Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Quy hoạch có thể khắc phục tình trạng xin-cho, tùy tiện trong việc điều chỉnh các quy hoạch khi chúng ta bãi bỏ một số quy hoạch ngành, bảo đảm quyền tự do của người dân và doanh nghiệp được kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Luật Quy hoạch có khắc phục được tình trạng xin – cho?

Trí Lâm | 26/05/2017, 18:14

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Quy hoạch có thể khắc phục tình trạng xin-cho, tùy tiện trong việc điều chỉnh các quy hoạch khi chúng ta bãi bỏ một số quy hoạch ngành, bảo đảm quyền tự do của người dân và doanh nghiệp được kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Siết chặt hơn việc điều chỉnh quy hoạch

Sáng 26.5, các đại biểu quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch. Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết có một số ý kiến cho rằng cần quy định thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch là cấp cao hơn, có ý kiến đề nghị quy định rõ thời gian bao nhiêu năm mới được điều chỉnh quy hoạch…

UBTV Quốc hội cho biết, dự thảo luật đã quy định quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia sẽ do Quốc hội quyết định. Do vậy, không thể quy định thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch cao hơn một cấp. Việc điều chỉnh các quy hoạch này cũng không nên giao Ủy ban thường vụ Quốc hội để phù hợp với thẩm quyền theo quy định.

Ngoài ra, theo ông Thanh, dự thảo Luật đã được bổ sung, chỉnh lý về nguyên tắc điều chỉnh tại Điều 50 và quy định về các căn cứ để điều chỉnh và trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch ở Điều 52 và Điều 53, sẽ tránh được việc điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện. Tuy nhiên, quy hoạch cũng phải đảm bảo tính linh hoạt để đáp ứng được những thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin Quốc hội không quy định cụ thể thời hạn điều chỉnh quy hoạch.

Ông Thanh cũng cho biết, để tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành về đầu mối chịu trách nhiệm, dự thảo Luật quy định nguyên tắc chung cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì sẽ có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch. Hơn nữa, rất khó định nghĩa điều chỉnh nào mang tính kỹ thuật, điều chỉnh nào có tính chất quan trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Quy hoạch - ảnh Văn phòng Quốc hội

Ngoài ra, đối với ý kiến cho rằng không cần thiết lập quy hoạch tổng thể quốc gia vì đã có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Công cụ để hoạch định phát triển ở Việt Nam bao gồm: Chiến lược - Quy hoạch - Kế hoạch. Quy hoạch giữ vai trò kết nối giữa chiến lược và kế hoạch, đồng thời để cụ thể hóa mục tiêu, định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Sự khác biệt của quy hoạch so với chiến lược và kế hoạch chính là tổ chức không gian phát triển trên lãnh thổ quốc gia.

Tuy nhiên, ở Việt Nam đã có chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia nhưng không có quy hoạch tổng thể quốc gia đã dẫn tới việc hoạch định phát triển không có sự cân đối chung, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Đây là nguyên nhân chính làm lãng phí hoặc phân tán nguồn lực, giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Do vậy, theo ông Thanh, cần có quy hoạch tổng thể quốc gia để tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bổ nguồn lực, lựa chọn dự án, chương trình ưu tiên đầu tư, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Thanh cũng cho biết, đối với các sản phẩm có gắn với việc sử dụng nguồn tài nguyên sẽ không lập quy hoạch sản phẩm mà chỉ lập quy hoạch sử dụng nguồn tài nguyên (ví dụ đối với sản phẩm xi măng sẽ không lập quy hoạch sản phẩm xi măng, chỉ lập quy hoạch nguồn tài nguyên đá vôi).

Đối với các sản phẩm cụ thể, việc quản lý đối với những ngành sản phẩm trong thời gian tới sẽ không bằng quy hoạch nữa mà theo hướng sử dụng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đặc biệt là nhiệm vụ cung cấp thông tin, tín hiệu, xu hướng thị trường… Các nội dung này sẽ do các ngành tự xác định căn cứ vào nhu cầu quản lý của mình và sẽ được bổ sung trong quá trình sửa đổi các quy định hiện hành về quy hoạch.

Chú trọng quy hoạch biển, chống lợi ích nhóm trong quy hoạch

Phát biểu tại phiên thảo luận, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) cho biết chưa thấy cơ quan nào chịu trách nhiệm quy hoạch không gian biển. Trong giải trình của UBTV Quốc hội, không gian biển là không gian mở, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là an ninh, quốc phòng. Nhưng ở điều 24 có 3 khoản thì nội hàm về lĩnh vực quốc phòng an ninh chưa cụ thể. Ở khoản 2 điểm b chỉ mới đề cập rất chung chung. Lĩnh vực cần bảo vệ đặc biệt cho quốc phòng, an ninh là chưa thỏa đáng.

Theo ông Hội, từ xưa đến nay, dân tộc ta đã đương đầu với các nhiều ngoại xâm từ phía biển. Trong điều kiện khoa học - kỹ thuật phát triển, phương tiện quân sự, vũ khí tác chiến trên biển ngày càng hiện đại, đa dạng. Do vậy, công tác quy hoạch không gian biển, nhất là các khu vực trọng yếu về an ninh – quốc phòng phải là nhiệm vụ trọng tâm.

Thiếu tướng Hội đề nghị tại dự luật này nên có một điều hoặc khoản trong quy hoạch không gian biển có nội dung kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng an ninh và tại điều 64 có một khoản về cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì quy hoạch không gian biển.

Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội góp ý về Luật Quý hoạch - ảnh Văn phòng Quốc hội

Một số đại biểu cũng đề cập tới quy trình thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn rườm rà, dễ dẫn tới xin - cho, phân tán trách nhiệm và cần nâng cao hơn nữa tính minh bạch, chống lợi ích nhóm trong việc quy hoạch.

Phát biểu tại phiên thảo luận, thay mặt cơ quan soạn thảo Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ban hành Luật Quy hoạch là dịp để sửa đổi, bổ sung hoặc xoá bỏ những cơ chế, chính sách, quy định trong quy hoạch không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Qua đó góp phần cải cách về thể chế để tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch.

Bộ trưởng Dũng phân tích thêm. hiện chúng ta có đến 95 luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch với khoảng 19.250 quy hoạch đang thực hiện. Luật này còn góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước về quy hoạch bởi trước đây Việt Nam thiên về quản lý, bây giờ vừa bảo đảm quản lý nhưng vừa thực hiện kiến tạo và phát triển.

Vị này cũng cho rằng, việc ban hành Luật Quy hoạch sẽ tăng cường tính liên kết, phát triển vùng, địa phương và từng ngành. Đặc biệt, việc mạnh dạn đổi mới phương thức lập quy hoạch theo hướng bảo đảm nhất quán sẽ khắc phục tình trạng chia cắt, cục bộ giữa các ngành, các địa phương, vùng miền trong cả nước, tránh được xung đột về lợi ích, mâu thuẫn, chồng chéo, chậm phát triển.

Bộ trưởng cho hay, việc thiết lập được cơ chế cung cấp thông tin về quy hoạch, bảo đảm công khai minh bạch trong tiếp cận thông tin, cũng là để giám sát trong quá trình thực hiện quy hoạch. Qua đó, khắc phục tình trạng xin-cho, tuỳ tiện trong việc điều chỉnh các quy hoạch khi chúng ta bãi bỏ một số quy hoạch ngành, bảo đảm quyền tự do của người dân và doanh nghiệp được kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật Quy hoạch có khắc phục được tình trạng xin – cho?