Phía sau những ánh mắt vô tư ấy là những tâm hồn đáng thương, từ nhỏ đã thiếu vắng tình cảm của cha mẹ. Mong ước sâu thẳm của các bé chỉ là: “Con muốn gặp lại mẹ”.
Bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng
Đó là những đứa trẻ bất hạnh, từ nhỏ bị cha mẹ bỏ rơi ở cổng chùa, được sư trụ trì Thích Tánh Bình mang về và thành lập nên Mái ấm Quan Âm (xã Tích Thiện, H.Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Mang duyên nuôi dưỡng các bé đáng thương từ năm 2016, hơn 5 năm làm thiện nguyện, người “cha bất đắc dĩ” của 30 đứa trẻ tại mái ấm này đã luôn gắn bó và dành hết tình yêu thương cho các bé.
Sư trụ trì Thích Tánh Bình cho biết: “Đầu tiên, chùa có nuôi 2 chú tiểu, rồi mọi người lên thông tin là chùa này có nuôi bé mồ côi. Sau đó, họ mang tới bỏ dần, lâu lâu thấy xuất hiện 1 đứa thì thầy mang vào nuôi và lập ra mái ấm này. Đến nay đã có 30 bé sống ở đây”.
Đặt chân đến mái ấm, chúng tôi không khỏi xúc động khi nhìn thấy bọn trẻ vui mừng chạy ra đón khách. Các bé tranh nhau đòi bế: “Cô ơi, cô bồng con đi”. Chắc hẳn, ngoài tình thương của người cha nuôi và những cô bảo mẫu ở mái ấm thì từ lâu chúng đã thiếu thốn nhiều tình cảm lắm.
Mỗi bé trước khi đến nơi đây đều có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng lại cùng chung một điểm là bị chính cha, người mẹ bỏ rơi. Có những bé, cha mẹ nuôi được 2-3 năm nhưng không có điều kiện để tiếp tục chăm sóc đã gửi vào chùa. Còn có những đứa trẻ đáng thương hơn, chưa kịp cắt rốn đã vội bị bỏ rơi mà không kịp nhận thức được cha mẹ mình như thế nào.
Sư trụ trì tâm sự: “Các bé ở đây rất đáng thương, có nhiều đứa bị bỏ từ lúc mới sinh ra. Đến giờ cha mẹ chưa lần nào ghé thăm”. Khi được hỏi đến những trường hợp đặc biệt, sư trụ trì cho hay: “Hiện nay có 2 trường hợp sinh đôi, cặp thứ nhất thì mẹ mất rồi chỉ còn cha, nhưng gia đình cũng quá khó khăn nên mang vào đây gửi. Còn cặp thứ 2, chị bị tật bẩm sinh, còn em vẫn đi học bình thường nhưng đã 4 tuổi mà vẫn chưa biết nói”.
Vào thăm phòng riêng của các bé sơ sinh, chúng tôi thấy những cô bảo mẫu đang thay tã, mặc quần áo cho các bé, giống như đang chăm sóc chính những đứa con ruột của mình. Lúc sau, bỗng nghe tiếng khóc lớn của 1 bé giường bên, cô bảo mẫu vừa chạy qua với bé vừa nói: “Bé này vừa bị bỏ tầm 4-5 tháng. Sợ là bé bệnh hay sao đó, mà cứ khóc suốt, nếu đụng vào thì bé khóc ré lên, còn buông ra thì có thể nín. Nó khóc suốt như vậy khi nào ngủ thiếp đi thì thôi. Tội nó lắm!”.
“Con chỉ muốn gặp lại mẹ!”
Dù cũng nhận được nhiều tình thương trong ngôi nhà thứ 2 này, nhưng khi nhắc đến gia đình các em không khỏi chạnh lòng. Phía sau những ánh mắt vô tư ấy là những tâm hồn đáng thương, từ nhỏ đã thiếu vắng tình cảm cha mẹ nên các em biết sống tự lập từ rất sớm và có nhiều suy nghĩ chín chắn hơn những bạn cùng trang lứa.
Bé Khánh Vũ (12 tuổi) được mẹ mang vào gửi từ lúc 8 tuổi và đến nay đã được 4 năm sống tại mái ấm tình thương. Khi được hỏi: "Trong ngày Ngày quốc tế Thiếu nhi 1.6 này, nếu có 1 điều ước con sẽ mong muốn điều gì?", bé Vũ ngước nhìn tôi với ánh mắt rưng rưng đáp lại: “Dạ, con chỉ muốn gặp mẹ”.
Còn bé Bảo Hân (13 tuổi), được gửi vào chùa Phật Quang (Vĩnh Long) từ lúc 3 tuổi, cách đây vài tháng lại được gửi sang mái ấm Quan Âm, đến nay mẹ đã lập gia đình riêng và chưa 1 lần nào vào thăm bé. Hân tâm sự: “Nếu con có 1 điều ước, con mong muốn sau này sẽ học thành tài, có tiền để nuôi lại mẹ con. Tại vì mẹ cũng nuôi con được 3 năm mới gửi vào chùa”.
Bằng sự chở che tận tình của người cha nuôi, giờ đây những đứa trẻ kém may mắn khi chào đời đã được sống trong một môi trường tốt đẹp, được ăn uống, ngủ nghỉ và được cắp sách đến trường như bao bạn nhỏ khác. Những việc làm của trụ trì Thích Tánh Bình đều để dành tình yêu thương lớn nhất cho những đứa con nuôi.
Vào Ngày quốc tế Thiếu nhi 1.6, người “cha” này cũng hy vọng: “Trong thời điểm ảnh hưởng của dịch bệnh, nên từ tết đến giờ rất ít khách đến thăm các cháu. Nếu như ngày 1.6, các mạnh thường quân không đến được thì có thể gửi một phần quà nho nhỏ để hỗ trợ cho các cháu vui lễ. Đó cũng là niềm vui lớn đối với các cháu rồi”.