Di tích sẽ trở thành phế tích khi không được “sống” đúng nghĩa. Di tích cũng cần có một “sức khỏe”, cũng cần có sự chăm chút đầu tư, cũng cần được sưởi ấm bởi tình người. Đó là đạo lý, là văn hóa, là hồn cốt của các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tức Dụp từ ngọn đồi trơ đá vì chiến tranh và đứng trước nguy cơ trở thành phế tích hẩm hiu, thì hôm nay đã được phủ lên màu xanh bát ngát thanh bình, màu của sức sống mới, của khúc khải hoàn ca bất diệt. Tức Dụp biểu tượng tráng hùng của quân và dân An Giang.
Lịch sử trao tay
Ông Trần Minh Trí - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch An Giang cho biết : “Trước năm 2016, đồi Tức Dụp đã từng được UBND tỉnh An Giang giao cho nhiều đơn vị khai thác du lịch nhưng không thành công. Nhiều di vật, chứng tích chiến tranh rất đặc biệt tại khu đồi theo thời gian bị mai một và có nguy cơ trở thành phế tích. Thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành du lịch, cuối năm 2016, Công ty cổ phần du lịch An Giang được giao là chủ đầu tư dự án mở rộng Khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp. Với quyết tâm đưa Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt trở thành điểm về nguồn, du lịch tâm linh nổi tiếng, công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng để tôn tạo và trùng tu nhiều hạng mục quan trọng mà vẫn giữ nguyên hiện trạng cấu trúc tổng thể của toàn bộ đồi Tức Dụp”.
PV Quốc Hưng: Thưa ông với việc tôn tạo như vậy có ảnh hưởng như thế nào đến giá trị lịch sử và cấu trúc nguyên bản của khu di tích nổi tiếng này?
- Ông Trần Minh Trí: Ngọn đồi lịch sử vẫn còn nguyên, hệ thống hang động vẫn còn nguyên, từng di chỉ, từng mẫu di vật còn sót lại từ chiến tranh vẫn nằm lại trên chiến trường máu lửa... chúng tôi thừa hiểu rằng đó là những giá trị rất quý của toàn bộ đồi Tức Dụp mà chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ và làm tăng giá trị.
Vào tháng 1.2019, công ty đã thực hiện Lễ khởi công trùng tu và tôn tạo các hạng mục của Khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp. Đối với khu vực nào mang tính chất di tích lịch sử sẽ được bảo tồn giá trị thiêng liêng vốn có. Đối với khu vực dịch vụ du lịch, bên cạnh nâng cấp các hạng mục hiện có sẽ được đầu tư thêm nhiều cơ sở vật chất mới để du khách không chỉ về nguồn mà còn được tận hưởng chất riêng của dãy Phụng Hoàng Sơn kỳ vĩ.
Vậy khi thực hiện công ty đã tuân thủ theo các quy định ra sao?
- Về các hạng mục phụ đã xuống cấp không thể sử dụng được, công ty buộc cải tạo cho phù hợp, chứ không phá dỡ để xây dựng mới. Trước đây, khi công ty tiếp nhận bàn giao thì toàn bộ khu vực xung quanh đồi Tức Dụp bị người dân lấn chiếm, xây cất rất tạp nham, tạm bợ. Vì vậy, công ty phải thỏa thuận chuyển nhượng để có quỹ đất và cải tạo trong khu vực được cho phép mà không thay đổi hiện trạng tổng thể.
Chiếu theo khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng năm 2014, “công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong mà không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường và tính an toàn của công trình hiện tại” thì không phải xin giấy phép xây dựng. Song chúng tôi vẫn tuân thủ và bổ sung các thủ tục theo yêu cầu.
Riêng chỉ có 1 hạng mục được xây mới hoàn toàn đáp ứng theo nguyện vọng chính đáng của các cựu chiến binh. Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đây là công trình “tâm linh" và “tâm ý” hết sức nhân văn, hoàn toàn phù hợp, thể hiện lòng biết ơn của nhà đầu tư với những anh linh đã nằm lại nơi đất thép thành đồng.
Nơi đây là điểm dừng chân đầu tiên của tất cả du khách gần xa đến thắp hương tri ân, trước khi di chuyển vào các khu vực di tích tham quan. Đài tưởng niệm được Sở Xây Dựng - UBND tỉnh An Giang cấp “Giấy phép xây dựng số:25/GPXD” vào tháng 6.2018.
Du khách có thể nào bước vào Khu di tích, khi bày ra trước mắt họ là sự hỗn độn, xuống cấp và tạp nham? Nếu tiếp nhận mà không tu bổ, không đầu tư, không làm đẹp hơn, không làm mới thì đó là sự vô trách nhiệm, sự vô cảm của nhà đầu tư với những thế hệ đã đổ xương máu cho mảnh đất oai hùng này. Chúng tôi đến với Tức Dụp bằng tất cả sự thấu cảm và tình yêu, lòng tri ân với bậc tiền nhân.
Trong quá trình tôn tạo 1 số hạng mục trong lòng đồi Tức Dụp đã tác động đến cấu trúc nguyên bản?
- Chỉ không bao lâu nữa, chúng ta sẽ chào mừng 47 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng - thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2022). Nửa đời người rồi đó phóng viên ơi. Nhà báo cứ nghĩ xem gần 50 trôi qua, các vật liệu ngày xưa có còn dùng được không? Các du khách có đủ can đảm để bước vào tham quan di tích với đầy rẫy những hạ tầng xuống cấp hư hỏng trầm trọng không?
Chúng tôi không thể thờ ơ, chúng tôi không thể tiếp nhận mà không làm gì cả, chúng tôi không thể “ăn mày dĩ vãng hào hùng” mà chúng tôi buộc phải hành động nhưng phải làm cho đúng. Tức Dụp là ngôi đền rất thiêng nên các cụ không chấp nhận cho ai làm trái luật, đặc biệt đối với tâm linh thì không ai được phép đùa. Với tiêu chí “không an toàn cho du khách thì sẽ không mở cửa”, nên tính mạng của du khách phải đặt lên hàng đầu.
Tôi lấy ví dụ như Khu di tích cách mạng Rừng Sác, Khu di tích địa đạo Củ Chi hay các khu di tích lịch sử khác trên đất nước ta đều phải được tôn tạo để đảm bảo an toàn du khách. Các bạn hãy thử hình dung xem, gần 5 thập kỷ trôi qua, nếu không gia cố tôn tạo các hạng mục ở nội khu di tích bằng các vật liệu cho phù hợp với điều kiện môi trường, điều kiện tham quan thì liệu ai dám đảm bảo rằng sẽ không có sự cố xảy ra.
Tương tự như vậy, 1 số lối đi rất hẹp ngày xưa là nơi trú ẩn an toàn cho các cha - các chú nhưng ngày này làm sao còn phù hợp? Hơn nữa, các vật liệu gỗ rừng tạp được lót kê tạm bợ trong thời chiến thì làm sao còn sử dụng được đến ngày nay? Và công ty chọn thay bằng sắt giúp kiên cố hơn, phù hợp với môi trường ẩm thấp, trơn trợt và cùng lúc có thể chịu được sức nặng của nhiều du khách.
Hoặc như trên 1 số bậc thang lên xuống lòng hang, có các khối đá chênh vênh, nhọn sắc cạnh rất nguy hiểm, thì việc tạo mảng nhám hay chỉnh sửa 1 vài bậc thang trong tuyến tham quan cũng chỉ giúp du khách an toàn trong quá trình di chuyển thôi chứ không hề ảnh hưởng gì đến hiện trạng các hang động. Ngày xưa bom rơi, đạn dội mà không làm suy suyển cấu trúc hang của đồi Tức Dụp thì ngày nay chúng tôi chẳng lẽ lại đi phá nát hay sao?
Vâng thưa ông! Với sự đầu tư nghiêm túc đó thì việc thu giá vé vào cổng công ty thực hiện như thế nào cho hợp lý?
- Vé khu du lịch được chia làm 2 phần rõ ràng:
+ Phần giá vé thứ nhất, với mệnh giá là 20.000 đồng, là du khách tham quan khu di tích theo đúng quy định Nghị quyết 42 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang.
+ Ngoài ra, phần vé thứ 2 là 80.000 đồng. Trong đó, bao gồm khách sẽ tham quan những hạng mục do công ty đầu tư mới và tham gia các dịch vụ như: các trò chơi dân gian, ngồi xe điện tham quan toàn cảnh khu du lịch, đi tàu lượn, xem vườn thú, trại cá sấu, check-in cánh đồng hoa và tiểu cảnh đẹp mắt...
Hàng triệu triệu du khách đã đến tham quan ngọn đồi thiêng. Họ đến để trải nghiệm, mắt thấy tai nghe những câu chuyện huyền thoại còn lưu dấu. Các du khách đã có sự đồng cảm và chia sẻ với nhà đầu tư phải chi rất nhiều kinh phí để có được một Tức Dụp thoáng đãng, trong lành và sạch sẽ như hôm nay.
Đến Tức Dụp mà không đi được vào lòng đồi vì các lối di chuyển tối tăm, ẩm thấp, chật hẹp, thì Tức Dụp còn có ý nghĩa nào. Nên việc khơi thông lối đi, đảm bảo tuyệt đối an toàn là chuyện được đặt lên hàng đầu. Tức Dụp hôm nay còn nguyên bản những di chỉ oai hùng, vẫn còn màu xanh của khát vọng, màu chiến thắng.
Chúng tôi là doanh nghiệp thì phải vận hành sao cho có hiệu quả để nuôi di tích sống mãi với thời gian, doanh nghiệp tiếp tục với sứ mệnh mà xã hội đã giao phó. Nhìn rộng hơn, trách nhiệm đó không chỉ riêng công ty, mà cần có cộng đồng chung tay góp sức. Do đó, việc thu giá vé dịch vụ khi du khách vào tham quan là điều rất bình thường và hợp lý.
Tức Dụp là hiện thân của cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc và đang nhận được sự đầu tư rất nghiêm túc của doanh nghiệp. Có thể trong quá trình thực hiện vì say mê và bị cuốn hút bởi “chất Tức Dụp quá đỗi kiêu hùng” đã khiến chúng tôi như quên bẵng một số thủ tục đi kèm. Đó là thiếu sót mà chúng tôi đang khẩn trương bổ túc hoàn thiện.
Viết tiếp trang sử vàng trên đỉnh vinh quang là niềm khát vọng to lớn của không chỉ riêng nhà đầu tư, mà còn chuyển tải niềm kỳ vọng to lớn của người An Giang đối với di tích lịch sử. Cho nên, cần nhìn nhận khách quan và đánh giá chính xác, nếu không lại vô tình xúc phạm tới các anh linh.
Nhân đây, cho phép đại diện Công ty CPDL An Giang gửi lời cảm ơn và tri ân sâu sắc với các nhà báo, phóng viên, cơ quan thông tấn báo chí đã luôn đồng hành và quan tâm. Hy vọng trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Vâng xin cảm ơn ông và chúc công ty hoạt động ngày càng tốt hơn và mang lại cho cộng đồng nhiều giá trị mới.