Litva kết án ‘điệp viên’ Nga 10 năm tù vì tội hoạt động tình báo, tuyển dụng quan chức địa phương cài cắm thiết bị nghe lén trong văn phòng Tổng thống Dalia Grybauskaite.
Ngày 7.7, một cấp tòa Vilnius tuyên công dân Nga Nikolay Filipchenko là đặc vụ Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) phải lãnh án 10 năm tù.
Theo Bộ Ngoại giao Litva, đây là lần đầu tiên một quan chức FSB bị lột mặt nạ và bị bỏ tù. Filipchenko bị phát hiện trong lúc ráng tuyển quan chức của Bộ An ninh Litva, muốn tìm người chấp nhận làm điệp viên kép, sẵn sàng cài thiết bị nghe lén ở văn phòng làm việc và nhà riêng của nữ Tổng thống Grybauskaite.
Tại tòa, Filipchenko bị còng tay, từ chối cung cấp lời khai, không nhận tội và không trả lời câu hỏi của nhà báo. Nữ thẩm phán Regina Pocene nói bị cáo có 20 ngày để kháng án, nhưng luật sư bào chữa không cho biết Filipchenko có muốn kháng án hay không.
Luật sư cho biết các nhà ngoại giao Nga đã cung cấp sách và tiền cho Filipchenko.
Trong thời gian hoạt động từ tháng 10. 2011 đến cuối năm 2014, Filipchenko cùng nhóm người của ông ta đã nhiều lần gặp các công dân Litva, ráng tuyển họ làm điệp viên chống phá nhà nước Litva. Người được tuyển dụng được hứa trả công bằng tiền mặt.
Trong thời gian đó, Filichenko thường dùng giấy tờ giả, thường xuyên vượt biên giới Litva. Filipchenko bị bắt năm 2015, trong lúc ông từ vùng Kaliningrad bắt xe lửa đi Belarus, sử dụng hộ chiếu giả.
Cuộc điều tra bất kỳ ai được tuyển làm người của Filipchenko vẫn đang được tiến hành.
Bản án được tuyên một ngày sau chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tố cáo Nga “có những hành động gây bất ổn” ở Ukraine, và ông cam kết tuân thủ nguyên tắc phòng vệ chung của NATO.
Vài năm qua,Litva trục xuất nhiều công dân Nga bị nghi hoạt động gián điệp. Người Litva cũng bị buộc tội làm điệp viên cho Belarus, và nước này chia sẻ thông tin tình báo có được cho Nga.
Thông tin khác nêu Filichenko là công dân Nga thứ hai bị Litva buộc tội gián điệp trong năm 2017. Năm 2015, tòa án Nga cũng kết tội hai công dân Litva làm gián điệp.
Litva là một trong số ít các nước thành viên NATO chung biên giới với Nga. Litva cùng Latvia và Estonia (3 nước vùng biển Baltic) cực kỳ phản đối Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014.
Tổng thống Litva cũng thuộc nhóm lãnh đạo chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin. Từ đó, Nga và NATO đều dàn quân ở vùng biển Baltic, đều lấy lý do phải đề phòng nguy cơ bị tấn công.
NATO đã triển khai 1.000 quân đến trong 3 nước vùng biển Baltic và Ba Lan. Điện Kremlin khẳng định không hề tham vọng mở rộng bờ cõi, cáo buộc NATO đang ráng bao vây Nga.
Ba Lan, láng giềng phía nam của Litva, từng bắt một trong những quan chức quân sự hồi năm ngoái, phát hiện ông ta cung cấp tin tình báo, đổi lại là nhận tiền của Nga.
Sau vụ sáp nhập Crimea, Nga quan tâm hoạt động tình báo ở khu vực từng chịu ảnh hưởng Liên Xô, theo cựu chỉ huy tình báo quân sự Cộng hòa Czech từng nói với Newsweek.
Trung Trực (theo Newsweek)