Ngô Xuân Quang, sinh viên năm 3, Trường ĐH Tổng hợp Kĩ thuật Quốc gia Astrakhan chia sẻ những kỷ niệm của mình với Một Thế Giới về quãng thời gian du học tại Nga .
Ngôn ngữ chính là “thách thức” đầu tiên
Đi rất nhiều thành phố của Nga, mỗi nơi để lại trong lòng tôi một dư âm riêng. Từ những cánh rừng bạch dương trắng muốt của Volgagrad, cánh đồng hoa hướng dương bất tận ở Elista đến những khu nhà phủ đầy tuyết trắng ở Moscow… Đẹp đến lạ kỳ! Nhưng vẻ đẹp của người con gái Nga vẫn làm tôi ấn tượng nhất.
Mặc dù vốn tiếng Anh của tôi ở nhà cũng khá nhưng sang đây hầu như không “ứng dụng” được gì, người Nga lòng tự tôn dân tộc của họ rất cao nên họ chỉ muốn mình nói tiếng Nga.
Tiếng Nga là tiếng phát âm từ cổ họng còn tiếng Việt thì từ lưỡi nhiều hơn nên việc chuyển qua nói tiếng Nga phải tập mất mấy tháng mới có thể nói tạm được. Sau này thì vốn từ của tôi có khá hơn, tôi chủ động nói chuyện với các bạn Nga, từ đó những lỗi sai của tôi được khắc phục dần. Đặc biệt, tôi có một đứa bạn Nga chơi cũng khá thân, bạn ấy giúp tôi về tiếng Nga rất nhiều.
Ngày trước tôi học ở Học viện Kĩ thuật Quân sự (tại Việt Nam), mọi thứ đều được quân đội chu cấp từ A tới Z, từ bộ quần áo tới bữa cơm, cây kim, sợi chỉ… nhưng khi sang đây mọi thứ tôi đều phải tự lo, tự nấu cơm, tự học cách quản lí bản thân, tắm rửa phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ,… giống như Việt Nam thời bao cấp (tôi nghe ba mẹ kể và đọc trên sách báo). Lúc mới sang nhận được một cục tiền, cả đám mừng lắm rủ nhau mua sắm này nọ, đến cuối kì thì mới biết quý từng đồng xu một.
Khác biệt về văn hóa, ẩm thực cũng là một vấn đề lớn
Ở trong trường, có những bạn nước khác theo đạo hồi, hằng ngày tầm 4 giờ là trải thảm ra và cầu nguyện, mà cầu nguyện thì cầu cả buổi, mình đi học về mệt chỉ muốn ngủ.
Có những món ở Việt Nam thì rất đỗi bình thường nhưng sang đây lại trở thành đặc sản, nấu giả cầy thì phải lựa lúc không có ai mà nấu, các bạn Nga không chịu được mùi mắm tôm của Việt Nam. Nấu lúc đông người sẽ trở thành “ngôi sao sáng” của trường ngay.
Còn về sinh hoạt, những ngày lễ thì tụi tôi tụ tập lại ăn uống, thắt chặt đoàn kết hơn nữa giữa sinh viên Việt và các bạn sinh viên đến từ các nước khác. Nói chung để quên đi nỗi nhớ khi xa nhà, sinh viên tụi tôi hay tham gia vào các hoạt động do Đoàn tổ chức, rồi tham gia các hội từ thiện, hội âm nhạc bên nước bạn.
Nước Nga đang trong quá trình chuyển mình giữa thời Xô Viết và một nước Nga hiện đại, thế nên khi nói chuyện với nhiều tầng lớp sẽ có nhiều khác biệt.
Khi nói chuyện với những người trên 40 tuổi, nhất là các cụ già, chỉ cần nói tôi là sinh viên Việt Nam thì họ sẽ nở một nụ cười và hỏi lại tôi có phải đến từ Hà Nội hay Sài Gòn không?
Họ rất thích nói về tình hữu nghị của Liên Xô và Việt Nam trong chiến tranh và truyền thống hiếu học của người Việt. Nhưng khi nói chuyện với các bạn sinh viên, cũng câu trả lời đó sẽ nhận được câu hỏi lại là Việt Nam nằm ở đâu- châu lục nào? Lúc đó mình chỉ biết cười trừ và giải thích cho các bạn ấy biết về quê hương mình.
Thích cảnh sắc, con người Nga – nhất là con gái Nga
Nước Nga thật rộng lớn, mỗi nơi lại có một cảnh khác nhau. Mình đã đi rất nhiều thành phố của Nga nhưng mỗi nơi để lại trong lòng một dư âm riêng, từ những cánh rừng bạch dương trắng muốt của Volgagrad, cánh đồng hoa hướng dương bất tận ở Elista đến những khu nhà phủ đầy tuyết trắng ở Moscow. Đẹp đến lạ kỳ.
Câu hỏi nhiều nhất của mấy cậu bạn ở nhà hay hỏi tôi: con gái Nga ở đó thế nào. Tôi trả lời ngay: rất đẹp. Nước Nga xếp thứ tư trên thế giới về vẻ đẹp của con gái mà.
Ngô Xuân Quang (Trường ĐH Tổng hợp Kĩ thuật Quốc gia Astrakhan)