Do ảnh hưởng của bão số 4 và hoàn lưu sau bão, tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh có mưa lớn diện rộng từ tối 18 đến sáng nay (20.9). Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã triển khai công tác di dời dân ở những khu vực nguy hiểm; cho học sinh nghỉ học để tránh mưa lũ.
Theo dòng thời sự

Lũ trên sông ở Quảng Bình, Hà Tĩnh đang lên, nhiều thôn bản bị cô lập

Quang Cường - Hà Bình 20/09/2024 10:44

Do ảnh hưởng của bão số 4 và hoàn lưu sau bão, tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh có mưa lớn diện rộng từ tối 18 đến sáng nay (20.9). Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã triển khai công tác di dời dân ở những khu vực nguy hiểm; cho học sinh nghỉ học để tránh mưa lũ.

Lũ trên sông ở Quảng Bình, Hà Tĩnh đang lên

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay lũ trên sông Gianh (Quảng Bình) đang lên nhanh và ở mức dưới báo động (BĐ)2 đến trên BĐ2. Sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) đang lên và còn dưới mức BĐ1.

Mực nước lúc 7 giờ ngày 20.9 trên sông Gianh tại trạm Đồng Tâm 14,74m, dưới BĐ3 1,26m; trạm Mai Hóa 4,61m, dưới BĐ2 0,39m.

Dự báo trong 12 giờ tới lũ trên sông Gianh tiếp tục lên và đạt đỉnh ở trên mức BĐ2, sau đó xuống. Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Gianh xuống dần.

Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo từ hôm nay (20.9) đến 21.9, lũ trên các sông ở Hà Tĩnh tiếp tục lên. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ sông Ngàn Sâu lên mức BĐ1-BĐ2, sông Ngàn Phố lên mức BĐ2-BĐ3; hạ lưu sông La (Hà Tĩnh) khả năng lên mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất tại khu vực vùng núi, sạt lở bờ sông, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị ở tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: cấp 1 - 2.

Lũ trên sông gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội.

z5845591560574_8c1ce0e74e01e6094cfb3e4d28be0cd3.jpg
Nhiều ngầm tràn ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình) bị nước lũ dâng lên gây chia cắt một số thôn bản

Nhiều thôn bản ở Quảng Bình bị cô lập, di dời hàng trăm hộ dân

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều tối 19.9 đến sáng 20.9, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa lớn diện rộng. Một số khu vực ngầm tràn (đoạn đường qua suối được thiết kế thấp để nước tự tràn qua khi lũ dâng) bị ngập sâu chia cắt nhiều thôn bản.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Bình, tính đến sáng nay (20.9), trên toàn tỉnh đã tổ chức di dời khẩn cấp 874 hộ với 3.059 người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn. Trong đó, chủ yếu tập trung tại hai huyện Minh Hóa (626 hộ/2.168 người dân) và huyện Lệ Thuỷ (153 hộ/607 người).

Tại huyện Bố Trạch, có nhiều điểm ngập ở các ngầm tràn từ 0,5 - 5m khiến người và phương tiện không qua lại được. Cụ thể, tại xã Hưng Trạch, khu vực ngầm Cầu Bùng nước chảy tràn và ngập sâu 3m. Tại xã Thượng Trạch, ngầm Cà Roòng ngập sâu 0,8m nước chảy xiết. Tại xã Xuân Trạch, ngầm Vĩnh Thủy ngập sâu 0,5m nước chảy xiết.

Tại xã Phúc Trạch ngầm Bến Troóc ngập sâu 5m nước chảy xiết. Một số tuyến đường liên thôn, xã đi qua thôn Phú Hữu, Phú Kinh xã Liên Trạch bị ngập, có đoạn ngập sâu 1,2m.

z5845591242861_031c6f545f33673bb7c44584ecaf3a8c.jpg
Bộ đội biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn người dân huyện Minh Hóa (Quảng Bình) phòng tránh mưa lũ

Tại huyện Minh Hóa, ngầm K-Ai thuộc xã Dân Hóa nước dâng cao khoảng một mét khiến người và phương tiện không qua lại được. Các ngầm Cu Pi, ngầm Tà Cổ thuộc xã Trọng Hoá nước dâng cao khoảng 0,5 - 0,7m, người và phương tiện không qua lại được.

Khu vực cầu Cây Bươu và ngầm cầu tràn bản Lương Năng thuộc xã Hoá Sơn nước ngập sâu khoảng 0,6m. Ngầm qua bản Cà Roòng 1 và bản Khe Rung thuộc xã Thượng Hóa nước ngập sâu từ 0,8 - 1m khiến người và phương tiện không qua lại được.

Khu vực cầu tràn Bản Chuối, xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hoá) ngập sâu 2m làm chia cắt 18 hộ với 90 người dân.

Một số ngầm tràn trên các tuyến đường vào bản Bạch Đàn, Tân Ly, Xà Khía thuộc xã Lâm Thủy; bản Khe Giữa, Cụm Còi bản Còi Đá, xã Ngân Thủy; bản An Bai, Hà Lẹc, xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) bị ngập sâu khoảng 1m.

thuy-dien-xa-lu.jpg
Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ - Ảnh tư liệu

2 nhà máy thủy điện ở Hà Tĩnh điều tiết xả tràn

Do ảnh hưởng của bão số 4 và hoàn lưu sau bão, Hà Tĩnh tiếp tục có mưa lớn diện rộng.

Tổng lượng mưa tính từ 7 giờ ngày 17.9 đến 7 giờ ngày 20.9 đo được tại các trạm thủy văn phổ biến từ 128 - 378mm, trong đó một số vùng có lượng mưa lớn như: Hòa Duyệt 285,3mm; Sơn Kim 285,5mm; TP.Hà Tĩnh 300mm; Hương Khê 319,4mm; Hương Trạch 377,4mm.

Tính đến 7 giờ ngày 20.9, mực nước hồ Ngàn Trươi (huyện Vũ Quang) cao trình 33,84/52m, dung tích 210,85/775,7 triệu mét khôi, đạt 27,18% dung tích thiết kế; hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên) cao trình 20,52/32,5m, dung tích 84,28/345 triệu mét khối, đạt 29,076% dung tích thiết kế; hồ Sông Rác (huyện Kỳ Anh) cao trình 15,4/23,2m, dung tích 33,32/124,5 triệu m3, đạt 26,76% dung tích thiết kế.

Thủy điện Hố Hô (hạ du thuộc huyện Hương Khê) bắt đầu vận hành xả tràn lúc 17 giờ ngày 19.9 với lưu lượng xả tràn 78m3/giây, sau đó tăng lên 465m3/giây và 581m3/giây lúc 22 giờ ngày 19.9.

Lúc 7 giờ ngày 20.9, Nhà máy Thủy điện Hố Hô đang điều tiết nước qua tràn với lưu lượng 804m3/giây. Đến 9 giờ ngày 20.9, lưu lượng nước điều tiết qua tràn ở thủy điện Hố Hô giảm xuống 443m3/giây.

Từ 13 giờ 30 phút ngày 20.9, Nhà máy Thủy điện Hương Sơn (huyện Hương Sơn) sẽ xả tràn điều tiết qua các cửa van đập tràn với lưu lượng từ 15,4 - 92m3/giây; lưu lượng nước qua tổ máy phát điện 8,7m3/giây.

Đơn vị quản lý đang theo dõi sát tình hình lưu lượng nước đổ về hồ để chủ động triển khai các phương án vận hành an toàn phù hợp tùy tình hình thực tiễn cụ thể.

460711294_1187554499494039_5139229663293482195_n.jpg
Nước lũ trên sông Ngàn Phố (huyện Hương Sơn) đang cao - Ảnh: Công an Hà Tĩnh

Chủ động cho học sinh nghỉ học để tránh mưa lũ

Lũ từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Ngàn Phố (huyện Hương Sơn) dâng cao, chỉ cách mép cầu tràn Phố Giang (nối xã Sơn Giang và thị trấn Phố Châu) khoảng 1 - 1,5m. Một số xã như Sơn Hồng, Sơn Lĩnh bắt đầu bị ngập cục bộ.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, UBND huyện Hương Sơn chỉ đạo các đơn vị chức năng, Ban phòng chống thiên tai bám địa bàn, trực tiếp kiểm tra, nắm tình hình, triển khai công tác ứng phó với thiên tai.

Các địa phương chủ động phương châm "4 tại chỗ", kịp thời ứng phó mưa lũ, đặc biệt là kiểm tra các cầu, cống, tràn, các điểm ngập lũ, hồ đập nước dâng cao..., tổ chức cắm biển cảnh báo, làm rào chắn ngăn người qua lại.

UBND huyện Hương Sơn cũng chỉ đạo các địa phương tuyên tuyền, kiểm tra, nhắc nhở, cảnh báo người dân tuyệt đối không qua lại các tuyến đường bị ngập nước; không đánh bắt cá khu vực nước ngập sâu, không vớt củi trên các sông suối, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng.

460490472_1187525099496979_8550414293701057624_n.jpg
Một số tuyến đường dân sinh ở huyện Hương Sơn bị nước lũ chia cắt

Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cũng chỉ đạo Phòng GD-ĐT kiểm tra, nắm tình hình, xem xét quyết định cho học sinh trên địa bàn nghỉ học sớm ở các khu vực có nguy cơ ngập lũ, lũ quét.

Trong sáng nay (20.9), các trường mầm non xã Sơn Lĩnh, Sơn Kim 2; tiểu học Sơn Kim 2 đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Hình ảnh về mưa lũ do ảnh hưởng bão số 4 tại Hà Tĩnh từ ngày 19 - 20.9 - Nguồn video: Công an Hà Tĩnh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lũ trên sông ở Quảng Bình, Hà Tĩnh đang lên, nhiều thôn bản bị cô lập