Dần dà, maggi - một nhãn hiệu riêng biệt - đã bị "chung hóa", "Việt hóa" thành từ magi (còn viết là ma-gi, ma di...) và trở thành một thành viên bình đẳng như mọi từ Việt phổ thông khác.

'Magi' trong tiếng Việt: Biến thể ngôn từ và vụ đòi lại thương hiệu của Nestlé

13/02/2018, 06:22

Dần dà, maggi - một nhãn hiệu riêng biệt - đã bị "chung hóa", "Việt hóa" thành từ magi (còn viết là ma-gi, ma di...) và trở thành một thành viên bình đẳng như mọi từ Việt phổ thông khác.

Magi đã từ lâu thành món nước chấm quen thuộc trong bữa ăn của người Việt - Ảnh: Internet

Từ "magi" (còn có dạng khác là maggi) nghĩa là gì? Vấn đề có thể nói là rất đơn giản nếu ta xem 2 cuốn Từ điển tiếng Việt khá thông dụng gần đây (một của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên, NXB Từ điển Bách khoa, 2010); một của Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2017). Nguyên văn mục từ này với lời định nghĩa như sau: "magi, d. nước chấm màu nâu đen, thường làm từ những nguyên liệu có chứa nhiều chất đạm".

Thông tin trong từ điển phổ thông về một mục từ (trong từ điển tường giải cỡ trung bình) như vậy là vừa đủ và chuẩn xác. Nhưng vấn đề lại không đơn giản như vậy.

Số là, ngay từ năm 2000, Nestlé - một công ty thực phẩm và giải khát vào hàng lớn nhất thế giới, có trụ sở chính đặt tại Vevey, Thụy Sĩ - đã có một công văn gửi Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, đề nghị bỏ mục từ magi (như đã dẫn ở trên) trong từ điển tiếng Việt. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được Viện Ngôn ngữ học đáp ứng, với lý do "magi là một từ bình thường trong vốn từ tiếng Việt".

Công ty Nestlé không đồng ý. Đến năm 2012 họ lại có công văn gửi Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, tiếp tục đề nghị không đưa từ magi vào Từ điển tiếng Việt cũng như Từ điển Bách khoa và Bách khoa thư Việt Nam, với lập luận magi là cách viết khác của maggi - một nhãn hiệu hàng hóa độc quyền của Nestlé (đặt theo tên của Julius Michael Johannes Maggi, nhà sáng lập ra nhãn hiệu, người Thụy Sĩ) - đã xuất hiện trên thị trường thế giới và ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam, từ năm 1935. Việc để từ này trong Từ điển tiếng Việt là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng tới thương hiệu của Nestlé (vì nhiều công ty khác có thể lấy nhãn hiệu magi đặt cho sản phẩm của họ).

Vậy nên giải quyết vấn đề này như thế nào dưới góc độ ngôn ngữ học?

Việc sản phẩm maggi biến thành mục từ magi có lịch sử khá đặc biệt. Khi vào thị trường Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20, đa số người Việt Nam nhầm lẫn thứ nước chấm Tây phương này với một thứ nước chấm khác (có nguồn gốc từ Trung Quốc) mà ta quen gọi theo tên Hán Việt là xì dầu (hay nước tương). Thực ra, maggi không chỉ là nhãn hiệu dùng cho nước chấm mà còn ghi trên nhiều sản phẩm khác của Nestlé (viên súp, mì ăn liền, nước xốt, bột gà, hương liệu, gia vị...) nhưng người Việt Nam ta đầu tiên chỉ có cơ hội tiếp xúc với nước chấm maggi. Do đặc trưng (màu sắc, hương vị, cách dùng...) về cơ bản là giống nhau (và cũng do lúc đó còn ít thông tin) nên đa số dân ta nhầm maggi là một loại "xì dầu hạng sang". Maggi được dùng hạn chế, tiết kiệm hơn xì dầu (Xì dầu thoải mái dùng đi/Khi nào khách khứa magi mới xài). Dần dà, maggi - một nhãn hiệu riêng biệt - đã bị "chung hóa", "Việt hóa" thành từ magi (còn viết là ma-gi, ma di...) và trở thành một thành viên bình đẳng như mọi từ Việt toàn dân khác.

Xu hướng chung hóa tên riêng (và nhầm lẫn) trong tiếng Việt không phải là ít. Thí dụ, Honda - một hãng xe hơi, xe gắn máy nổi tiếng, đặt theo tên ông chủ có tên Honda, người Nhật - trước đây có nhiều người nhẫm lẫn đó là từ "chỉ xe gắn máy" (thôi, tiết kiệm ít tiền rồi mua honda mà chạy; nhà này nghèo, chỉ có xe đạp chứ chưa sắm honda...). Hay La Vie (cũng là một sản phẩm nước khoáng từ Nestlé) đã bị nhiều người nhầm dùng là "nước khoáng nói chung" (nhớ lấy cái chai La Vie không mà đựng mật ong (mặc dù vỏ chai đó là của hãng hoàn toàn khác)... Hay các từ riêng khác nữa, ví dụ: Mạnh Thường Quân (một viên quan nước Tề thời Chiến Quốc, có lòng hào hiệp, thương người), sau đã vào tiếng Việt (viết thường là mạnh thường quân) chỉ "người giúp đỡ về mặt tài chính cho một công việc nào đó" ; Đạo Chích (thời Xuân Thu, em Liễu Hạ Huệ, ăn trộm rất giỏi trong cung đình), sau đi vào tiếng Việt chỉ "kẻ cắp, kẻ trộm", v.v..

Trở lại từ maggi. Trong tiếng Việt hiện nay, từ này đã chung hóa cả cách viết (là magi, ma-gi, ma di...), cách đọc (đọc ma di - mazi) chứ không đọc đúng là ma ghi [magi] do thói quen khi viết âm vị [g] không thêm chữ h [gh]), cách dùng (chỉ một loại nước chấm, cùng dòng với xì dầu, chứ không coi đó là một sản phẩm của hãng Nestlé). Các nhà từ điển chỉ căn cứ vào ngữ liệu sử dụng trong giao tiếp mà thống kê chứ không tùy tiện đặt ra theo ý chỉ chủ quan của mình (hoặc của ai đó).

Tuy nhiên, nếu xuất hiện trong từ điển bách khoa, là một loại sách tra cứu theo chủ đề tri thức thì nhà biên soạn có thể đưa thông tin về sự vật (hay hiện tượng) đầy đủ. Lúc đó, maggi sẽ được mô tả về xuất xứ hàng hóa, xuất xứ tên gọi, hiện trạng sự vật và giá trị sử dụng của nó... Tất nhiên, trong Từ điển tiếng Việt mở rộng cấu trúc mục từ, ta có thể thêm thông tin xuất xứ từ nguyên (nguyên ngữ, nguồn gốc ban đầu, các vấn đề liên quan...).

Phạm Văn Tình

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Magi' trong tiếng Việt: Biến thể ngôn từ và vụ đòi lại thương hiệu của Nestlé