Cụ bà N.T.P. (104 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM)- Mẹ Việt Nam Anh hùng bất ngờ sốt cao, nôn ói, đau dữ dội sườn phải cùng. Các bác sĩ xác định cụ bị nhiễm trùng đường mật, sỏi đường mật và đang có nguy cơ sốc nhiễm trùng gây tử vong bất cứ lúc nào.
Chiều 27.9, thông tin từ Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho hay bệnh viện này vừa tiến hành can thiệp nội soi mật-tụy ngược dòng (ERCP) để giải áp đường mật thành công, cứu cụ P. thoát khỏi nguy cơ tử vong.
Theo người nhà của cụ P. trước đó khoảng 2 tuần, cụ bị đầy bụng, khó tiêu. Tuy nhiên người nhà nghĩ cụ bị rối loạn tiêu hóa do tuổi cao nên đã mua thuốc uống nhưng tình trạng trên không thuyên giảm.
Vài ngày sau, cụ P. phải nhập viện cấp cứu tại một bệnh viện địa phương do sốt cao, nôn ói. Tại đây, qua thăm khám và làm xét nghiệm, cụ P. được chẩn đoán nhiễm trùng đường mật, sỏi đường mật. Nhận thấy người bệnh cao tuổi, có tiền căn suy tim và hen phế quản, diễn tiến bệnh đang có chiều hướng phức tạp nên đã lập tức chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bình Dân.
TS.BS Đỗ Bá Hùng – Giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết cụ P. đau dữ dội ở vùng hạ sườn phải, quặn từng cơn kèm sốt dai dẳng.
Kết quả xét nghiệm máu của cụ P. cho thấy bạch cầu tăng cao. Siêu âm bụng và CT-scan bụng có cản quang phát hiện nhiều sỏi nhỏ rải rác trong đường mật, ống gan, đặc biệt là sỏi ống mật chủ kích thước lên tới 21mm (đường kính ống mật chủ bình thường chỉ khoảng 8-10mm) nằm kẹt ở đoạn cuối ống mật chủ gây tắc mật, giãn đường mật trong và ngoài gan.
Trước tình hình trên, các bác sĩ nhận định nếu bệnh nhân không can thiệp kịp thời có thể tử vong bất cứ lúc nào. “Bệnh nhân quá lớn tuổi, đến 104 tuổi lại đang trong tình trạng thể trạng suy kiệt, nhiều bệnh lý nên cần phải can thiệp khẩn cấp. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành can thiệp nội soi mật-tụy ngược dòng (ERCP) để giải áp đường mật, nếu không tính mạng của bệnh nhân bị đe dọa”, bác sĩ Hùng nói.
Bác sĩ Hùng cho biết bằng kỹ thuật ERCP, ê kíp phẫu thuật đã nhanh chóng lấy sỏi đường mật để loại bỏ nguyên nhân gây tắc mật. Sau 20 phút, ê kíp phẫu thuật đã đặt thành công ống thông qua đoạn ống mật chủ đang bị sỏi làm tắc nghẽn, nhanh chóng giải quyết tình trạng đau đớn, ứ đọng mật và điều trị tình trạng nhiễm trùng đang diễn tiến phức tạp cho cụ P.
Một tuần sau, khi tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát tốt, các bác sĩ tiếp tục thực hiện ERCP với ống nội soi mềm qua đường miệng tiếp tục lấy một viênsỏi khá lớn tại đây.
“Để lấy viên sỏi này, các bác sĩ phải tán nhỏ và dùng rọ chuyên dụng gắp các mảnh sỏi ra khỏi cơ thể qua đường miệng. Để đảm bảo điều trị triệt để, giảm thiểu nguy cơ sót sỏi đường mật cho bệnh nhân ê kíp phẫu thuật đã súc rửa kỹ đường mật để loại bỏ các sỏi và cặn mật”, bác sĩ Hùng thuật lại.
Theo bác sĩ Hùng, nhiễm trùng đường mật là một tình trạng cấp tính, thường do sỏi đường mật gây tắc mật. Các triệu chứng viêm đường mật do sỏi rất dễ nhầm lẫn với các rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày như đầy hơi, khó tiêu, chán ăn, đau mơ hồ, khó chịu vùng thượng vị, đau hạ sườn phải…
“Khi xuất hiện các triệu chứng này, người bệnh cần đi đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị bệnh kịp thời, tránh để diễn tiến dẫn đến sốc nhiễm trùng”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Hồ Quang