Dù đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như người da màu, ma túy, đồng tính, nhưng tác phẩm đoạt giải Phim hay nhất tại Oscar lần thứ 89 vẫn vô cùng trữ tình, như chính cái tên của nó vậy: Moonlight (Ánh trăng).
Mặc cho nhầm lẫn không đáng có trong buổi trao giải Oscar lần thứ 89, nhưng chiến thắng của Moonlight ở hạng mục Phim hay nhất hoàn toàn khiến mọi người tâm phục khẩu phục.
Khác với La La Land mộng mơ và sinh động ngay từ những phút đầu tiên, Moonlight dẫn dắt người xem vào một thế giới im ắng, kiệm lời, đầy bất ổn như chính đôi mắt to buồn bã của cậu bé da màu Chiron. Bộ phim được chuyển thể từ vở kịch In Moonlight Black Boys Look Blue của Tarell Alvin McCraney, dưới sự chỉ đạo tài tình của đạo diễn Barry Jenkins. Moonlight chia làm ba phần với tên gọi “Little” - “Chiron” - “Black”, theo bước chân cuộc đời của nhân vật chính Chiron qua các giai đoạn: thuở ấu thơ, thời niên thiếu và tuổi trưởng thành, được thể hiện bởi ba diễn viên khác nhau, nhưng hầu như không gây ngắt quãng bởi sự tài tình và thống nhất trong diễn xuất của họ.
Nhân vật chính Chiron lần lượt do ba diễn viên Alex R. Hibbert, Ashton Sanders và Trevante Rhodes thủ vai
Không chỉ đề cập đến những vấn đề nhức nhối trong xã hội Mỹ, Moonlight còn nhắm đến những giá trị phổ quát: bất ổn tuổi vị thành niên, gánh nặng của sự nam tính và câu hỏi muôn thuở về bản ngã - “Who are you?” (Bạn là ai?) - cũng là câu hỏi xuất hiện ngay từ đầu bộ phim. Tất cả nâng Moonlight trở thành một tác phẩm mang tầm phổ quát mà bất cứ ai xem cũng có thể đồng cảm, chứ không riêng gì người da màu và những đối tượng mà bộ phim đề cập.
Câu chuyện bắt đầu từ khi Chiron - nhân vật chính - còn bé, lớn lên một vùng ngoại ô cùng với người mẹ nghiện ma túy. Chiron sớm trải qua cảm giác sống ngoài lề xã hội sâu sắc do bị bạn bè cùng trang lứa bắt nạt và xa lánh. Trong thế giới ấy, tên buôn ma túy địa phương Juan (Mahershala Ali, người vừa giành giải Nam diễn viên phụ xuất sắc của Oscar 2017) và người bạn Kevin chính là cứu cánh của cuộc đời cậu.
Theo thời gian, từ độ tuổi thiếu niên cho đến khi trưởng thành, thế giới của Chiron luôn đối mặt với nguy cơ đổ vỡ do sự bất ổn ngày một gia tăng. Càng lớn, Chiron càng ý thức rõ hơn bao giờ hết về cảnh ngộ lạc lõng của bản thân cùng những câu hỏi về tính dục không có lời đáp. Mâu thuẫn tăng nhưng rất ít những màn giật gân kịch tính, bởi tất cả nỗi đau chỉ hiển hiện thầm lặng qua đôi mắt đau đáu của Chiron - đôi mắt của một thiếu niên ngoài lề chỉ mong chực biến khỏi thế gian này. Ý nghĩ đó được thể hiện thật cảm động qua câu thoại của Chiron, khi cậu ước mình có thể hóa thành giọt nước tan vào lòng đại dương vậy.
Nước là một yếu tố quan trọng của bộ phim. Nước trong Moonlight mang ý nghĩa tâm linh. Ở phân cảnh Chiron tập bơi dưới sự dìu dắt của gã buôn ma túy Juan, bằng góc máy quay rất ấn tượng, khán giả có thể thấy Juan đỡ cậu bé Chiron giữa sóng nước dập dờn, gợi nhớ đến lễ rửa tội phổ biến trong rất nhiều tôn giáo, là nghi thức có tính tượng trưng cho việc thanh tẩy và sinh ra lần nữa mà nhiều đứa trẻ phải trải qua.
Juan đóng vai trò người cử hành nghi lễ, còn Chiron như chính là cậu bé được thụ lễ vậy. Và trong việc Juan dạy cậu bé Chiron cách bơi, còn có một ý nghĩa sâu thẳm hơn: hướng dẫn cậu cách vượt qua đại dương mênh mông của đời người. Ở một cảnh khác, khi Chiron đằm mình vào bồn tắm, theo tâm lí học, việc một người ngâm mình vào nước có ý nghĩa như một cách để tự tẩy uế bản thân. Ngay cả khi lớn, Chiron vẫn giữ thói quen nhúng mặt mình vào bể nước đá.
Yếu tố quan trọng không kém chính là sắc xanh. Sắc xanh xuất hiện đầy ám ảnh trong nửa cuối bộ phim. Xanh của u hoài, cũng là “Blue” trong biệt danh của Juan, và xanh trong tên vở kịch In Moonlight Black Boys Look Blue. Tông màu xuyên suốt của Moonlight gợi nhớ đến những khung hình trữ tình trong In the Mood for Love của đạo diễn Vương Gia Vệ - đẹp ngay trong chính nỗi u hoài. Cứ thế, Moonlight lần lượt đưa người xem chu du qua các quãng khác nhau của một đời người trên nền nhạc du dương do nhạc sĩ Nicholas Britell đảm nhận.
Kiệm lời và không giáo điều, Moonlight cũng giống như ánh trăng hắt xuống đại dương bao la. Đại dương lớn lao và sâu thẳm như chính tâm hồn con người, tuy dòng hải lưu luôn đổi thay nhưng bản chất của nó vẫn luôn thế, không thay đổi, vĩnh cửu như sóng vỗ tự ngàn đời. Ánh trăng, dù vậy, chỉ có thể soi rọi một phần rất nhỏ của tâm hồn đại dương mênh mông. Đó cũng chính là mục đích của Moonlight: soi sáng một phần rất nhỏ trong biển đêm tăm tối của tâm hồn con người.
Cảnh cuối bộ phim, khi Chiron đứng trước đại dương bao la với sắc xanh tràn khắp, cũng chính là đối diện với tâm hồn thẳm sâu của chính mình. Và trong việc tìm thấy hình ảnh cậu bé ngày xưa, cũng chính là khi tay buôn ma túy - Chiron lúc trưởng thành - được cứu rỗi.
Phim dừng lại nhưng không có kết thúc. Một bộ phim có mở đầu nhưng lại chưa có hồi kết, giống như cuộc sống với rất nhiều khả năng có thể xảy ra. Khán giả chỉ có thể suy tưởng mà đoán định. Có người nghĩ rằng sẽ là hạnh phúc, khi Chiron đã tìm lại được bến bờ của mình. Nhưng mình nghĩ, rồi thì cuộc đời anh cũng sẽ chẳng khác nào Juan. Con người mà cậu trở thành lúc cuối phim, lại hóa ngược về chính gã Juan đã dạy dỗ cậu vào đầu phim. Một vòng lặp không hồi kết, như số phận những đứa bé da màu điển hình trong xã hội Mỹ.
Không ôm đồm những triết lý sâu xa, cũng chẳng hô hào thay đổi thế giới, bộ phim có kinh phí chưa tới 2 triệu USD là những trải nghiệm cá nhân của những người tạo ra nó, như đạo diễn Barry Jenkins từng khẳng định: "Mục tiêu của bộ phim chỉ đơn giản là khắc họa chân dung những con người đang cố gắng sinh tồn trong cuộc đời này".
Theo Mai Anh (Thanh Niên)