‘Lingua Franca’ xoay quanh một phụ nữ chuyển giới đến từ Philippines chuyên làm công việc chăm sóc người cao tuổi tại quận Brooklyn, New York. Phim là đề cử điện ảnh đầu tiên trong lịch sử được viết và dàn dựng bởi một nữ đạo diễn chuyển giới gốc Á.
Phác họa một chuyện tình diễn ra giữa bối cảnh đời sống người nhập cư đang có nhiều chuyển biến bất ổn tại Mỹ, ‘Lingua Franca’ (tạm dịch ‘Song Ngữ’), để lại dấu ấn đáng nhớ, đặc biệt khi bộ phim là tác phẩm đầu tiên được ghi nhận do một nữ đạo diễn chuyển giới người châu Á thực hiện.
Isabel Sandoval không chỉ viết, dựng phim, cô kiêm cả vai trò sản xuất, biên tập và đóng chính trong dự án. Nữ đạo diễn vào vai Olivia, một phụ nữ chuyển giới không có giấy tờ nhập cư, làm việc chăm sóc một cụ bà gốc Do Thái ở khu Brighton Beach, Brooklyn, thành phố New York.
Sự tương đồng về xuất thân của nhà làm phim và nhân vật chính giúp tạo nên trải nghiệm thấu hiểu sâu sắc, chân thật. Tuy nhiên, bản thân cốt truyện - xoay quanh một mối tình lãng mạn nhưng oan trái - lại chứa đựng vài yếu tố thú vị.
Mở đầu phim, Olga (Lynn Cohen), một bà lão người Nga gốc Do Thái, xuất hiện khoan thai, chậm rãi. Giữa buổi họp mặt gia đình, bao quanh bởi đông đúc con cháu, bà là tâm điểm của những lời thăm hỏi, khen ngợi. Một trong những người cháu, Alex (Eamon Farren), vừa trở về New York, đồng ý đến sống cùng để chăm sóc Olga. Nhưngđảm nhận nhiệm vụ này chủ yếu là Olivia, một phụ nữ dịu dàng nhưng đầy nghị lực.
Bị cuốn hút trước người phụ nữ trẻ, thế nhưng Alex không hề hay biết việc Olivia từng chuyển giới, lẫn tình trạng nhập cư trái phép của cô. Hay chí ít, ban đầu, Alex chọn cách phớt lờ sự thật rằng Olivia là người chuyển giới. Phân đoạn âu yếm đầu tiên giữa đôi tình nhân - một phụ nữ chuyển giới được một người đàn ông dị tính phải lòng - tạo nên ấn tượng mỹ cảm khó quên.
Hình ảnh Sandoval hóa thân vào vai diễn trung tâm, vừa biểu thị điểm mạnh và yếu ở truyện phim - hạn chế nhất định trong kĩ năng diễn xuất của nhà làm phim phần nào tiết giảm hiệu quả những trường đoạn nhạy cảm, xúc động nhất.
Nhịp phim trầm tĩnh, đầy chiều sâu, vốn khá tương phản với dấn ấu thường thấy ở nền điện ảnh Philippines, ‘Lingua Franca’ đôi lúc vẫn biểu thị tính kịch đặc trưng nơi thể loại tâm lý tình cảm. Tựa đề tác phẩm, vốn có ý nghĩa ‘sự tiếp nhận’ đa dạng ngôn ngữ, ám chỉ hành động dung hòa những ngôn ngữ nói khác biệt, trong trường hợp này là tiếng Mỹ của người nhập cư và tiếng Philippines.
Mặt khác, ở khía cạnh phức tạp hơn, bộ phim cho thấy nỗ lực phác họa cuộc sống đầy bấp bênh của cộng đồng người nhập cư trên một mảnh đất xa lạ, nơi họ luôn chật vật tìm chỗ đứng và chống chọi trước bao tư tưởng định kiến.
Được công chiếu mở màn tại LHP Venice 2019, nhận 2 đề cử trao giải nổi bật - một thuộc hạng mục ‘Queer Lion’ (Phim LGBT Xuất sắc), ‘Lingua Franca’ hứa hẹn sẽ thu hút khán giả đa sắc tộc lẫn cộng đồng LGBT quốc tế.
Đây là tác phẩm thứ ba của Sandoval, và là phim đầu tiên nữ đạo diễn hoàn thành sau khi chuyển giới. Cô từng nhận một số giải thưởng điện ảnh tại LHP Deauville Asian, LHP quốc tế Hawaii cho ‘Apparition’ - dự án tâm lý chính kịch ghi dấu phát hành trước đó.
Như Ý (theo ScreenDaily)