Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, năm 2021 được dự báo sẽ vẫn khó khăn để đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Liệu có đưa được 90.000 lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc?

Tuyết Nhung | 20/03/2021, 22:48

Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, năm 2021 được dự báo sẽ vẫn khó khăn để đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Năm 2020, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, sau ngành hàng không và khách sạn, du lịch.

Theo số liệu báo cáo, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 là 78.641 lao động (28.786 nữ), đạt 60,5% kế hoạch được giao năm 2020 (130.000 lao động), bằng 112,3% kế hoạch đã điều chỉnh của năm (70.000 lao động) do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

unnamed(2).jpg
Năm 2021, hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc được dự báo vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 - Ảnh: Internet

Số liệu lao động xuất cảnh của một số thị trường chính như: Nhật Bản: 38.891 lao động (15.900 nữ); Đài Loan: 34.573 lao động (12.452 nữ); Hàn Quốc: 1.309 lao động (44 nữ); Rumani: 924 lao động (113 nữ); Ca ta: 776 lao động; Trung Quốc: 596 lao động nam; Singapore: 537 lao động nam…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu năm 2021 sẽ đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là giải pháp khả thi nhằm giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, thì việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc tiếp tục gặp không ít khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) ngày 20.3 cho biết năm 2021, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), công tác ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước.

Để ứng phó trước tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ông Liêm cho biết Cục đã chủ động theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của nước tiếp nhận lao động, với Cơ quan đại diện ngoại giao, chỉ đạo các Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp và tổ chức sự nghiệp theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trước những ảnh hưởng của dịch bệnh và tổ chức đưa người lao động hết hạn hợp đồng về nước theo chỉ đạo của Chính phủ;

Cùng với đó là thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài an toàn trong điều kiện dịch bệnh chưa chấm dứt và các nước/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động thường xuyên điều chỉnh các quy định về tiếp nhận lao động nước ngoài nằm đối phó với tình hình dịch bệnh COVID-19.

Với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, ông Liêm dự báo: "Năm 2021 có thể sẽ vẫn khó khăn với hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, Cục sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch được Chính phủ và Bộ giao đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định", ông Liêm nhấn mạnh.

Từ năm 2016 đến năm 2019, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đều tăng qua từng năm, cụ thể: năm 2016 là 126.000 người; năm 2017 là 135.000 người; năm 2018 là 143.000 người; năm 2019 là 152.000 người. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm xuống còn hơn 78.000 người.

Cùng với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên, số lượng người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại các thị trường lao động ngoài nước cũng tăng lên đáng kể, cụ thể: Đài Loan (Trung Quốc) có 230.000 người; Nhật Bản có gần 230.000 người; Hàn Quốc có gần 50.000 người; Malaysia và các nước Đông Nam Á khoảng 30.000 người; khu vực Trung Đông - châu Phi và châu Âu mỗi nơi khoảng 15.000 người, còn lại ở các nước khác. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo (cơ khí, may mặc, giầy da, lắp ráp điện tử ....), giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, nông nghiệp, thủy sản... ở các thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông, Malaysia...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
4 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liệu có đưa được 90.000 lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc?