Một số quy định được đưa ra trong Bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội liệu có vi phạm quyền tự do cá nhân?
Một sốquy định được đưa ra trong Bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội như: không được xăm hình, không được vẽ hình phản cảm, sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp…liệu có vi phạm quyền tự do cá nhân của mỗi công dân?
Đó là câu hỏi của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đặt ra khi nói về Bộ quy tắc ứng xử mà thành phố Hà Nội dự định ban hành vào ngày 1.1.2017.
"Không nên lạm dụng son phấn, nước hoa"
Ngày 24.12, trao đổi vớiPV, ông Tô Văn Động, giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội (đơn vị chủ trì soạn dự thảo Quy tắc ứng xử Hà Nội) giải thích nhiều điểm quy định cụ thể còn gây tranh cãi, thắc mắc, trong bộ Quy tắc này.
Về quy định khuyến cáo công chức, viên chức “sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp”, ông Tô Văn Động nói rõ, việc “sử dụng nước hoa phù hợp” nghĩa là không dùng quá nhiều, gây nên mùi sặc sụa, ảnh hưởng đến những người xung quanh.
“Nếu trong một cơ quan mà ai cũng dùng nước hoa mùi sặc sụa lên thì cũng không có văn hóa. Dùng son phấn quá nhiều, quá loè loẹt cũng không nên. Chúng tôi vẫn ủng hộ mọi người sử dụng mỹ phẩm, nước hoa. Nhưng vấn đề là sử dụng làm sao cho vừa phải, để không ảnh hưởng đến người khác.
Vì trong một cơ quan, cũng có người thích dùng nước hoa, nhưng cũng có người dị ứng với nước hoa. Chuyện này cũng hết sức tế nhị, nên chúng tôi dùng từ “phù hợp” để mọi người “ngó nghiêng” nhau mà dùng, chứ không nên chỉ biết bản thân mình. Đến cơ quan mà sặc mùi nước hoa mà đứng bên cạnh người ta dị ứng hoặc không thích thì rất không ổn”.
“Thứ hai, nếu trang điểm nhẹ nhàng, xinh xắn thì ai cũng ủng hộ, nhưng nếu dùng son phấn nhiều quá như mọi người thường nói “trát phấn vào mặt” hoặc bôi son đỏ chót thì không nên. Chữ “phù hợp” ở đây có thể hiểu là không nên quá lạm dụng son phấn, nước hoa ở công sở để làm ảnh hưởng đến người khác” ông Động phân tích.
Trả lời câu hỏi, khi bộ Quy tắc ứng xử này được ban hành, thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm giám sát, và chế tài đối với những trường hợp vi phạm ra sao? Ông Động trả lời, sẽ không có đơn vị giám sát độc lập việc thực hiện Quy tắc ứng xử, nhưng sẽ có nhiều người cùng giám sát.
“Trước hết là mọi người tự giám sát nhau, thứ hai là trong mỗi cơ quan có các cấp lãnh đạo thì phải giám sát, thứ ba là những người chứng kiến việc đó phải cực lực lên án những người như thế. Mọi người cùng phải có trách nhiệm lên án. Chúng tôi không thể có đơn vị giám sát độc lập được. Mọi người, cộng đồng phải cùng nhau giám sát, lên án những hành vi sai trái, không phù hợp…thì mới có tác dụng”.
Về tính khả thi của bộ Quy tắc ứng xử dành cho công chức, ông Tô Văn Động khẳng định, đối với công chức, viên chức và những người đang làm việc trong các cơ quan nhà nước thuộc thành phố HN thì đương nhiên sẽ khả thi.
Vì những người này phải chịu sự chi phối mang tính pháp lý nhiều hơn. “Đã là công chức, viên chức thì anh phải gương mẫu thực hiện, nếu anh không gương mẫu thực hiện thì cũng không được. Đâu phải cứ có chế tài, xử lý thì mới được đâu, mà tự trọng, ý thức của con người là những điều còn quan trọng hơn nhiều”.
Bộ quy tắc ứng xử vi phạm quyền cá nhân?
Tuy nhiên khác với ý kiến của người đứng đầu đơn vị soạn dự thảo bộ Quy tắc ứng xử, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng bộ Quy tắc này khó khả thi khi đi vào cuộc sống.
GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hoá VN cho rằng, chỉ nên coi bộ Quy tắc ứng xử đó là “phần cứng”, ai có điều kiện, có thể theo được thì cứ theo, còn nếu ai vì lý do nào đó mà không theo được, thì có thể dùng những quy tắc ấy để tham khảo.
“Không có quy tắc ứng xử thì cũng dở, nhưng nếu nhất nhất bắt buộc mọi người phải thực hiện theo những quy tắc này thì lại càng dở hơn. Bởi quy tắc này có những khía cạnh không thực tế” GS Ngô Đức Thịnh cho biết.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến còn cho rằng, một số quy định trong bộ Quy tắc ứng xử này vi phạm quyền công dân.
Ông cho biết, trong Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức đã có những quy định khá cụ thể về trang phục, cách ứng xử, thái độ làm việc…của công chức, viên chức. Vì vậy, theo góc độ quyền công dân trong Hiến pháp thì nhiều quy định trong bộ Quy tắc ứng xử đã động chạm đến quyền tự do cá nhân của công dân.
“Ví dụ chuyện xăm trổ thì tổ tiên chúng tatừ thời xa xưa đã xăm trổ rồi. Nhưng quan trọng nhất, nếu điều đó không gây phản cảm thì không có vấn đề gì cả, vì ai cũng có quyền làm đẹp cho bản thân mỗi người, kể cả việc dùng nước hoa, mỹ phẩm hay xăm trổ…
Đó là quyền tự do cá nhân của mỗi người. Dù là công chức Nhà nước thì họ cũng là công dân nên họ vẫn phải có những quyền cơ bản của công dân chứ?” nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến phân tích.
Ông cũng đánh giá, việc quy định về trang phục trong bộ Quy tắc ứng xử là thừa vì ngoài Luật thì mỗi cơ quan, đơn vị đã có những quy định riêng về trang phục rồi.
“Hơn nữa, tôi nghĩ bản thân mỗi công chức, viên chức cũng tự ý thức được phải ăn mặc thế nào khi đi làm việc, khi tiếp xúc với công dân cho phù hợp…Nên có thêm quy định đó trong quy tắc ứng xửrất không cần thiết”.
“Có thêm những quy định (với điều kiện các quy định đó không vi phạm pháp luật) thì sẽ tốt hơn là không có, tuy nhiên để nó đi vào đời sống thì không dễ dàng. Tôi cũng chưa rõ các đơn vị soạn dự thảo bộ Quy tắc đã đưa ra chế tài như thế nào cho những trường hợp vi phạm những điều được khuyến cáo? Nếu có quy định mà không có chế tài hợp lý thì quy định đó sẽ vô nghĩa và mãi ở trên giấy thôi” ông Tiến đặt câu hỏi.
Một số quy tắc cụ thể được đưa ra trong bộ Quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức ở Hà Nội:
Cán bộ công chức đi làm việc phải mặc áo có ống tay, cổ áo, nếu mặc váy thì phải dài đến đầu gối,không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp...
Không nói tục, không tụ tập làm việc riêng trong hoặc ngoài cơ quan; không nấu nướng thực phẩm trong phòng làm việc.
Không hút thuốc; không sử dụng đồ uống có cồn; không hát karaoke trong giờ làm việc; không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, xem tivi, nghe đài, chơi điện tử trong giờ hành chính
Không lưu giữ, phát tán hình ảnh có nội dung đồi truỵ; không có hành vi quấy rối dưới mọi hình thức, kể cả bằng lời nói, cử chỉ…