Trương Chí Hùng (SN 1985) là nhà văn trẻ của tỉnh An Giang, hiện đang là giảng viên Trường đại học An Giang. Anh nổi tiếng với bút ký Man mác vàm Nao - đoạt giải Nhất cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017. Lời văn của Trương Chí Hùng khiến người đọc cảm nhận gần gũi với những gì thân thuộc chốn miền quê, sông nước…
Được đánh giá cao về thể loại bút ký
Buổi ra mắt sách của nhà văn Trương Chí Hùng, vào chiều 17.11, với 2 quyển sách Man mác vàm Nao và Trong sương thương má. Riêng quyển Trong sương thương má là cuốn sách thứ 2 của nhà văn Trương Chí Hùng, sau tập thơ Một nửa nhà quê (NXB Hội Nhà văn, 2014). Những tản văn trong cuốn sách này được anh viết từ thời còn là sinh viên tới thời điểm hiện tại.
Anh viết chậm, chắc… Đề tài của những tản văn chủ yếu là những gì diễn ra trong cuộc sống xung quanh, phần lớn là ký ức về miền Tây sông nước. Ở đó, có những gia đình, có lối xóm và những người lao động sống nghĩa tình… Điều đặc biệt, đó là những lát cắt ký ức mà người con miền Tây nào cũng có thể bắt gặp một phần tuổi thơ mình trong đó.
2 quyển Trong sương thương má và Man mác Vàm Nao được bạn đọc đánh giá cao - Ảnh: Tô Văn
“Mỗi thể loại có thế mạnh riêng. Một thông điệp nào đó, một cảm hứng nào đó sẽ có thể loại phù hợp để chuyển tải. Cũng vì vậy mà tôi viết nhiều thể loại như thơ, tản văn, truyện ngắn, bút ký... Với bút ký, tôi “bén duyên” khá muộn nhưng lại nhiều đam mê. Có lẽ do tôi sáng tác văn thơ nhưng tâm hồn ít mơ mộng nên tôi thích bút ký”, nhà văn Trương Chí Hùng chia sẻ.
Cũng theo nhà văn Trương Chí Hùng, khi đến với sáng tác, hẳn người trẻ nào cũng tự hỏi chúng ta cần gì để có thể trưởng thành trên trang viết? Thật ra, đó là một vấn đề lớn mà không phải ai cũng thấu đáo được. Nhiều người vẫn cho rằng, các cây bút trẻ thừa nhiệt huyết, đam mê nhưng thiếu vốn sống, ít kinh nghiệm.
“Tôi nghĩ, biến nhiệt huyết đam mê thành thái độ làm việc nghiêm túc, tinh thần học hỏi không ngừng để dần khẳng định bản thân, là điều người viết trẻ nào cũng nên làm. Bởi sáng tác văn chương không phải là công việc dễ dàng, nó đòi hỏi quá trình lao động nghiêm túc, cả sự dấn thân cầu thị. Khu vườn dù có màu mỡ đến đâu, người thợ làm vườn cũng phải cần mẫn chắt chiu đánh đổi nước mắt mồ hôi mới mong thu về những mùa quả ngọt”, nhà văn Hùng nhận định.
Quả ngọt dâng tặng trước ngày 20.11
Những cái hay, cái đẹp của 2 quyển sách Man mác Vàm Nao hay Trong sương thương má hầu như đều hiện ra rất thật, đầy tính văn, tính thẩm mỹ. Với tác phẩm Man mác vàm Nao, được viết với trên 4.000 từ với kết cấu 4 phần: Cái nết con sông, Tấm lòng con cá, Vàm Nao, Bông lau nao lòng người xa xứ.
Sinh viên khoa Sư phạm đến tham dự để học tập kinh nghiệm - Ảnh: Tô Văn
Man mác vàm Nao đưa người đọc trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc. Nó khiến người biết càng thêm thích thú, bị lôi cuốn bởi từng câu chuyện, từng nhân vật có thật gần như 100% và người chưa biết đến vàm Nao thì như được gợi mở, kích thích sự tò mò để rồi muốn một lần tìm đến xem thế nào! Bằng giọng văn khỏe khoắn pha lẫn chút trữ tình, lãng tử, người đọc như bị thu hút hoàn toàn từ những câu từ đầu tiên trong Man mác vàm Nao.
Vàm Nao hiện lên như 1 con sông huyền thoại với truyền thuyết về ông Năm Chèo (con cá sấu khổng lồ sẽ trừng trị kẻ ác và cứu giúp người hiền lành, nhân hậu). Người đọc còn không ngừng bị lôi cuốn bởi sự hào sảng mà con sông mang đến cho người dân với các loại sản vật khó đâu tìm được như cá bông lau. Ẩn hiện đâu đó ở vàm Nao là một xứ sở với bề dày những văn hóa và làng nghề truyền thống như làng rèn, bánh phồng...
Bạn Lê Đăng Khoa, sinh viên năm 4, khoa Sư phạm Trường đại học An Giang, chia sẻ: “Là người con của vùng đất An Giang, khi được tham dự buổi ra mắt sách của thầy Hùng, em rất tự hào. Với nội dung của 2 quyển sách em thấy văn của thầy rất bình dị rất hợp với ngôn từ của người dân Nam Bộ. Em sẽ học hỏi cách dùng ngôn từ của mỗi vùng miền và học tập kinh nghiệm của thầy nhiều hơn”.
Nhà văn Trần Tùng Chinh cho biết, việc ra mắt sách của nhà văn Trương Chí Hùng là động lực cho lớp trẻ noi theo và sẽ sản sinh ra những nhà văn, tác giả nổi tiếng, những diễn đàn văn chương cả nước. Thời gian gần đây, An Giang đang dần là một địa chỉ mới gây tò mò thích thú trên bản đồ văn chương, bởi sự xuất hiện các nhà văn trẻ với nhiều tác phẩm xuất sắc với năng lực sáng tạo dồi dào đi vào lòng công chúng.
“Có thể nói việc xuất bản sách đến với tay công chúng trong bối cảnh hiện nay là một việc còn nhiều thách thức. Đây là một việc vô cùng quan trọng, nó sẽ lan tỏa và tạo nên cầu nối quan trọng cho chúng ta tìm đến nhau, tạo nên một ý nghĩa nhân văn tốt đẹp. Đó cũng là ý nghĩa buổi ra mắt sách hôm nay”, nhà văn Chinh nhận định.
Không quên ký tặng sách cho bạn đọc trong buổi ra mắt của nhà văn trẻ - Ảnh: Tô Văn
Họa sĩ Bùi Quang Vinh - Chủ tịch các hội Liên hiệp nghệ thuật tỉnh An Giang, chia sẻ, tuổi trẻ cần mạnh dạn thể nghiệm và dấn thân, như các nhà thám hiểm xông pha đặt chân đến những miền đất lạ. Trong hành trình dấn thân, sẽ dần định hình được cá tính, tạo ra nét riêng và đương nhiên từ đó sẽ chọn cho mình một hướng đi phù hợp.
Khi dò dẫm những bước chập chững vào đường văn, sẽ khó tránh khỏi vấp váp, thậm chí lạc lối. Điều đó cũng chẳng có gì ghê gớm. Đủ bản lĩnh, người viết sẽ mạnh mẽ bước tiếp. “Một điều khiến tôi khá băn khoăn khi dõi theo các cây bút trẻ không riêng về anh Hùng, chính là sự xuất hiện, lóe sáng rồi biến mất một cách đáng tiếc. Nhiều bạn để lại ấn tượng ngay những sáng tác đầu tay nhưng vì nhiều lý do, các bạn chỉ xem văn chương như một cuộc dạo chơi.
Đành rằng, mưu sinh với nghiệp văn thời nào cũng khó. Song, duy trì niềm đam mê văn chương, nhất là viết đều tay, là điều cần thiết. Ngay bản thân tôi là một họa sĩ nhưng yêu văn nên lúc nào tôi vừa vẽ và luôn tranh thủ để viết, để đọc, để đi vào các góc cạnh cuộc sống”, họa sĩ Vinh trải lòng.
Tô Văn