Quả là không còn gì để nói về sự táng tận lương tâm của những người có “sáng kiến giết người” trộn lõi pin vào cà phê như vụ việc được phát hiện vừa qua. Những nhà đạo đức, những người làm luật hay những nhà tội phạm học chắc cũng phải đau đầu nhức óc để tìm ra căn nguyên của sự xuống cấp đến tận đáy lương tri của không ít những con người thời nay...
Bởi nếu chỉ tính đến khoảng ba tấn cà phê trộn lõi pin mà các chủ cơ sở bất nhân đó khai báo là đã bán ra thị trường thì quy ra cũng khoảng hàng trăm ngàn, hàng triệu ly “cà phê pin” đã được người tiêu dùng “thưởng thức”. Nhưng đó cũng chỉ mới là lời khai ban đầu của những người bị phát hiện chứ trong kho của họ còn chứa đến trên 20 tấn “nguyên liệu” và “thành phẩm” chưa được chế biến, tiêu thụ. Và cơ sở này đã tồn tại từ năm 2016.
Những người chế biến này có biết sự độc hại của việc làm của họ không? Chắc chắn là biết. Nhưng vì sao họ lại làm? Chắc chắn là vì lòng tham.
Đó là chỉ một trong những trường hợp người lao động bình thường biết trước tác hại của việc mình làm nhưng vẫn “thủ ác”. Một trường hợp chấn động gần đây là đường dây tổ chức, bảo kê đánh bạc qua mạng của một số doanh nhân, trí thức câu kết với một số tướng tá công an. Theo “thống kê sơ bộ”, đường dây này có khoảng trên 40 triệu tài khoản đánh bạc với khoảng 14 triệu người tham gia, số tiền đánh bạc lên đến hàng ngàn tỉ. Tính trung bình thì cứ khoảng sáu người Việt thì có một người là con bạc của đường dây này và hệ quả có lẽ là không biết bao nhiêu gia đình tán gia bại sản, không biết bao nhiêu tệ nạn xã hội phát sinh từ đây.
Những người ở độ tuổi trung niên hiện giờ hẳn sẽ còn nhớ như in câu chuyện cổ tích “Chiếc cân thủy ngân” được học trong sách giáo khoa. Chuyện về hai vợ chồng có “sáng kiến kỹ thuật” chế một chiếc cân rỗng ruột có chứa thủy ngân để cân gian và bị trời phật bắt phạt bắt mất hai đứa con, sau đó ăn năn hối hận. Một câu chuyện răn đe vô cùng hiệu quả đối với những ai có ý định gian dối trong mua bán, kinh doanh.
Vào cái thời mà nước ta chưa có lực lượng cảnh sát môi trường và những pháp luật liên quan đến hành vi tội ác trong kinh doanh sản xuất, cái thời mà chúng ta chưa có lực lượng phòng chống tội phạm trên mạng thì tôn giáo và các bài học luân lý như câu chuyện cổ tích trên chính là một loại “pháp luật” bên trong con người để kiềm hãm lòng tham và điều ác trong xã hội. Ngày nay dường như đối với nhiều người, loại pháp luật đó có vẻ đã quá lạc hậu, cổ lỗ và chỉ có pháp luật “bên ngoài” may ra mới khiến họ e sợ, chùng tay.
Xã hội tiến bộ chăng khi mà người ta có thể ung dung bán thuốc giả, bán bột than cho những người bị bệnh ung thư? Phát triển gì khi mà con người ăn bữa cơm, uống ly nước đều lo lắng sợ hãi nghi ngại rằng mình có bị “đầu độc” hay không? Văn minh gì khi mà luật pháp luôn cứ phải “bở hơi tai”, phải loay hoay để đối phó với những “sáng kiến tội ác” mới, đối phó với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, ngày càng dã man tàn độc hơn.
Phải chăng cái ác của con người giờ đây đã đạt đến mức như nhà thơ Goerge Granville đã viết:
Mỗi thời đại, khéo nghĩ ra những tội ác mới
Tìm cách thế chỗ những thời đại trước
Nhưng hôm nay
Chúng ta đã quá hoàn thiện tất cả những gì xấu xa
Đến nỗi con cháu chúng ta không còn có thể thêm gì được nữa...
Đoàn Đạt