Theo Thanh Niên, trường hợp tố cáo, phát hiện tham nhũng nêu trên là ở khu vực các tỉnh miền núi phía bắc nhưng theo đề nghị của người được thưởng nên các cơ quan chức năng không công khai danh tính. Sau khi xác minh các thông tin tố cáo tham nhũng của người này là có cơ sở, các cơ quan chức năng đã khen thưởng 10 triệu đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), đây là mức thưởng áp dụng theo Thông tư liên tịch số 01/2015 quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng đã được TTCP và Bộ Nội vụ ký ban hành và có hiệu lực vào hồi đầu tháng 5.
Tháng 5 vừa qua, Thanh Niên cho biết Quỹ khen thưởng do Thanh tra Chính phủ quản lý, sử dụng để chi khen thưởng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng ngừa, xử lý tham nhũng. Nguồn kinh phí ban đầu của Quỹ khen thưởng do ngân sách nhà nước cấp là 5 tỉ đồng. Kinh phí từ nguồn trích từ tài sản thu hồi qua các vụ, việc liên quan tham nhũng.
Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân giúp thu hồi cho nhà nước có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì căn cứ theo số đã thực nộp vào ngân sách địa phương, địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương trích chuyển một phần về Quỹ khen thưởng để khen thưởng cho tổ chức, cá nhân này. Ngoài ra, nguồn kinh phí của Quỹ khen thưởng từ nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài.
Cũng theo TTCP, toàn ngành đã phát hiện 29 vụ, 58 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 27,5 tỉ đồng; kiến nghị thu hồi 9,3 tỉ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 9 cá nhân, xử lý hình sự 9 vụ, 7 đối tượng. Trong 6 tháng, qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế trên 11.298 tỉ đồng, 655,7 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 7.593 tỉ đồng (đã thu hồi 6.203,3 tỉ đồng, đạt 81,7%) và 514,7 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 3.705 tỉ đồng, 141 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 405 tập thể, 23 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 28 vụ.
Trước đó, báo Giao thông cho biết theo thông tư liên tịch của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo tham nhũng (có hiệu lực từ tháng 5.2015), nếu cá nhân tố cáo tham nhũng giúp thu hồi được cho nhà nước số tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì được xét thưởng vượt mức quy định, nhưng không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở. Cụ thể, mức thưởng tối đa lên tới 3,45 tỉ đồng.
Hồi tháng 6 vừa qua, đại biểu Đỗ Văn Đương - Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nói: "Tôi nghĩ với tố cáo tham nhũng thì có cơ sở để bảo vệ, vì chỉ cần có hành vi trù dập thôi chúng ta có thể xác minh ngay để xem đó là ai. Thông thường chỉ người có tật mới giật mình, cho nên chắc chắn người trù dập đó không nằm ngoài đối tượng tham nhũng bị tố cáo. Khi đó cần tìm ra và xử lý ngay những người có hành vi trù dập người đứng ra tố cáo. Đó là cách tấn công để bảo vệ, chứ không phải “thủ thân”, tức là chỉ bảo vệ xung quanh người tố cáo tham nhũng vì không thể nắm tay người ta cả ngày được, phải đánh ngay vào “đầu não”. Những người bị tố cáo tham nhũng chắc chắn là những người có hành vi trù dập, nếu xử lý nghiêm thì đó là cơ chế hiệu quả nhất. Trong nhiều trường hợp, chưa biết nhận được mấy đồng tiền thưởng, nhưng có khi “chờ được vạ thì má đã sưng”, nên người ta thường e ngại ở chỗ đó.
Thông thường đơn tố cáo tham nhũng đều là đơn nặc danh, không rõ danh tính, địa chỉ người tố cáo. Nhiều khi người ta rất bức xúc, muốn cầm bút viết đơn tố cáo nhưng họ biết chắc sẽ bị trù dập hoặc trả thù nên họ thường không đứng tên, mà trong luật của chúng ta lại quy định đơn nặc danh thì không có cơ sở để xác minh. Cho nên, theo tôi cần sửa lại quy định về giải quyết các khiếu nại, tố cáo nặc danh, còn cái gì cũng bắt rõ ràng, minh bạch thì người ta lại sợ bị trả thù.
PV (th)