Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng thường trực BCĐ Trung ương về PCTT, tính đến 16 giờ ngày 12.10.2017, mưa lũ đã khiến 40 người bị thiệt mạng (Sơn La: 5 người, Yên Bái: 4 người, Hòa Bình: 15 người, Thanh Hóa: 8 người, Nghệ An: 8 người) và 42 người bị mất tích, 22 người bị thương.
Mưa lũ cũng khiến 235 ngôi nhà bị đổ, 1.367 ngôi nhà bị thiệt hại từ nặng đến rất nặng, trên 17.000 ngôi nhà bị ngập nước, 746 ngôi nhà phải di dời, trên 8.000ha lúa và 26.691ha hoa màu bị úng ngập, thiệt hại, 1.186 con gia súc, 46.945 con gia cầm bị cuốn trôi…
Bên cạnh đó, nhiều đoạn đường sạt lở, ngập nặng. Đó là QL6 và QL21 đoạn đi qua tỉnh Hòa Bình, sạt lở 2 điểm tại QL217 và QL15 đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, 2 điểm quốc lộ 32 qua Yên Bái, một số điểm QL37, 43 qua Sơn La, và nhiều điểm tại các QL15A, 16, 48, 48B, 48D, 48E qua Nghệ An; ngập nhiều điểm tại các QL15A, 48B, 48E, có điểm ngập sâu 2-5m (Nghệ An). Nhiều khu vực tại các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La bị chia cắt...
Theo báo cáo của BCĐ Trung ương về phòng, chống thiên tai, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã tổ chức sơ tán 5.114 hộ dân tại các khu vực trũng, thấp, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn. Trong đó, Thanh Hóa sơ tán được 4.791 hộ, Nghệ An 111 hộ, Hà Tĩnh 212 hộ. Tỉnh Ninh Bình đang tổ chức sơ tán dân tại 12 xã của huyện Nho Quan và Gia Viễn.
Tỉnh Hòa Bình đã tổ chức hỗ trợ 58 hộ dân di dời các lồng bè nuôi trồng thủy sản, 3 doanh nghiệp di dời các thiết bị, máy móc ở ven sông thuộc thành phố Hòa Bình; di dời trên 80 hộ dân hạ du hồ Cháu, xã Tu Lý, huyện Đá Bắc khi mực nước cao qua tràn gây sạt lở hạ lưu, nguy cơ mất an toàn đập.
Tỉnh Thanh Hóa: 17 người chết và mất tích do mưa lũ. (TP.Thanh Hóa 2 người chết; huyện Thường Xuân 3 người chết và 2 người mất tích; huyện Nông Cống 1 người chết; huyện Lang Chánh 2 người mất tích; huyện Bá Thước 1 người chết; TP.Sầm Sơn 1 người mất tích; huyện Quan Sơn 1 người mất tích; huyện Ngọc Lặc 1 người chết; huyện Hà Trung 1 người chết; huyện Thọ Xuân 2 người chết).
Tuyến đê tả Chu (đê cấp 2) từ K17+245 – K17+332, đoạn K27+350 – K27+360 bị sạt lở; tuyến đê bao Tế nông bị vỡ dài 3m; một số đoạn đê Tả sông Yên, tả, hữu sông Cầu Chày bị sạt lở, địa phương đã tổ chức xử lý giờ đầu.
Tại các huyện miền núi, mưa to đến rất to đã gây ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng một số tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ, khiến giao thông bị chia cắt. Theo tổng hợp nhanh của Sở GTVT, tình trạng sạt lở và ngập lụt diễn ra ở 7 tuyến quốc lộ và 16 tuyến đường tỉnh. Trong đó, sạt lở và ngập lụt nghiêm trọng nhất là ở các tuyến QL47, QL217, QL15C và một số tuyến đường tỉnh như: 521 B Cành Nàng - Lũng Cao: 530 Tân Phúc- Quan Sơn; 519 B Thị trấn Sao Vàng - Bình Sơn - Luận Thành - Bù Đồn... ước tính khối lượng đất đá sạt và bị xói trôi lên đến hàng ngàn m3.
Tình trạng sạt lở và ngập lụt khiến một số tuyến QL217, 47, 15C tại Km70+700 xã Thiết Kế, Bá Thước... đang bị tắc đường, giao thông chưa thể qua lại trên tuyến
Tỉnh Yên Bái: 6 người chết, 16 người mất tích, 7 người bị thương. Như vậy, số mất tích đã tăng 4 người so với thống kê lúc 13 chiều nay (gồm 3 người ở Nghĩa Lộ, 1 ở Văn Chấn).
Khoảng 1.280 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó sập, trôi hoàn toàn 65 nhà (Văn Chấn 24, Nghĩa Lộ 11, Trạm Tấu 25, Văn Yên 1), phải di dời khẩn cấp 31 nhà (Trạm Tấu 26, Nghĩa Lộ 5), phải di dời người và tài sản 344 nhà (Văn Chấn 218, Nghĩa Lộ 105, Văn Yên 21), bị ngập nước 702 nhà (Văn Chấn 242, Nghĩa Lộ 459, Văn Yên 1), bị sạt ta luy ảnh hưởng 56 nhà (Văn Chấn 4, Trạm Tấu 49), trôi tài sản 71 hộ ở Văn Chấn. Ngoài ra còn 11 nhà bị hư hỏng một phần ở huyện Văn Chấn.
Số cột điện cao, hạ thế bị gãy đổ đã tăng đáng kể; cụ thể là 48 cột (Nghĩa Lộ 37 cột, Trạm Tấu 11 cột). Quốc lộ 37 sạt ta luy dương ước khoảng 1.500m3, quốc lộ 32 sạt lở ta luy dương ước khoảng 20.577m3 (39 vị trí từ Km 261 – Km 274).
Ước thiệt hại lên tới trên 160 tỉ đồng.
Tỉnh Hòa Bình: Có 15 người chết do lũ, trên 1.000 ngôi nhà của người dân đã bị lũ làm hư hỏng, cuốn trôi, khoảng 300 hộ dân phải di dời đến nơi an toàn. Hơn 4.000ha lúa, hoa màu bị ngập hoàn toàn. Các tuyến đường giao thông bị sạt lở thiệt hại nghiêm trọng. Huyện Đà Bắc và Tân Lạc là nơi chịu thiệt hại lớn nhất về người, tài sản và hoa màu.
UBND tỉnh Hòa Bình đã công bố tình trạng khẩn cấp các công trình hồ chứa, đường giao thông, các vị trí sạt lở đất do mưa lớn; bố trí lực lượng trực 24/24h tại các ngầm tràn, vị trí có khả năng tiềm ẩn gây tai nạn trong mưa lũ.
Tỉnh Nình Bình: Bước đầu thống kê có gần 500 hộ khu vực ngoài đê Hoàng Long bị ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, trên 3.000ha thủy sản thủy sản của Nho Quan, Gia Viễn bị ngập, toàn tỉnh có trên 1.000ha lúa bị ngập úng. Tại tỉnh Sơn La, do mưa lớn, lũ đã xuất hiện trên các suối, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân.
Tỉnh Nghệ An: đến 16 giờ ngày 11.10, mưa lũ đã làm 8 người chết, 34 nhà bị sạt lở, hư hỏng; 999 hộ dân bị ngập nước; 2 điểm trường bị ảnh hưởng; 8 phòng chức năng công vụ bị nứt, sạt lở, hư hỏng. 90,71ha lúa bị ngập, 5.926ha ngô và rau màu bị ngập...
Hoài Phong