Xã hội Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng trì níu quá khứ, từ những chiếc loa phường cổ lỗ sĩ cho đến thói quen can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp vốn có từ thời bao cấp như áp giá sàn vé máy bay.

Loa phường và giá sàn vé máy bay

05/04/2017, 11:20

Xã hội Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng trì níu quá khứ, từ những chiếc loa phường cổ lỗ sĩ cho đến thói quen can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp vốn có từ thời bao cấp như áp giá sàn vé máy bay.

Những ngày cuối cùng của tháng Ba và bắt đầu của tháng Tư có lẽ không phải là khoảng thời gian đem đến nhiều niềm vui cho những người có thói quen theo dõi tin tức trên báo chí hay mạng xã hội.

Từ những chuyện có vẻ khá xa vời như tăng trưởng GDP của nền kinh tế trong quý I/2017 thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, cho đến những chuyện sát sườn đến đời sống của mỗi người như việc Hà Nội quyết định giữ lại hệ thống loa phường sau khoảng thời gian không nhỏ lấy ý kiến góp ý; hay như chuyện một hãng hàng không giá rẻ lại đột nhiên đưa ra đề xuất có phần kỳ lạ trái với chuyên môn của mình là áp giá sàn cho vé máy bay, khiến không ít người lo ngay ngáy về chuyện tăng chi phí cho chuyến công tác hay du lịch sắp tới.

Tất cả những câu chuyện có vẻ như chẳng liên quan gì đến nhau ấy, thực ra, lại có chung một điểm: nó cho thấy, xã hội Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng trì níu quá khứ, từ những chiếc loa phường cổ lỗ sĩ cho đến thói quen can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp vốn có từ thời bao cấp.

Câu chuyện Hà Nội chính thức giữ lại hệ thống loa phường, sau một thời gian khá dài lấy ý kiến góp ý của người dân – một việc mà ai cũng hiểu rằng chính ý kiến của người dân thành phố sẽ quyết định sự tồn tại của hệ thống truyền thanh có từ thời bao cấp này, gây ngạc nhiên với những người kỳ vọng vào sự đổi mới một cách tích cực của chính quyền thành phố, nhưng lại không gây ngạc nhiên với những người hoài nghi và bảo thủ.

Khi việc có nên giữ lại loa phường hay không được đưa ra lấy ý kiến người dân, dù không có quan chức nào của thành phố khẳng định rằng kết quả lấy ý kiến sẽ là yếu tố quyết định, thì ai cũng mặc định tự hiểu rằng việc quyết định sẽ tùy thuộc vào câu trả lời của người dân. Nếu không muốn bỏ loa phường mà chỉ muốn cải thiện hiệu quả hoạt động, thì không nên đưa ra câu hỏi: “Có nên bỏ loa phường hay không?”

Kết quả khảo sát ý kiến người dân trên Cổng giao tiếp điện tử của thành phố cho thấy, 90% số người được hỏi cho rằng nên bỏ loa phường (tỷ lệ ý kiến cho rằng thông tin từ loa phường không có ích cũng lên đến 90%), thì kết luận cuối cùng của thành phố Hà Nội vẫn là giữ lại hệ thống loa, chỉ giảm một số ở các phường và giữ nguyên ở các huyện và thị xã.

Dĩ nhiên kết luận này đi ngược lại với kết quả lấy ý kiến người dân. Cởi mở và dễ chịu hơn một chút thì đây cũng không phải là chuyện gì quá lạ lẫm, khi không phải lúc nào mong muốn của người dân cũng được thực hiện. Giữ lại hệ thống phát thanh dù 90% người dân không đồng ý, có vẻ như nhu cầu nói của chính quyền thành phố cho người dân nghe vẫn cao hơn là nhu cầu lắng nghe người dân nói.

Dĩ nhiên, chính quyền thành phố có lý do của mình, và xem chừng có vẻ rất hợp lý: đề phòng các trường hợp thiên tai, thảm họa và tuyên truyền thông tin, chỉ đạo cần thiết của Trung ương và thành phố. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả khảo sát lấy ý kiến người dân thì có vẻ như không hợp lý cho lắm: 90% người được hỏi cho rằng thông tin từ loa phường không có ích, và số người cập nhật thông tin qua loa phường chỉ là 4% (trong khi qua Internet lên tới 45%). Còn như yêu cầu đề phòng thiên tai thảm họa thì có vẻ như hơi xa vời: theo báo cáo của Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội thì hiện nay chi phí để duy trì hệ thống loa ở mỗi phường lên tới hàng trăm triệu đồng. Và không hiểu, nếu thiên tai thảm họa xảy ra thì ai còn có thể lắng nghe thông báo từ loa phường?

Câu chuyện đề xuất áp giá sàn cho vé máy bay của một hãng hàng không giá rẻ mới đây cũng mang màu sắc tương tự. Một hãng hàng không, trong vài năm qua chỉ hoạt động ở mức tầm tầm và chỉ chiếm mức thị phần khá khiêm tốn là bằng một nửa hai hãng hàng không khác, bỗng dưng đưa ra đề xuất áp giá sàn cho vé máy bay, đi ngược lại với chính tôn chỉ hoạt động của một hãng hàng không giá rẻ như mình là “càng rẻ càng tốt”. Dĩ nhiên, đề xuất thì cũng chỉ mới là đề xuất, nhưng nó cũng đủ làm cho nhiều người lo ngay ngáy khi nghĩ đến khoản tăng chi phí sắp tới khi đi công tác hay du lịch nếu nó trở thành sự thực.

Việc phân tích, đánh giá, phản biện đề xuất này đã được khá nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng không phát biểu. Dù có khác nhau đôi chút, nhưng tựu chung là về chuyên môn thì đề xuất này không phù hợp và đã quá lỗi thời (ví dụ như nước Mỹ đã bỏ quy định áp giá sàn vé máy bay từ những năm 1980), ngoài ra nó cũng không hợp lý do can thiệp quá sâu vào thị trường. Tuy nhiên, có một góc nhìn khác lại rất ít được đề cập: góc nhìn về điều hành. Theo khía cạnh này, thì việc hãng hàng không giá rẻ đưa ra đề xuất áp giá sàn vé máy bay với các cơ quan chức năng đồng nghĩa với việc: trong mắt của các doanh nghiệp, các Bộ ngành vẫn sẵn sàng tiếp nhận và xem xét những đề xuất dù đề xuất đó có thiếu hợp lý, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong nền kinh tế đi chăng nữa.

Dĩ nhiên, trách nhiệm của các Bộ ngành là xem xét mọi đề xuất từ phía doanh nghiệp; nhưng nếu như các Bộ ngành cương quyết tôn trọng các quy định cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, thì có lẽ chẳng doanh nghiệp nào dám đưa ra một đề xuất mang tính bóp méo thị trường một cách ngang nhiên nói trên.

Điều này thực ra cũng chẳng lấy gì làm lạ nếu như chúng ta xem qua những số liệu từ báo cáo về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016 (PCI 2016) vừa được công bố mới đây. Theo đó, 66% số doanh nghiệp cho biết thường xuyên phải trả các chi phí không chính thức, cao hơn 12-15% so với giai đoạn 2008-2013. Đáng chú ý là điều này diễn ra sau khi Thủ tướng phát động những nỗ lực cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh trong suốt gần 1 năm qua, và lẽ ra tỷ lệ nói trên phải giảm đi đáng kể mới đúng.

Ba câu chuyện, bề ngoài có vẻ như không liên quan gì đến nhau này, lại đang cùng chỉ ra một thực tế nhức nhối: chúng ta đang quá trì níu những gì thuộc về quá khứ, từ xã hội (như chiếc loa phường) cho đến kinh tế (thói quen can thiệp thô bạo vào doanh nghiệp và thị trường) hay điều hành (phí bôi trơn của các doanh nghiệp). Nó đang gây ra sự mất niềm tin và kỳ vọng vào tương lai, khi mà Việt Nam đang bước vào giai đoạn cải cách và đổi mới về mọi mặt: đến chiếc loa phường cũng không bỏ nổi, thì liệu chúng ta có thể bỏ được cái gì đây?

Nhàn Đàm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loa phường và giá sàn vé máy bay