Mạng xã hội không chỉ là nơi để giao lưu giữa các cá thể, các nhóm hội. Ngày càng nhiều doanh nghiệp hiện nay đang tận dụng năng lực tương tác này để phục vụ cho công tác tuyển dụng nhân sự.

LinkedIn, Facebook trở thành kênh tuyển dụng hữu hiệu

Kim Vân | 03/03/2017, 08:30

Mạng xã hội không chỉ là nơi để giao lưu giữa các cá thể, các nhóm hội. Ngày càng nhiều doanh nghiệp hiện nay đang tận dụng năng lực tương tác này để phục vụ cho công tác tuyển dụng nhân sự.

Tại buổi hội thảo Sức mạnh của ứng dụng công nghệ trong tuyển dụng nhân sự được tổ chức hồi cuốitháng 2, nhiều doanh nghiệpcho biết đang áp dụng công nghệ, chủ yếu là các mạng xã hội như Facebook, LinkedIn vào quy trình tuyển dụng và cho kết quả rất tốt.

Bà Trần Thiện Minh Triết, Giám đốc nhân sự công ty BAT cho biết, việc tìm kiếm nguồn nhân sự cấp quản lý của công ty được thực hiện nhiều nhất thông qua mạng xã hội việc làm LinkedIn với 43%, tiếp đến là qua kênh Facebook.

Theo bà Triết, quá trình cập nhật thông tin nghề nghiệp trên mạng xã hội cũng như những tương tác hàng ngày khiến nhà tuyển dụng có cái nhìn toàn diện hơn về ứng viên, và đáng tin cậy hơn so với một bản CV hoàn thiện.

“Với việc áp dụng công nghệ, công ty chúng tôi đã tăng tỷ lệ tuyển dụng trực tiếp lên 92%, giảm đáng kể chi phí tuyển dụng qua các công ty săn đầu người”, bà Triết cho biết.Ngoài ra, bà cũng cho rằng nếu biết khai thác tốt, LinkedIn còn có các công cụ tìm kiếm và phân tích ứng viên một cách hiệu quả.

Trong khi đó, việc sử dụng Facebook lại cho phép tiếp cận với một nguồn ứng viên rộng rãi hơn khi đăng các thông tin tuyển dụng, và đó cũng là cánh cửa mở ra cho những ứng viên là sinh viên mới tốt nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, có thể liên hệ trực tiếp với nhà tuyển dụng.

Bên cạnh các mạng xã hội, việc áp dụng công nghệ vào tuyển dụng còn được thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau. Đại diện Unilever Việt Nam, bà Rashmi Sharma, Trưởng bộ phận thu hút nhân tài và phát triển năng lực lãnh đạo, cho biết đã đơn giản hóa đáng kể quy trình tuyển dụng thông qua hình thức phỏng vấn trực tuyến.

“Không cần phải lên đồ chỉn chu rồi đến tận nơi, chỉ cần một chiếc điện thoại kết nối là cuộc phỏng vấn có thể diễn ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, dù là trong taxi hay trong phòng ngủ”, bà Sharma nói.

Thậm chí hai bên không cần hẹn trực tuyến, các ứng viên giờ đây có thể nhận được một đường link các câu hỏi phỏng vấn, sau đó trả lời, ghi hình và gửi link về cho công ty. Đại diện Unilever cho rằng hình thức này còn mang tính ưu việt hơn do nhà tuyển dụng không mắc phải những quyết định cảm tính mà các cuộc gặp trực tiếp có thể đem lại.

Trước ý kiến cho rằng áp dụng công nghệ trong tuyển dụng chỉ có thể được thực hiện ở những công ty toàn cầu, nơi vai trò của công nghệ có vị trí quan trọng, bà Sharma nhận định ngay cả những doanh nghiệpnhỏ và vừa (SME) cũng cần bắt đầu thực hiện điều này.

“Bạn có thể vừa làm vừa học, không cần áp dụng công nghệ vào toàn bộ quy trình tuyển dụng mà một phần nào đó cũng được, nhưng xu hướng công nghệ hóa mọi lĩnh vực là không thể tránh được”, bà Sharma nói.

Góp mặt trong buổi hội thảo còn có tập đoàn Novaland, là một tập đoàn lớn trong nước nhưng chưa vươn ra tầm quốc tế. Ông Lê Hồng Phúc, Giám đốc nhân sự Novaland cho biết đến nay, nguồn tuyển dụng của công ty chủ yếu vẫn do người quen giới thiệu, chiếm khoảng 50%. Bên cạnh đó là thông qua những ngày hội giới thiệu sản phẩm kết hợp tuyển dụng nhân sự.

Ông Phúc cho biết Novaland đang bắt đầu tận dụng công nghệ cho mọi hoạt động, trong đó có tuyển dụng. Tuy nhiên, ông nhận địnhquan trọng nhất vẫn là quy trình. “Cần phải chuẩn hóa quy trình. Công nghệ mà đem áp dụng vào một hệ thống không chuẩn thì cũng không thể chạy được”, ông nói.

Chia sẻ quan điểm này, bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Giám đốc dịch vụ tuyển dụng nhân sự Talentnet nhận định: “Công nghệ đóng góp một vai trò không nhỏ tuy nhiênđó chỉ là công cụ. Chiến lược tuyển dụng sẽ như mũi tàu đưa việc tuyển dụng đi đúng hướng, còn công nghệ như cánh buồm hỗ trợ chiến lược ấy phát huy hiệu quả”.

Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng tại buổi hội thảo cũng thống nhất rằng công nghệ không phải là chìa khóa tuyển dụng vạn năng. Dù có áp dụng công nghệ đến đâu thì vòng cuối cùng một quy trình tuyển dụng của Unilever vẫn là vòng đối thoại trực tiếp.

Còn đại diện Công ty CSC thì thừa nhận LinkedIn hay Facebook không thể là công cụ tuyển dụng đối với công nhân nhà máy, những người hầu như không tiếp xúc với công nghệ.

Thậm chí, đại diện Novaland còn đưa cảnh báo: “Mạng xã hội cũng có mặt mạnh, mặt yếu của nó. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt, đảm bảo kiểm soát được nguồn thông tin để tránh tổn hại đến uy tín, thương hiệu của công ty mình”.

Kim Vân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
LinkedIn, Facebook trở thành kênh tuyển dụng hữu hiệu