Thực trạng chung của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là bên cạnh những thành tựu đã đạt được còn khá nhiều điều bất cập, trong đó tồn tại lớn nhất tập trung vào chất lượng đào tạo chưa cao. Phương pháp giảng dạy là một trong những yếu tố quan trọng và  ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo.

Một số phương pháp giảng dạy mới kích thích sáng tạo

Một Thế Giới | 06/07/2015, 16:44

Thực trạng chung của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là bên cạnh những thành tựu đã đạt được còn khá nhiều điều bất cập, trong đó tồn tại lớn nhất tập trung vào chất lượng đào tạo chưa cao. Phương pháp giảng dạy là một trong những yếu tố quan trọng và  ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo.

Phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp sẽ tạo điều kiện để giảng viên, và người học phát huy hết khả năng của mình trong việc truyền đạt, lĩnh hội kiến thức và phát triển tư duy cho người học.

Trong chiến lược phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đầu tư cho giáo dục, coi giáo dục là quốc sách. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã xác định việc đầu tư cho giáo dục cũng có nghĩa là đầu tư cho sự phát triển bền vững, là đầu tư cho nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm đưa nước ta thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức giữ một vị trí rất quan trọng. Đây chính là yếu tố then chốt, mang tính quyết định đưa đất nước đi lên như cha ông ta đã từng nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì nước mạnh, nguyên khí yếu thì nước suy’’.

Thực trạng chung của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là bên cạnh những thành tựu đã đạt được còn khá nhiều điều bất cập, trong đó tồn tại lớn nhất tập trung vào chất lượng đào tạo chưa cao. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, những người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã bày tỏ quan điểm của mình về thực trạng này, đồng thời chỉ ra khá nhiều nguyên nhân dẫn tới sự bất cập giữa qui mô đào tạo và chất lượng đào tạo. Trong đó các nguyên nhân chính tập trung vào sự yếu kém, bất hợp lý trong phương pháp giảng dạy, đội ngũ giáo viên giảng dạy, chương trình đào tạo, tài liệu học tập, giáo trình,...

Phương pháp giảng dạy là một trong những yếu tố quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Một phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp sẽ tạo điều kiện để giảng viên, và người học phát huy hết khả năng của mình trong việc truyền đạt, lĩnh hội kiến thức và phát triển tư duy. Một phương pháp giảng dạy khoa học sẽ làm thay đổi vai trò của người thầy đồng thời tạo nên sự hứng thú, say mê và sáng tạo của người học.

 Bức tranh chung về phương pháp giảng dạy tại các cấp học của chúng ta hiện nay làtập trung vào kỹ năng tư duy phân tích, nghĩa là dạy cho người học cách hiểu các khái niệm, thảo luận theo phương pháp định sẵn, loại bỏ những hướng đi không đúng, tìm ra câu trả lời đúng nhất. Thậm chí, nhiều nơi phương pháp thuyết trình (thầy giảng, trò ghi) vẫn chiếm ưu thế, nhiều giảng viên chưa chú trọng đến đến việc giới thiệu, yêu cầu, bắt buộc người học phải tham khảo những tài liệu gì. Phương pháp giảng dạy này đã làm mất đi một hình thái khác của tư duy đó là tư duy sáng tạo. Tư duy sáng tạo tập trung vào khám phá các ý tưởng, phát triển thành nhiều giải pháp, tìm ra nhiều phương án trả lời đúng thay vì chỉ có một.

Hậu quả của phương pháp giảng dạy cũ dẫn đến sự thụ động của người học trong việc tiếp cận tri thức. Sự thụ động này là nguyên nhân tạo cho người học sự trì trệ, ngại đọc tài liệu, ngại tranh luận, thiếu khả năng thuyết trình, lười tư duy và thiếu tính sáng tạo trong tư duy khoa học.  Người học còn quan niệm rằng chỉ cần học những gì giảng viên giảng trên lớp là đủ. Ngoài ra sự thụ động của họ còn thể hiện qua phản ứng của họ đối với bài giảng của giảng viên trên lớp. Họ chấp nhận tất cả những gì giảng viên trình bày. Sự giao tiếp trao đổi thông tin trong lớp học hầu như chỉ mang tính một chiều.

Từ thực tế trên cho thấy để nâng cao chất lượng đào tạo, việc đổi mới phương pháp giảng dạy đối với các cấp đào tạo tại Việt Nam là việc làm cấp thiết và cần tiến hành một cách đồng bộ. Đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ cung cấp những cơ hội đặc biệt để nhận thức rõ những giá trị quan trọng, thực chất trong cuộc sống. Điều đó làm tăng khả năng mà thực ra là yêu cầu giảng viên không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết. Vì vậy, vai trò mới của người giảng viên trở thành nhân tố kích thích trí tò mò của học viên, mài sắc thêm năng lực nghiên cứu độc lập, tăng cường khả năng tổ chức, sử dụng kiến thức và khả năng sáng tạo. Việc áp dụng các phương pháp giảng dạy mới đòi hỏi phải có  những tài liệu dạy-học mới. Những tài liệu này phải gắn với các phương pháp kiểm tra mới nhằm khuyến khích không chỉ khả năng nhớ mà cả khả năng hiểu, các kỹ năng thực hành và sáng tạo của học viên.

Tại Việt Nam hiện nay nhiều cơ sở đào tạo đã và đang chuyển đổi sang một phương thức đào tạo mới, đó là phương thức đào tạo theo tín chỉ. Phương thức đào tạo này mang lại nhiều ưu điểm, đó là sự mềm dẻo và linh hoạt trong việc thiết kế chương trình, học viên có thể lựa chọn cho mình chương trình học lý phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Bên cạnh đó phương thức đào tạo theo tín chỉ giảm đi sự nhồi nhét kiến thức của người dạy và tạo điều kiện để người học tự học, tự nghiên cứu, do đó phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học. Những lợi ích của phương thức đào tạo theo tín chỉ mang lại là rất lớn, tuy vậy nó cũng đặt ra khá nhiều thách thức đối với giảng viên và người học. Việc áp dụng học chế tín chỉ vào giảng dạy sẽ làm thay đổi cơ bản cách học hiện nay.Ví dụ, người dạy cần tự quản lý về thời gian cũng như làm các công việc một cách độc lập (tiến hành những nghiên cứu trong ngành đào tạo của mình). Người học cũng cần phải có quan điểm học tập là tập trung vào việc hình thành kiến thức, óc sáng tạo và cách giải quyết vấn đề.

 Nhìn rộng ra các quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới, họ đặc biệt quan tâm đến việc phát triển tư duy sáng tạo, khả năng làm việc độc lập và khả năng làm việc theo nhóm của người học. Các quốc gia này áp dụng nhiều phương pháp khác nhau nhằm khích lệ và tạo điều kiện tốt nhất để người học phát triển khả năng sáng tạo của mình. Nhiều trong số các phương phương pháp, chúng ta có thể học tập và áp dụng cho Việt Nam ngay cả ở những trường, đơn vị chưa áp dụng phương thức đào tạo theo tín chỉ.

Ví dụ:

Phương pháp học theo dự án (Project Based Learning)

Đây là mô hình học tập có nhiều khác biệt so với mô hình học tập truyền thống. Phương pháp học theo dự án yêu cầu các hoạt động học tập phải được thiết kế một cách cẩn thận, mang tính lâu dài và liên quan đến nhiều lĩnh vực học thuật. Đây là mô hình lấy người học làm trung tâm và hòa nhập với những vấn đề thực tiễn của thế giới thực tại. Mục tiêu của phương pháp học theo dự án là để học viên học nhiều hơn về một chủ đề chứ không phải là tìm ra những câu trả lời đúng cho những câu hỏi được giáo viên đưa ra. Phương pháp này yêu cầu học viên cộng tác với các bạn trong lớp trong một khoảng thời gian nhất định để giải quyết những vấn đề và cuối cùng trình bày công việc mình đã làm trước giảng viên và các học viên khác. Phương pháp này cũng đòi hỏi các học viên phải đặt câu hỏi, đồng thời tìm kiếm những mối liên hệ và tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề. Việc áp dụng phương pháp giảng dạy này sẽ làm thay đổi môi trường học của học viên từ chỗ nghe giảng viên nói sang môi trường làm việc, tư duy.

Phương pháp học theo dự án mang đến cho học viên rất nhiều lợi ích, nó tạo cho học viên khả năng kết hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực, tạo nên công cụ hỗ trợ liên ngành để giải quyết vấn đề. Đối với những vấn đề khó, phức tạp, phương pháp này tạo cho học viên khả năng khám phá, đánh giá, giải thích và tổng hợp thông tin một cách khoa học. Thông qua các hoạt động thực tế trên lớp, phương pháp này tạo cho học viên sự thích thú, hứng thú với việc học.

Vai trò của giáo viên trong phương pháp học theo dự án có rất nhiều thay đổi so với phương pháp truyền thống. Giáo viên không đóng vai trò là người điều khiển tư duy học viên mà là người hướng dẫn, người huấn luyện, người tư vấn và bạn cùng học. Giáo viên phải tập trung vào việc hướng dẫn cho học viên, tạo cơ hội để học viên phát huy hết khả năng học tập và sáng tạo, đẩy mạnh tinh thần đồng đội làm việc theo nhóm của các học viên.

Quá trình thực hiện phương pháp học theo dự án:

+ Xác định một vấn đề, dự án phù hợp với học viên.

+ Liên kết vấn đề với thế giới, môi trường xung quanh của học viên.

+ Xây dựng các chủ đề xung quanh vấn đề, dự án.

+ Tạo cho học viên cơ hội để xác định phương pháp và kế hoạch học tập để giải quyết vấn đề.

+ Khuyến khích sự cộng tác bằng cách tạo ra các nhóm học tập.

+ Yêu cầu tất cả học viên trình bày kết quả học tập dưới hình thức một dự án hoặc chương trình.

Phương pháp người học là trung tâm (Learner - Centered)

            Đây là phương pháp đặt học viên vào vị trí trung tâm của giáo dục. Phương pháp này bắt đầu với việc tìm hiểu các môi trường giáo dục liên quan mà học viên xuất phát. Sau đó giáo viên hướng dẫn tiếp tục đánh giá tiến độ học của học viên so với mục tiêu học, bằng cách giúp cho người học có được các kỹ năng cơ bản để học tập. Phương pháp này tạo cho học viên nền tảng cho việc học suốt đời, vì vậy học viên phải có trách nhiệm với việc học của bản thân. Với phương pháp này giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn học viên trong quá trình học.

            Phương pháp người học là trung tâm mang đến nhiều lợi ích, trước hết nó loại bỏ cách dạy và học: " Giáo viên nói, học sinh nghe", khuyến khích sự sáng tạo từ giáo viên và học viên một cách tối đa, đồng thời tạo nên sự thân thiện giữa giáo viên và người học thông qua việc tăng cường trao đổi, học hỏi qua lại. Phương pháp người học là trung tâm tập trung sự tham gia nhiệt tình, chủ động của người học trong suốt quá trình khám phá tìm tòi, đồng thời tạo điều kiện để người học có cơ hội trình bày, bảo vệ những ý kiến sáng tạo của mình.

Các yếu tố liên quan đến phương pháp người học là trung tâm:

            + Bối cảnh học: Việc học chịu sự tác động của các yếu tố môi trường bao  gồm văn hoá, kỹ thuật và các phương pháp giảng dạy. Giáo viên đóng vai trò tương tác chính giữa học viên và môi trường học. Những ảnh hưởng văn hoá có thể tạo ra nhiều tác động liên quan mang tính giáo dục như động cơ học, định hướng đối với việc học và cách tư duy. Kỹ thuật và phương pháp dạy phải phù hợp với trình độ kiến thức sẵn có, khả năng nhận biết và các chiến lược tư duy của học viên.

            + Các ảnh hưởng đối với việc học: Việc học chịu ảnh hưởng bởi các mối quan hệ giao tiếp với mọi người xung quanh. Việc học có thể nâng cao khi người học có cơ hội tiếp xúc và cộng tác với người khác. Các môi trường học cho phép tạo ra các mối tương tác xã hội, tôn trọng tính đa dạng, khuyến khích lối tư duy linh hoạt. Qua việc tiếp xúc và hợp tác với giáo viên hướng dẫn, cá nhân người học sẽ có cơ hội tiếp thu nhận thức và tư duy phản ánh, từ đó phát triển trình độ hiểu biết và hoàn thiện bản thân.

            + Mục đích của quá trình học: Bản chất chiến lược của việc học là đòi hỏi học viên phải biết định hướng mục tiêu. Để nắm vững các tri thức, kỹ năng và đạt được các chiến lược tư duy cần thiết cho việc học, học viên phải tạo ra các mục tiêu cho bản thân và theo đuổi các mục tiêu đó. Khởi đầu, các mục tiêu ngắn và việc học có thể sơ sài trong một phạm vi nào đó nhưng qua thời gian, mức độ hiểu biết của học viên có thể được xác định thông qua trình tự tìm hiểu, trao đổi và tích luỹ các tri thức cần thiết.

Phương pháp Kỹ thuật tạo ra ý tưởng (Brainstorming).

            Tác giả của phương pháp Brainstorming (tạm dịch là kỹ thuật tạo ra ý tưởng) là Alex Osborn (Hoa Kỳ). Mục đích chính của phương pháp này là giúp người học thoát ra khỏi tư duy theo lối mòn và tạo ra một loạt các ý tưởng mà sau đó có thể lựa chọn. Phương pháp này áp dụng phù hợp với nhóm học viên.

            Một số nguyên tắc cơ bản của phương pháp kỹ thuật tạo ra ý tưởng:

            + Tôn trọng mọi ý tưởng đưa ra: Khi các ý tưởng được đưa ra, không được phép chỉ trích, phê bình ngay. Tất cả các ý tưởng đều được ghi chép lại và phân tích đánh giá ở các bước sau.

            + Tự do suy nghĩ: Không giới hạn việc đưa ra các ý tưởng bay bổng kể cả những ý tưởng khác thường bởi trên thực tế có những ý tưởng kỳ quặc đã trở thành hiện thực.

            + Kết nối các ý tưởng: Cải thiện, sửa đổi, góp ý xây dựng cho các ý tưởng. Các câu hỏi thường đặt ra: Ý tưởng được đề nghị chất lượng thế nào?. Làm thế nào để ý tưởng đó đem lại hiệu quả? Cần thay đổi gì để ý tưởng trở nên tốt hơn?...

            + Cần quan tâm đến số lượng các ý tưởng: Tập trung suy nghĩ khai thác tạo ra khối lượng lớn các ý tưởng để sau đó có cơ sở sàng lọc. Có hai lý do chính để cần số lượng lớn các ý tưởng. Thứ nhất những ý tưởng lúc đầu học viên đưa ra thông thường là các ý tưởng hiển nhiên, cũ, ít có tính sáng tạo, vì vậy cần có phương pháp để học viên tạo ra nhiều ý tưởng mới. Thứ hai các ý tưởng giải pháp càng nhiều, càng có nhiều ý tưởng để lựa chọn.

            Ngoài các phương pháp đã đề cập trên đây còn khá nhiều các phương pháp khác đã được phát minh, nghiên cứu và áp dụng vào giảng dạy như phương pháp Học thực tiễn của David A. Kolb, phương pháp Quản lý ý tưởng (Ideas Management), phương pháp 6 chiếc nón tư duy ( Six Thinking Hats)….

Qua việc phân tích một số phương pháp giảng dạy có thể nhận định các phương pháp này có rất nhiều sự khác biệt so với phương pháp truyền thống. Trong đó sự khác biệt cơ bản nhất là vai trò của người học và người dạy đã thay đổi, sự thay đổi này đã biến quá trình học của học viên từ thụ động sang chủ động, từ việc nghe giảng sang hoạt động tư duy, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm và kích thích khả năng sáng tạo của họ.

 Trở lại với hoạt động giáo dục đào tạo ở Việt Nam, vấn đề cốt lõi vẫn là  cần tìm giải pháp khắc phục những tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Để nâng cao chất lượng đào tạo chúng ta cần phải cải tiến đổi mới đồng bộ về nhiều mặt: chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đội ngũ giáo viên, ...  Trong đó việc đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo một cách bền vững. Đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ tạo điều kiện tốt cho người học có thể phát huy hết khả năng tư duy của mình, biến quá trình học của người học thành quá trình phát triển tư duy sáng tạo.

Theo Tạp chí nghiên cứu văn hóa

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một số phương pháp giảng dạy mới kích thích sáng tạo