Một số người đi qua cây còng này thì phát hiện từ trên cây có nước rơi xuống như sương, đến sáng quanh gốc cây đất ẩm ướt, như cây biết tự phun nước.

Lý giải chuyện cây còng quái dị, biết 'phun nước' vào ban đêm

Hồ Hùng | 10/04/2018, 10:44

Một số người đi qua cây còng này thì phát hiện từ trên cây có nước rơi xuống như sương, đến sáng quanh gốc cây đất ẩm ướt, như cây biết tự phun nước.

Cây còng biết… tự phun nước?

Sự việc diễn ra khoảng 1 tuần nay, tại khóm 3 (TT.Lai Vung, H.Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Hàng ngày, từ khoảng 18 giờ trở đi,có hàng trăm người hiếu kỳ từ khắp nơi đổ về, tụ tập xem cây còng có tuổi thọ khoảng 30 năm, cao khoảng gần 10 m, do người dân địa phương trồng cạnh bờ sông, đangra hoa.

Anh Nguyễn Quốc Cường (33 tuổi), nhà đối diện với cây còng kể, ban đầu một số người dân đi đường chạy xe máy ngang qua tán cây còng vào lúc chiều tối thì phát hiện có nước rơi trên đầu họ. Phát hiện có nước rơi trên đầu, những người này nghĩ do các hộ dân gần đó phun sương bằng hệ thống tự động quên tắt nên họ dừng lại thông báo.

Người dân đến xem cây còng “phun nước” vào ban đêm - Ảnh: Thanh Vinh

“Nhưng xem lại, xung quanh cây còng không ai dùng hệ thống phun sương. Mọi người ra kiểm tra kỹ thì phát hiện hiện tượng lạ. Ban đêm, nước rơi từ cây còng xuống đất giống như mưa phùn! Từ đó, người dân bắt đầu đồn thổi và lượng người hiếu kỳ kéo đến xem cây còng phun nước ngày một đông hơn”, anh Cường nói.

Nhiều người còn mê tín dị đoan, đem xô, ca… hứng nước từ cây rơi xuống, mang về nhà uống chữa bệnh, hoặc để trước mặt khấn vái xin số cầu may. Nhiều người còn sử dụng điện thoại chụp hình, quay clip cảnh người dân đến xem, đăng tải, chia sẻ lên mạng xã hội, và thu hút rất nhiều người quan tâm, khiến cây còng càng trở nên nổi tiếng.

Cây còng khoảng 30 năm tuổi - Ảnh: Thanh Vinh

Ông Nguyễn Tấn Hùng (ngụ khóm 3) cho biết: “Cây còng có khả năng phun nước này đã trên 30 năm tuổi”. Ấy vậy mà cây còng này chỉ là cây con. Bởi sau khi cưa cây mẹ để lấy gỗ thì cây còng “phun nước” mới được mọc lên từ chồi nhánh và phát triển cho đến nay, và đây là hiện tượng hiếm gặp.

Bà Nguyễn Thị Huệ (55 tuổi, ngụ xã Long Thắng, huyện Lai Vung) cũng cho biết, nhà bà cách nơi cây còng khoảng hơn 10 km. Do tính hiếu kỳ, bà nhờ người thân chở đến tận nơi để được tận mắt chứng kiến xem cây còng phun nước mà bà chưa một lần trông thấy.

“Mấy ngày qua, đi đâu tôi cũng nghe người ta đồn về hiện tượng lạ là cây còng biết phun nước nên đến xem thử. Khi đến nơi, tôi thấy việc cây còng có khả năng phun nước là có thật nhưng không rõ đấy là hiện tượng gì”, người phụ nữ này nói.

Lý giải chuyện cây còng biết phun nước

Theo ông Nguyễn Phước Hùng, Chủ tịch UBND TT.Lai Vung, hiện tượng cây còng tại khu vực khóm 3 phun nước xuất hiện hơn tuần nay. Tuy nhiên, vì là tin đồn nên mỗi đêm có hàng trăm người dân hiếu kỳ đến xem, làm mất an ninh trật tự.

Chính quyền địa phương đãtham mưu cho huyện, tỉnh Đồng Tháp tìm hiểu kiểm tra và sớm có kết luận về hiện tượng này. Đồng thời bố trí lực lượng công an luôn túc trực tại hiện trường điều tiết giao thông và giữ gìn an ninh trật tự, tránh trường hợp các đối tượng từ nơi khác đến hoạt động trộm cắp…

Thực hư chuyện cây còng biết phun nước? GS.TS Lê Văn Hòa - Trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (chuyên ngành Sinh lý thực vật), Trường Đại học Cần Thơ đã cùng đoàn công tác thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp có mặt tại hiện trường, nơi cây còng có khả năng “phun nước” để ghi nhận thực tế.

1 cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, tạm thời lý giải, cây còng đang ra hoa, cây hấp thu nhiều nước để nuôi hoa. Ban đêm nhiệt độ xuống thấp nên có hiện tượng ngưng tụ nước trên lá cây, nước rơi xuống khiến người dân nghĩ cây “phun nước”. Khi hoa trên cây còng rụng hết sẽ hết hiện tượng này.

GS.TS Lê Văn Hòa khẳng định, cây còng phun nước là hiện trường bình thường - Ảnh: Thanh Vinh

GS.TS Lê Văn Hòa cho biết, qua quan sát thực tế thì đây là hiện tượng bình thường. “Hiện tượng này có thể xảy ra vào ban ngày nhưng chúng ta không nhận thấy bởi vào ban ngày, nhiệt độ tăng cao nên hơinước bốc thoát. Còn ban đêm, nhiệt độ xuống thấp làm cho hơi nước đọng lại và rơi xuống làm cho bà con trông thấy hiện tượng giống như mưa.

Cây còng trổ bông đòi hỏi nhu cầu nước cung cấp cho bông cao hơn bình thường nên lượng nước tỏa đi nhiều so với các cây khác. Khi đêm về nhiệt độ xuống thấp, dẫn đến việc cây hút nước không bốc thoát ra bên ngoài mà đọng lại, đây gọi là hiện tượng ứ giọt.

Cây hút nước từ rễ và bốc thoát, còn trong trường hợp này, cây không bốc thoát được nên xảy ra hiện tượng nêu trên. Đây chỉ là hiện tượng bình thường nên giải thích cho bà con hiểu, chứ không phải là chuyện lạ”, GS.TS Lê Văn Hòa khẳng định.

Lãnh đạo UBND TT.Lai Vung cũng khuyến cáo, việc cây còng phun nước vào ban đêm đã được lý giải và kết luận là hiện tượng bình thường. Người dân không nên đồn thổi quá mức, gây ra hiện tượng mê tín dị đoan. Ngành chức năng cũng yêu cầu người dân không nên tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự và trở lại sinh hoạt bình thường.

Thanh Vinh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý giải chuyện cây còng quái dị, biết 'phun nước' vào ban đêm