Mới cách đây vài tháng nhiều người còn hồ hởi về khả năng bùng nổ tăng trường sau đại dịch. OECD lúc đó lập luận rằng kinh tế thế giới những tháng đầu 2022 “đang trên đường phục hồi mạnh mẽ tuy không đồng đều” sau đai dịch. Nhưng mọi thứ đã thay đổi.

Liệu thế giới có tránh được một cuộc khủng hoảng lạm phát đình đốn?

Quỳnh Yên | 12/06/2022, 12:55

Mới cách đây vài tháng nhiều người còn hồ hởi về khả năng bùng nổ tăng trường sau đại dịch. OECD lúc đó lập luận rằng kinh tế thế giới những tháng đầu 2022 “đang trên đường phục hồi mạnh mẽ tuy không đồng đều” sau đai dịch. Nhưng mọi thứ đã thay đổi.

Tuần qua Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu do tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến tại Ukraine.

Trong báo cáo phổ biến hôm 7.6 vừa qua, WB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 4,1% đưa ra hồi tháng 1 xuống còn 2,9%. Một ngày sau, OECD - tổ chức gồm chủ yếu là những nước giàu - cũng đã đưa ra dự báo gần như vậy với tỉ lệ tăng trưởng là 3%, từ mức 4,5% đưa ra hồi cuối năm 2021.

LHQ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2022, dù ở mức nhẹ hơn.

kinhte-2-.jpg
Lạm phát đình đốn đang là mối lo với thế giới - Ảnh: Getty Images

Theo Washington Post, điều đó cho thấy tình hình đã nhanh chóng xấu đi đột ngột. Mới cách đây vài tháng nhiều người còn hồ hởi về khả năng bùng nổ tăng trường sau đại dịch. OECD lúc đó lập luận rằng kinh tế thế giới những tháng đầu 2022 “đang trên đường phục hồi mạnh mẽ tuy không đồng đều” sau đai dịch.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi. “Cuộc chiến ở Ukraine và những đứt gãy trong chuỗi cung ứng, càng gay gắt hơn do tình trạng đóng cửa để thực hiện chính sách Zero-COVID ở Trung Quốc, đã giáng một đòn mạnh vào đà phục hồi kinh tế”, báo cáo của OECD viết, và dự báo lạm phát sẽ lên mức 9% ở tất cả 38 quốc gia thành viên của tổ chức này. Ở Anh, Đức, Mỹ lạm phát đã ở mức cao nhất kể từ 40 năm nay.

Tình hình liệu có dẫn đến một cuộc khủng hoảng suy thoái kèm lạm phát hay lạm phát đình đốn (stagflation) như trong những năm 1970 hay không? WB và OECD đánh giá khác nhau về nguy cơ này. Lạm phát đình đốn xảy ra khi người tiêu dùng và doanh nghiệp nghĩ rằng lạm phát là vấn đề dài hạn và sẽ điều chỉnh ứng xử phù hợp, từ đó tạo ra một vòng lẩn quẩn gây thêm lạm phát và sụt giảm tăng trưởng.

Trong những năm 1970, lạm phát đình đốn đã khiến các nhà kinh tế học và người làm chính sách lúng túng: xử lý lạm phát bằng cách tăng lãi suất thì gây ra suy thoái; ngược lại tăng chi tiêu để kích thích kinh tế thì có nguy cơ làm giá cả tăng.

Trong khi OECD hạ thấp nguy cơ này thì WB cho rằng “nguy cơ lạm phát đình đốn là đáng kể và so sánh tình hình hiện nay với thời kỳ từ năm 1973 tới đầu những năm 1980, dù có một số khác biệt quan trọng.

kinhte-1-.jpg
Kinh tế toàn cầu suy thoái khiến những nước nghèo bị ảnh hưởng nặng hơn cả - Ảnh: Internet

Lạm phát đình đốn đang là mối lo với mọi người, nhưng đáng lo hơn cả là với các nước nghèo. Nhiều quốc gia đang phát triển dựa vào xuất khẩu sang các nước giàu để thúc đẩy kinh tế trong nước và khi kinh tế toàn cầu suy thoái, họ bị ảnh hưởng nặng hơn cả. Đó là chưa kể các khoản nợ lớn phải trả, một khi lãi suất tăng, kinh tế tăng trưởng chậm, họ không thể trả nợ.

Lần cuối cùng thế giới rơi vào tình trạng lạm phát đình đốn, 16 nước Mỹ Latinh đã ngưng trả nợ, gây nên “Thập kỷ mất mát” với mức sống người dân đi xuống. Lần này, Sri Lanka đã vỡ nợ, dân chúng xuống đường phản kháng, chính phủ sụp đổ. Nếu không có sự can thiệp, WB cho rằng những quốc gia khác cũng có thể vỡ nợ.

Có thể tránh được một cuộc khủng hoảng lạm phát đình đốn toàn cầu không? OECD cho rằng có thể, dựa trên một loạt điều kiện toàn cầu đang thay đổi so với những năm 1970: các nước giàu ít phụ thuộc hơn vào giá năng lượng thấp, phần lớn các ngân hàng trung ương bây giờ đã độc lập.

Tuy vậy, việc Nga đưa quân vào Ukraine và phong tỏa các cảng trên Biển Đen đã khóa chặt một trong những vùng sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới. Nhiều nước nghèo phụ thuộc vào nguồn lương thực này. Biến đổi khí hậu cũng đã tác động đến nguồn cung cấp lương thực theo những cách không lường trước được: Ấn Độ đã cấm xuất khẩu lúa mì giữa đợt nắng nóng chưa từng có, Brazil thì đang trải qua đợt hạn hán tệ hại.

Bình thường thì các chính phủ sẽ ra tay can thiệp, nhưng sau đại dịch nhiều nước đang phát triển đang gánh những khoản nợ kỷ lục. WB cho biết, nợ nước ngoài của các nước thu nhập thấp và trung bình đã tăng lên mức 8,7 ngàn tỉ USD vào cuối năm 2020, trong đó một số nước tăng ở mức hai chữ số.

Một vấn đề khác khiến tình hình tệ hơn những năm 1970 là giá đồng USD đứng ở mức cao lịch sử đã khiến họ không thể trả nợ hoặc mua hàng hóa với giá thậm chí còn cao hơn.

Với những nước nghèo, lợi ích của toàn cầu hóa bị giảm xuống do những nguy cơ như lạm phát đình đốn.

Jayati Ghosh, giáo sư kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst nói, từ lâu các nước đang phát triển đã “chịu chết” trước hệ lụy từ những chính sách kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế phát triển.

“Nhưng có thể họ chưa bao giờ cảm thấy sự phụ thuộc lẫn nhau ấy tàn nhẫn như ngày nay”, Ghosh nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liệu thế giới có tránh được một cuộc khủng hoảng lạm phát đình đốn?