Thiết bị nhỏ kẹp trên dái tai do một nhà khoa học Nga phát triển giúp đo nồng độ đường trong máu qua mức độ máu đi qua mao mạch hấp thụ ánh sáng, loại trừ việc lấy máu gây đau đớn cho bệnh nhân.
Theo IA REGNUM, Vladimir Kozlov, nhà khoa học trẻ người Nga đã phát triển một máy đo đường huyết độc đáo cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, không cần chọc thủng da, chỉ đeo như một chiếc kẹp trên tai.
Nhà sinh lý học, tốt nghiệp Đại học vật lý và công nghệ Moscow (MIPT) và Đại học y khoa mang tên Sechenov,Vladimir Kozlov đã đề xuất một cách mới để xác định nồng độ glucose trong máu qua mức độ máu đi qua mao mạch hấp thụ ánh sáng.
Theo đó, nồng độ glucose trong máu càng cao, mức độ hấp thụ ánh sáng cũng càng cao. Thiết bị được gắn dưới dạng một chiếc kẹp nhỏ trên tai và đo nồng độ glucose trong máu cứ sau 30 giây/lần, khi có tia hồng ngoại với bước sóng nhất định xuyên qua dái tai.
Độ chính xác của phép đo là 80% và khá tương đương với máy đo đường huyết truyền thống đòi hỏi phải chọc thủng da liên tục, làm kiệt sức bệnh nhân và đặc biệt gây ra đau cho trẻ em. Thiết bị mới này xử lý thông tin nhận được, sau đó chuyển đến điện thoại thông minh trong một ứng dụng đặc biệt, và bệnh nhân nhanh chóng nhận được thông tin về tình trạng của mình.
Vũ Trung Hương