Chuyên gia lo ngại một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu với các rủi ro tiềm ẩn.

Lo rủi ro từ dư nợ tín dụng bất động sản

Phan Diệu | 16/11/2020, 18:15

Chuyên gia lo ngại một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu với các rủi ro tiềm ẩn.

Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố trong 10 tháng đầu năm 2020 vào khoảng 2,42 triệu tỉ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2019. Trong đó, nợ trung và dài hạn chiếm 52%.

Riêng ở lĩnh vực bất động sản, dư nợ tín dụng khoảng 293.750 tỉ đồng, tăng gần 6% so với cuối năm 2019. Trong đó, nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ.

Đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở (gói 30.000 tỉ đồng), dư nợ còn 2.985 tỉ đồng với 8.554 khách hàng, bao gồm hai doanh nghiệp dư nợ 120 tỉ đồng và 8.552 cá nhân, hộ gia đình dư nợ 2.865 tỉ đồng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói rằng dư nợ tín dụng và nợ xấu bất động sản tại TP.HCM vẫn còn trong ngưỡng an toàn nhưng tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt, ông Châu lo ngại khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, trong đó có cả nguồn vốn đầu tư trái phiếu bất động sản của các tổ chức tín dụng và cá nhân.

"Cần quan tâm đến dư nợ tín dụng tiêu dùng, nhất là đối với một số khoản vay sửa nhà, xây nhà, nhưng chuyển sang kinh doanh bất động sản. Số này chiếm 1,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, cần phải có cơ chế kiểm soát và quản lý phù hợp", ông Châu nhìn nhận.

Đáng chú ý, Chủ tịch HoREA cũng cho biết nhiều rủi ro từ trái phiếu bất động sản. Trong 9 tháng đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có 1.089 đợt phát hành từ 175 doanh nghiệp với tổng giá trị 341.000 tỉ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 173.500 tỉ đồng, chiếm hơn 40% và đây là tỷ trọng cao nhất toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

"Thế nhưng, đáng quan ngại là tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 20% số lượng nhà đầu tư và nguồn vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng lớn. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là vào thời điểm đáo hạn trái phiếu", ông Châu nhận định.

Đáng chú ý, báo cáo của 20 ngân hàng cũng cho thấy đến giữa năm 2020, tài sản thế chấp, cầm cố bất động sản ở 20 ngân hàng này có tổng giá trị trên 7,3 triệu tỉ đồng. Con số này vẫn ngày một tăng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, để hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, cơ quan này đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng. Việc này nhằm hạn chế rủi ro đối với lĩnh vực này, nhất là kiểm soát tín dụng đối với các dự án phân khúc cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực.

Ngân hàng Nhà nước chỉ xem xét cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, bảo đảm tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn.

Trên thực tế, những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng luôn được kiểm soát ở mức quanh 14%. Các chỉ số vĩ mô khác như lạm phát, tỷ giá, mặt bằng lãi suất trong tầm kiểm soát và ở mức thấp. Thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng ở trạng thái dồi dào.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 và thị trường bất động sản trầm lắng, các ngân hàng đang đứng trước không ít khó khăn, trong đó, rủi ro lớn nhất là gia tăng nợ xấu.

Đặc biệt, một số chuyên gia cũng nhận định dù thời điểm này thị trường bất động sản chưa đi vào giai đoạn khủng hoảng, nhưng cần cẩn trọng trước các khoản nợ xấu. Hiện nay, hiện tượng rao bán tài sản thế chấp bất động sản ồ ạt cho thấy các ngân hàng đã lo ngại về nợ xấu. Vì vậy, việc nhà băng phải bán sớm tài sản thế chấp nhằm đối phó với khoản dự phòng nợ xấu sẽ gia tăng mạnh.

Bài liên quan
Liền kề các thành phố lớn là ưu thế cho bất động sản nghỉ dưỡng
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, các thị trường nghỉ dưỡng có thể tiếp cận nhanh chóng bằng đường bộ từ các thành phố lớn, như từ TP.HCM đến Phan Thiết, Hồ Tràm, hay Hà Nội đến Hạ Long… có kết quả giao dịch khởi sắc hơn đồng thời thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo rủi ro từ dư nợ tín dụng bất động sản