Mỗi năm các làng nghề ở Hà Nội thu về trên 24.000 tỉ đồng.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Mỗi năm các làng nghề ở Hà Nội thu về hơn 24.000 tỉ đồng

Tuyết Nhung 17:50 05/07/2024

Mỗi năm các làng nghề ở Hà Nội thu về trên 24.000 tỉ đồng.

Đến nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề của cả nước. Trong đó, có 331 làng nghề, nghề truyền thống được công nhận, thuộc địa bàn 25/30 quận, huyện, thị xã. Cùng với đó, thành phố (TP) đã và đang triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật 102 cụm công nghiệp (CCN). Trong đó, 70 CCN đã đi vào hoạt động, 43 CCN thành lập và mở rộng giai đoạn 2018-2020.

ed645500-ff91-48db-b247-f773dbef549e.jpeg
Các làng nghề ở Hà Nội ngày càng đạt doanh thu tăng cao - Ảnh:IT

Những năm qua các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 24.000 tỉ đồng/năm, một số làng nghề có doanh thu cao, trong đó có 5 làng nghề có doanh thu trên 1.000 tỉ đồng: Làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù, đạt trên 1.300 tỉ đồng; Làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá đạt 1.200 tỉ đồng; Làng nghề truyền thống mỹ nghệ Thiết Úng đạt 1.100 tỉ đồng; Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng và Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt trên 1.000 tỉ đồng; Làng nghề đồ mộc - may thôn Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỉ đồng.

Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, bình quân phổ biến ở mức 4 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Tại một số quận, huyện, lao động làng nghề có thu nhập bình quân đạt từ 50 triệu đồng/người/năm trở lên như: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức…

Sản phẩm của các làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Các làng nghề đã và đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình OCOP và Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp TP ngày hôm nay (5.7), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đức Anh Đồng Quang Chính nêu những khó khăn về chi phí tham gia các chương trình xúc tiến, trong giao thương… HTX đề nghị tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các tỉnh, thành trên cả nước và nước ngoài, tạo ra nhiều sân chơi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giao lưu, xúc tiến thương mại.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Thăng Long (thôn Thiết Bình, xã Vân Hà, huyện Đông Anh) mong muốn TP tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư vào phát triển ngành nghề.

Bà Nguyễn Thị Lương, đại diện Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) cho hay công ty chuyên làm hàng thủ công mỹ nghệ với 95% hàng được xuất khẩu thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ.

Tuy nhiên, công ty vẫn gặp những khó khăn về chi phí vận chuyển, thiếu mặt bằng để sản xuất… Do đó, kiến nghị TP tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đặc biệt là được tham gia các hội chợ quốc tế…

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết hiện nay TP đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô sửa đổi. Đây là cơ hội để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh của TP để thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô bền vững.

TP.Hà Nội cũng cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp làng nghề; nhất là tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,...

Bài liên quan
TP.HCM lắng nghe góp ý của doanh nghiệp Hàn Quốc để cải thiện môi trường đầu tư
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, Nghị quyết 98 đã mở ra nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi cho TP.HCM thu hút đầu tư. Do vậy, doanh nghiệp Hàn Quốc có mong muốn đầu tư lĩnh vực nào có thể đặt ra để TP ghi nhận và có giải pháp hỗ trợ thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỗi năm các làng nghề ở Hà Nội thu về hơn 24.000 tỉ đồng