Đại diện Bộ Công Thương nhận định trong dịp Tết Kỷ Hợi này, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý. Đáng chú ý, lượng hàng Việt bán ra trong dịp Tết tăng kỷ lục.

Lượng hàng Việt bán ra trong dịp Tết Kỷ Hợi tăng kỷ lục

tuyetnhung | 04/02/2019, 06:24

Đại diện Bộ Công Thương nhận định trong dịp Tết Kỷ Hợi này, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý. Đáng chú ý, lượng hàng Việt bán ra trong dịp Tết tăng kỷ lục.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tháng 1.2019 diễn ra sôi động do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao trong tháng giáp Tết Nguyên đán.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1.2019 đạt 402,2 nghìn tỉ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 305,4 nghìn tỉ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 49,5 nghìn tỉ đồng, tăng 11,5%; doanh thu du lịch ước đạt 4,32 nghìn tỉ đồng, tăng 7,9%; doanh thu dịch vụ ước đạt 43,03 nghìn tỉ đồng, tăng 7,4%.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định thị trường trước Tết Nguyên đán năm nay không có biến động lớn bởi hàng hóa phục vụ Tết được chuẩn bị khá chu đáo và sớm. Nguồn cung hàng thực phẩm dồi dào, đa dạng nên đã giữ giá hàng hóa thực phẩm trong tháng tương đối ổn định.

"Đáng lưu ý, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Lượng hàng Việt bán ra trong dịp Tết tăng kỷ lục", bà Nga cho biết.

Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước, trong dịp Tết Kỷ Hợi, sức mua trên thị trường sẽ tăng khá. Dự kiến sức mua sẽ tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường trong năm.

Theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20-25% so với các tháng thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm trước.

Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Năm nay, các doanh nghiệp tiếp tục chú trọng cải thiện mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm hàng hóa phục vụ Tết.

Hàng Việt Nam, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong hàng hóa phục vụ Tết và chiếm 100% trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tại các địa phương.

"Hàng hóa phục vụ Tết sẽ đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người dân Việt Nam, dịp Tết Nguyên đán sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường", Vụ thị trường trong nước khẳng định.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lượng hàng Việt bán ra trong dịp Tết Kỷ Hợi tăng kỷ lục