như cá nhân Thủ tướng Razak và đó cũng là mong muốn của Bắc Kinh.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mưu đồ phía sau những hợp đồng kỷ lục giữa Trung Quốc và Malaysia