Sáng 16.6, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) xác nhận, tổ chức này đang gấp rút soạn thảo công văn để gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, sau đó trình lên Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị về nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang.

Lo hậu quả môi trường, VASEP sẽ có công văn gửi Thủ tướng về nhà máy giấy Hậu Giang

16/06/2016, 14:35

Sáng 16.6, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) xác nhận, tổ chức này đang gấp rút soạn thảo công văn để gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, sau đó trình lên Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị về nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang.

Nhà máy giấy nằm sát sông Hậu có nguy cơ

Dự án nhà máy giấy Lee & Man (có tổng mức đầu tư là 1,2 tỉ USD) tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang khởi công vào năm 2007, sau đó tạm ngưng nhiều năm do khó khăn về tài chính. Thời gian gần đây, dự án được tái khởi động và sắp đi vào hoạt động sản xuất giấy cứng, bao bì cao cấp công suất khoảng 420.000 tấn/năm.

Theo VASEP, đây là nhà máy sử dụng dây chuyền sản xuất lạc hậu nên rất đáng lo ngại về môi trường. Thường với các dây chuyền sản xuất hiện đại, lượng nước thải khi sản xuất 1 tấn thành phẩm chỉ ở mức 10-20m3, nhưng dây chuyền của nhà máy giấy Hậu Giang thải đến 200-300m3/tấn thành phẩm.

Hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất của nhà máy giấy Hậu Giang được tái sử dụng từ 1 nhà máy khác, sau khi nhập về Cần Thơ được để ngoài trời, "lăn lóc" mưa nắng 2-3 năm tại cảng Cái Cui (Cần Thơ) khi dự án này tạm ngừng xây dựng vì khó khăn tài chính.

Nhà máy mới nhưng công nghệ cũ

Trong ngành công nghiệp giấy và bột giấy, nước thải thường có độ PH trung bình từ 9 - 11, chỉ số BOD, COD có thể lên khoảng 700- 2.500 mg/lít, hàm lượng chất rắn lơ lửng cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép. Nước thải từ các nhà máy này thường có chứa xyanua vượt trên 80 lần, H2S vượt trên 4 lần, NH3 vượt trên 80 lần tiêu chuẩn cho phép… dễ gây ô nhiễm nặng nề các nguồn nước và ảnh hưởng sinh hoạt của cư dân trong vùng.

Trong quá trình sản xuất, các nhà máy giấy thường sử dụng các hóa chất như Hypocloric Natri, Thiosunphat Natri, Hydro Peroxit… và nếu không quản lý tốt, môi trường sẽ bị tàn phá và lây lan ô nhiễm rất nhanh.

Tại Việt Nam, hồi cuối năm 2006 và đầu năm 2007, sau khi có báo cáo của các chuyên gia môi trường về mức độ ô nhiễm tại các con sông Thị Vải, sông Nhuệ, sông Đáy… Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương nằm trên lưu vực các con sông trên tạm thời hạn chế cấp phép đối với năm loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm, trong đó có sản xuất bột giấy. Tuy nhiên cựu Bí thư tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Phong Quang, đã "rước" dự án này về.

Do đó, dự án này không nằm trong “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” và "Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020" cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại ĐBSCL, mà tồn tại chỉ do ý muốn của ông cựu Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang!

Theo công văn số 36/2007/CV.ENTEC ngày 17.9.2007 của Trung tâm Công nghệ môi trường - ENTEC (đơn vị tư vấn làm báo cáo tác động môi trường cho nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man), lượng nước thải cần xử lý của nhà máy bột giấy sẽ là 27.000m3/ngày đêm, nhà máy giấy là 29.272m3/ngày đêm. Sau khi xử lý, nước thải sẽ đạt Tiêu chuẩn Môi trường Việt Nam TCVN 5945 - 2005, tức BOD bằng hoặc thấp hơn 30 mg/lít, COD bằng hoặc thấp hơn 50 mg/lít, SS bằng hoặc thấp hơn 50 mg/lít trước khi thải ra sông Hậu…

Như vậy, nếu làm đúng cam kết trên thì sẽ yên tâm về chất thải? Không hề! Nếu thử tính theo lượng nước thải và nồng độ các chất độc hại (được xem là đạt chuẩn) trên, không khó để có các con số: tối đa mỗi ngày đêm sông Hậu sẽ "nhận" 1,6816 tấn BOD; 2,8136 tấn COD và 2,8136 tấn SS. Nhân lên theo tháng hoặc năm, số lượng chất độc hại này sẽ còn kinh khủng hơn, đúng như nhiều chuyên gia môi trường lo ngại.

Nhà máy giấy Lee & Man đang hoàn thiện để đi vào hoạt động

“Nhà máy đã sắp xong nên chuyện dừng là không khả thi. Nhưng điều mà chúng tôi muốn kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Thủ tướng Chính phủ là nên chỉ đạo để siết chặt quản lý nước thải trong quá trình nhà máy này hoạt động”, đại diện VASEP nói. Theo vị đại diện này, nguy cơ ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản mặn, ngọt, lợ ở vùng ĐBSCL từ nhà máy giấy là rất lớn, thủy sản sẽ bị nhiễm xút, kim loại… từ nước thải của nhà máy và ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu.

“Nhà máy giấy xả thải xuống hạ lưu nhưng cũng sẽ tống ngược lên thượng lưu theo thủy triều, ảnh hưởng cả vùng nuôi cá tra trên sông Hậu. Thậm chí, cây trồng sử dụng nước này tưới lâu ngày cũng sẽ tàn rụi dần vì những chất thải nguy hiểm”, đại diện VASEP cho biết.

Theo VASEP, mới đây phía tỉnh Hậu Giang có cam kết sẽ giám sát chặt chẽ việc xả thải của nhà máy này, nhưng hệ thống quan trắc thường chỉ ghi nhận chứ không thể xử lý được nguồn nước thải. “Nếu ghi nhận xấu thì chỉ để… xử phạt, vì nước thải vẫn đổ ra sông Hậu rồi. Hệ thống quan trắc đâu giúp tự động đóng nguồn nước thải lại?”, đại diện VASEP nói.

Nguyễn Hồ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo hậu quả môi trường, VASEP sẽ có công văn gửi Thủ tướng về nhà máy giấy Hậu Giang