Các đại biểu quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về tình trạng người Việt Nam bị lừa “việc nhẹ lương cao”, lao động ở nước ngoài nhưng làm việc trong các sòng bạc lừa đảo, các cơ sở mại dâm…
Theo dòng thời sự

Mắc bẫy 'việc nhẹ lương cao', người Việt bị lừa vào sòng bạc, động mại dâm ở nước ngoài

Lam Thanh 18/03/2024 17:05

Các đại biểu quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về tình trạng người Việt Nam bị lừa “việc nhẹ lương cao”, lao động ở nước ngoài nhưng làm việc trong các sòng bạc lừa đảo, các cơ sở mại dâm…

Chiều 18.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao gồm: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo.

Ngoài ra còn có hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.

Tình trạng công dân Việt bị lừa đảo gia tăng

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho biết hiện nay, việc gia tăng số lượng công dân Việt Nam bị lừa đảo đi làm việc nhẹ lương cao, bị cưỡng bức lao động tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Tình trạng này đã kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp và đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Đại biểu Xuân đề nghị Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết Bộ Ngoại giao đã hoàn thiện quy trình xử lý công tác bảo hộ công dân Việt Nam khi phát sinh những vấn đề mới về sự cố khó khăn của công dân ta nước ngoài như thế nào? Ngoài các giải pháp trong báo cáo của bộ thì cần có những giải pháp mang tính chiến lược như nào để giải quyết căn cơ tình trạng này trong thời gian tới?

son-3.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) chất vấn

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cũng nêu hiện nay có tình trạng người Việt Nam, chủ yếu là giới trẻ đi lao động ở nước ngoài nhưng làm việc trong các sòng bạc lừa đảo, các cơ sở mại dâm. Đại biểu Dung đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết giải pháp để phát hiện, hỗ trợ người dân.

Trả lời câu hỏi chất vấn về vấn đề lừa đảo cưỡng bức lao động, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết đây là tình trạng diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay, là vấn đề phức tạp. Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước.

Theo đó, tới đây, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân; hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.

Bộ trưởng Sơn cũng cho rằng cần chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp có tổ chức, ngăn chặn di cư bất hợp pháp; tiếp tục triển khai các công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ triển khai đưa về nước; hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu công dân là nạn nhân của nạn buôn người, cưỡng bức lao động.

son-1.jpeg
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Về công tác bảo hộ công dân đối với thanh thiếu niên, Bộ trưởng Sơn cũng nhấn mạnh thời gian gần đây có rất nhiều người di cư theo lời dụ dỗ của các nhóm khác nhau với khẩu hiệu "việc nhẹ lương cao".

Bộ trưởng cho biết Bộ Ngoại giao cũng đã phối hợp cơ quan trong nước tổ chức đưa về nước an toàn và phối hợp với các đối tác ngăn chặn những trường hợp di cư bất hợp pháp; tuyên truyền, phổ biến cho các địa phương về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi về các biện pháp đảm bảo an ninh cho công dân ta tại các nước xảy ra xung đột, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho hay khi xung đột xảy ra thì bộ đã phối hợp để triển khai sơ tán ngay công dân về nơi an toàn. Đến nay mọi việc được triển khai tốt. Công tác bảo hộ công dân của ta được tiến hành rất kịp thời.

Trong thời gian tới, bộ sẽ tập trung vào vào công tác dự báo tình hình, dự đoán nguy cơ xung đột giữa các nước hoặc xung đột nội bộ để kịp thời sơ tán công dân; tiếp tục thông tin cảnh báo cho các địa phương; phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam.

Duy trì tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài thế nào?

Trả lời câu hỏi của đại biểu quốc hội về việc truyền bá văn hóa Việt Nam, duy trì phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết đây là một trong những trọng tâm của công tác ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực xây dựng đề án, chiến lược, cụ thể hóa bằng kế hoạch công tác.

Cụ thể, bộ đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức sự kiện ngày Việt Nam, tuần phim, ẩm thực Việt Nam để quảng bá văn hóa Việt Nam.

Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đều có góc trưng bày sản phẩm văn hóa ở trụ sở, đặc biệt là ở phòng tiếp khách, tiếp công dân. Bộ cũng phối hợp thành lập các trung tâm văn hóa Việt Nam, nghiên cứu Việt Nam tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở nước sở tại.

“Về việc duy trì dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài, đây là vấn đề Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT và các trường đại học để triển khai việc hỗ trợ các hội đoàn người Việt xây dựng các trường, lớp tiếng Việt, qua đó duy trì, phát huy được giá trị văn hóa Việt Nam”, ông Sơn nêu.

son-2.jpeg
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết vẫn duy trì dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài

Theo Bộ trưởng Sơn, các cơ quan đã xây dựng giáo trình dạy tiếng Việt dành riêng cho đối tượng người Việt tại nước ngoài, cung cấp sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy cho các cơ sở giáo dục, đào tạo về tiếng Việt. Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ hơn 70.000 cuốn các loại sách giáo khoa tiếng Việt, nhiều văn hóa phẩm tiếng Việt đi kèm để hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài.

Trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các hội đoàn người Việt ở nước ngoài thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức dạy tiếng Việt; vận động chính quyền các nước hỗ trợ các cơ sở giảng dạy tiếng Việt của kiều bào ta; đưa tiếng Việt vào hệ thống giáo dục sở tại phù hợp với cấp học, hỗ trợ xây dựng các cơ sở vật chất, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao với Bộ GD-ĐT trong việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mắc bẫy 'việc nhẹ lương cao', người Việt bị lừa vào sòng bạc, động mại dâm ở nước ngoài