Microsoft vừa bổ nhiệm Mustafa Suleyman, nhà đồng sáng lập DeepMind, làm lãnh đạo đơn vị trí tuệ nhân tạo (AI) tiêu dùng mới được thành lập, đồng thời tuyển dụng thêm một số nhân viên từ công ty khởi nghiệp Inflection AI của ông. Động thái này của Microsoft nhằm tìm cách bảo vệ vị trí dẫn đầu trước sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Google.
Mustafa Suleyman sẽ là Giám đốc điều hành đơn vị Microsoft AI, tập hợp các nỗ lực AI dành cho người tiêu dùng của công ty như chatbot Copilot, trình duyệt Edge và công cụ tìm kiếm Bing sử dụng công nghệ này.
Được xây dựng bằng công nghệ từ OpenAI (công ty khởi nghiệp tạo ra ChatGPT và Sora), Copilot là trụ cột trong nỗ lực của Microsoft nhằm tạo ra doanh thu từ AI, có thể viết email, tóm tắt tài liệu và thuyết trình.
Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, cho biết trong một bài đăng trên blog: “Sự gia nhập của những tài năng mới này sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh tiến độ một lần nữa. Là một phần của quá trình chuyển đổi này, Mikhail Parakhin và toàn bộ nhóm của anh ấy gồm Copilot, Bing và Edge; Misha Bilenko và nhóm AI tạo sinh của anh sẽ chuyển sang báo cáo cho Mustafa Suleyman”.
AI tạo sinh là một loại AI có mục tiêu chính là tạo ra thông tin mới, thường thông qua quá trình học máy và học sâu. Loại AI này không chỉ giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, mà còn có khả năng tạo ra dữ liệu, văn bản, hình ảnh, âm thanh, video và nhiều loại thông tin khác.
Một ví dụ nổi tiếng về AI tạo sinh là mô hình ngôn ngữ lớn GPT của OpenAI. GPT có khả năng tạo ra văn bản mới, dựa trên dữ liệu mà nó đã được huấn luyện trước đó.
AI tạo sinh có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng, gồm tạo văn bản, hình ảnh, âm thanh video và thậm chí giải quyết vấn đề trong lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo và thiết kế.
Động thái trên diễn ra khi Microsoft đang hợp tác với các công ty khởi nghiệp khác, gồm cả Mistral AI (Pháp), trong bối cảnh cơ quan quản lý tăng cường giám sát mối quan hệ hợp tác giữa họ với OpenAI.
Satya Nadella nhấn mạnh Microsoft "rất cam kết" về quan hệ đối tác với OpenAI của mình.
Karen Simonyan (người đồng sáng lập Inflection AI cùng Mustafa Suleyman) và Reid Hoffman (thành viên hội đồng quản trị Microsoft) sẽ tham gia Microsoft AI với vai trò trưởng nhóm khoa học.
Inflection AI đã nổi lên như một trong những cái tên thành công nhất trong cuộc đua AI tạo sinh sau khi huy động được 1,3 tỉ USD từ Microsoft và Nvidia, với định giá 4 tỉ USD vào tháng 6.2023.
Đứng sau chatbot Pi, Inflection AI thông báo Sean White (cựu giám đốc nghiên cứu và phát triển của Mozilla) sẽ là tân giám đốc điều hành công ty và họ có kế hoạch chuyển hướng sang phục vụ các mô hình cho khách hàng thương mại thay vì tập trung vào người tiêu dùng.
Inflection AI cũng nói thêm rằng mô hình ngôn ngữ lớn Inflection-2.5 sẽ có sẵn trên dịch vụ đám mây Microsoft Azure.
Sau khi được Mustafa Suleyman, Giám đốc điều hành Demis Hassabis cùng những người khác thành lập vào năm 2010, DeepMind đã thực hiện sứ mệnh của mình là giải câu đố về trí thông minh bằng cách chế tạo những cỗ máy có khả năng học hỏi, suy nghĩ và hành động theo cách của con người.
DeepMind (có trụ sở tại London, thủ đô Anh) được Google mua lại hồi năm 2014 với giá 500 triệu USD.
Trong năm 2016, DeepMind trở nên nổi tiếng sau khi chương trình AlphaGo của họ đã đánh bại một kiện tướng cờ vây chuyên nghiệp lần đầu tiên trong lịch sử học máy.
Công ty đã tạo ra mạng lưới thần kinh biết cách học chơi game, làm việc, tư duy… tương tự như con người. Mạng lưới thần kinh này sẽ bắt chước những hành vi của não bộ, từ đó đưa ra những hành động độc lập hoặc được lập trình sẵn nhằm thực hiện những việc có tư duy cao.
DeepMind gây tiếng vang với các nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực AI, đặc biệt là trong các lĩnh vực như học máy, học sâu và học máy tăng cường.
Công ty này đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó có việc phát triển các hệ thống AI chơi cờ vua và cờ vây với hiệu suất đỉnh cao, cũng như trong các ứng dụng y học và năng lượng.
Là đối thủ chính của Microsoft trong cuộc đua AI tạo sinh, Google đang mở rộng các nỗ lực liên quan đến công nghệ này.
Apple đang đàm phán để tích hợp bộ mô hình AI Gemini của Google vào iPhone, theo những nguồn tin của Bloomberg quen thuộc với tình hình.
Hai gã khổng lồ công nghệ đang tích cực đàm phán để Apple được phép sử dụng Gemini đưa một số tính năng mới lên phần mềm iPhone trong năm nay. Theo Bloomberg, Apple gần đây còn tổ chức các cuộc thảo luận với OpenAI và đã cân nhắc sử dụng mô hình AI của công ty này.
Nếu thành hiện thực, thỏa thuận giữa Apple và Google sẽ được xây dựng dựa trên quan hệ đối tác tìm kiếm giữa hai công ty bấy lâu nay. Nhiều năm qua, Google đã trả cho Apple hàng tỉ USD mỗi năm để biến công cụ tìm kiếm của họ trở thành tùy chọn mặc định trong trình duyệt web Safari trên iPhone và các thiết bị khác. Theo nguồn tin của Bloomberg, hai bên vẫn chưa quyết định các điều khoản và thương hiệu của thỏa thuận AI hoặc hoàn thiện cách thức triển khai nó.
Một thỏa thuận sẽ mang lại cho Gemini lợi thế quan trọng với hàng tỉ người dùng tiềm năng. Thế nhưng, điều này cũng có thể là dấu hiệu cho thấy Apple không tiến xa với những nỗ lực AI của mình như một số người kỳ vọng và cả hai công ty có nguy cơ chịu thêm sự giám sát chống độc quyền.
Kể từ đầu năm ngoái, Apple đã thử nghiệm mô hình ngôn ngữ lớn của riêng mình có tên mã Ajax. Một số nhân viên cũng đang dùng thử chatbot cơ bản Apple GPT. Tuy nhiên theo nguồn tin từ Bloomberg, công nghệ của Apple vẫn kém hơn so với các công cụ AI từ Google và các đối thủ khác, khiến mối quan hệ hợp tác có vẻ là lựa chọn tốt hơn.
Thỏa thuận với Apple nếu xảy ra sẽ là mối quan hệ đối tác cao cấp nhất của Google với Gemini cho đến nay và có thể là đòn bẩy quan trọng cho các nỗ lực AI của gã khổng lồ tìm kiếm internet. Apple có hơn 2 tỉ thiết bị đang được sử dụng và có khả năng trở thành nơi lưu trú của Google Gemini cuối năm 2024. Vào tháng 1, Samsung Electronics đã tung ra smartphone Galaxy S24, Galaxy S24+ và Galaxy S24 Ultra có các tính năng AI do Gemini cung cấp.
Mối quan hệ hợp tác giữa hai gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon có thể sẽ thu hút sự chú ý của các nhà quản lý. Thỏa thuận hiện tại giữa Google với Apple về tìm kiếm đã trở thành tâm điểm trong vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ. Chính phủ Mỹ cáo buộc rằng hai công ty này đã hoạt động như một thực thể duy nhất nhằm chiếm lĩnh thị trường tìm kiếm trên thiết bị di động. Bộ đôi này đã biện minh cho sự sắp xếp này bằng cách nói rằng Apple tin rằng chất lượng tìm kiếm của Google vượt trội so với các đối thủ và thật dễ dàng để chuyển đổi công cụ tìm kiếm trên iPhone.
Thỏa thuận giữa Apple và Google cũng đang bị chỉ trích ở Liên minh châu Âu (EU), buộc Apple phải tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người tiêu dùng khi thay đổi công cụ tìm kiếm mặc định từ Google. Khi áp lực pháp lý ngày càng tăng và AI trở nên phổ biến hơn, thỏa thuận tìm kiếm hiện tại cuối cùng có thể mang lại ít lợi nhuận hơn cho cả hai công ty. Một thỏa thuận mới về AI có thể giúp bù đắp điều đó.
Việc Microsoft tài trợ hàng tỉ USD cho OpenAI cũng thu hút sự sự chú ý của các cơ quan giám sát riêng, trong đó Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đang kiểm tra xem liệu thỏa thuận đó có vi phạm luật chống độc quyền hay không.
Dù các cuộc đàm phán giữa Apple và Google vẫn đang diễn ra nhưng khó có khả năng bất kỳ thỏa thuận nào sẽ được công bố trước tháng 6, khi nhà sản xuất iPhone dự định tổ chức hội nghị các nhà phát triển toàn cầu hàng năm. Có thể hai công ty không đạt được thỏa thuận hoặc cuối cùng Apple chọn hợp tác với một nhà cung cấp AI tạo sinh khác, chẳng hạn OpenAI.
Về mặt lý thuyết, Apple có thể hợp tác với nhiều đối tác, giống cách hãng làm với tính năng tìm kiếm trong trình duyệt web của mình. Một nhà cung cấp AI tạo sinh khác nổi bật khác là Anthropic, với chatbot Claude.