Trong gần một thập kỷ qua, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) Việt Nam đã tự chuyển mình từ những cá nhân sợ hãi, che dấu, không dám sống thật thành một cộng đồng đoàn kết, tự hào và sát cánh cùng hướng tới tự do và bình đẳng. 

Liên hiệp Quốc và nhiều nước ghi nhận tiến trình bảo vệ quyền LGBT của Việt Nam

Một Thế Giới | 01/05/2014, 14:59

Trong gần một thập kỷ qua, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) Việt Nam đã tự chuyển mình từ những cá nhân sợ hãi, che dấu, không dám sống thật thành một cộng đồng đoàn kết, tự hào và sát cánh cùng hướng tới tự do và bình đẳng. 

Họ cùng nhau vận động xã hội và nhà nước đối xử bình đẳng hơn với những công dân là người đồng tính, song tính và chuyển giới. Chính sự vận động của cộng đồng đã tạo ra nhiều thay đổi trong nhận thức xã hội, nhà nước nhận ra thực tế cần xóa bỏ kỳ thị, chống phân biệt đối xử và bước đầu có những hành động cụ thể như bỏ điều phạt trong Nghị định xử phạt hành chính và đưa nội dung hôn nhân cùng giới vào thảo luận trong luật Hôn nhân và gia đình. Đây là những bước đi lớn giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên của châu Á có cả Chính phủ và Quốc hội thảo luận về chủ hôn nhân cùng giới. 
Lien hiep Quoc va nhieu nuoc ghi nhan tien trinh bao ve quyen LGBT cua Viet Nam
Đại sứ Canada David Davine (thứ 2 từ trái sang), Đại sứ Hoa Kỳ David B. Shear (thứ 4 từ trái sang), Giám đốc UNDP tại Việt Nam Louise Chamberlain (thứ 2 từ phải sang) và Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander (ngoài cùng bên Phải) phát biểu tại sự kiện Bước tới tự hào và tham gia chiến dịch Tôi Đồng Ý (nguồn iSEE)
Với những nỗ lực của mình, Việt Nam xứng đáng nhận được sự khen ngợi của bạn bè quốc tế. Nhiều sứ đoàn ngoại giao ở Hà Nội đã chuyển từ ngạc nhiên sang bị thuyết phục và cổ vũ cho tiến trình bảo vệ quyền người LGBT ở Việt Nam. Các tổ chức của Liên hiệp Quốc ở Việt Nam đã chủ động làm việc với Bộ Tư pháp, các ủy ban của Quốc hội về quyền bình đẳng của người LGBT trong luật Hôn nhân và gia đình. 
Liên hiệp Quốc kết nối các tổ chức xã hội dân sự, đại diện cộng đồng LGBT với ban soạn thảo và các nhà làm luật. Như bà Pratibha Mehta điều phối viên thường trú Liên hợp Quốc tại Việt Nam đã nói, tiến trình làm luật Hôn nhân và gia đình ở Việt Nam thật sự tốt, có nhiều sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự và đại diện của cộng đồng LGBT. Các nỗ lực của chính phủ Việt Nam xứng đáng được ghi nhận và trân trọng trong quá trình bảo vệ quyền bình đẳng này. 
Trong phát biểu của mình tại sự kiện “Bước tới tự hào” ngày 25.4 ở Hà Nội, ngài đại sứ Canada ở Việt Nam David Devine đã nói: “Tôi mới đến Việt Nam được gần 1 năm, nhưng tôi thực sự ấn tượng những thành quả mà cộng đồng LGBT đạt được. Các bạn đã làm được rất nhiều việc trong chỉ một thời gian ngắn và cá nhân tôi rất tự hào vì Canada và đại sứ quán Canada ở Việt Nam đã ủng hộ công cuộc bảo vệ quyền của các bạn”. Đại sứ David Davine đã tặng cộng đồng LGBT Việt Nam một chương về “quyền và tự do” của Canada để truyền cảm hứng cho cộng đồng trong quá trình hướng tới mục tiêu phấn đấu của mình. 
Lien hiep Quoc va nhieu nuoc ghi nhan tien trinh bao ve quyen LGBT cua Viet Nam
Bài hát Born This Way vang lên đầy tự hào trong sự kiện "Bước tới tự hào" 
Bà đại sứ Thụy Điển ở Việt Nam Camilla Mellander cũng nói: “Tôi tin vào con đường các bạn đã chọn, các bạn đã làm một việc rất lớn và các bạn sẽ còn phải tiếp tục thay đổi thái độ người dân, cả ở trong chính phủ cũng như trong công chúng. Các bạn phải làm cho họ hiểu rằng bình đằng không phụ thuộc vào xu hướng tính dục và Việt Nam là một đất nước có khả năng đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả mọi người!”.
Bà đại sứ Thụy Điển đã tặng cộng đồng LGBT ở Việt Nam hình mẫu con ngựa Dala, một món quà biểu tượng của Thụy Điển. Theo bà Camilla, đây không chỉ là biểu tượng của Thụy Điển, mà vì con ngựa là một con vật rất dũng cảm, khỏe mạnh và kiên cường - những đức tính mà cộng đồng LGBT cần có trong hành trình đi tìm tự do và bình đẳng của mình. Bà Camilla mong cộng đồng LGBT dũng mãnh và không bỏ cuộc cho đến khi công việc được hoàn thành. 
Đại sứ Hoa Kỳ David B. Shear cũng rất ấn tượng với vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong tiến trình thay đổi thái độ xã hội và luật Hôn nhân gia đình ở Việt Nam. Ông nhấn mạnh lại cam kết của chính phủ Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy việc bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới, mà gần đây nhất là lời kêu gọi của Ngoại trưởng John Kerry với chính phủ các nước đoàn kết với cộng đồng LGBT, vì quyền tự do là của tất cả mọi người, không phân biệt xu hướng tính dục và bản dạng giới. Đại sứ cũng tặng cộng đồng LGBT Việt Nam một món quà là một chiếc ba lô cho hành trình của mình với dòng chữ “Bình đẳng cho tất cả mọi người”, như đích đến mà cộng đồng LGBT đang hướng tới. 
Con đường đi đến tự do và công bằng cho những nhóm thiểu số, bao gồm LGBT, không bao giờ bằng phẳng và dễ dàng. Nhưng đích đến của nó luôn luôn đẹp đẽ, và là khát vọng của con người. Chính vì vậy, cộng đồng người đồng tính song tính và chuyển giới nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung sẽ có ngày đến được đích đó. Con đường đi nhanh hay chậm, dài hay ngắn phụ thuộc rất nhiều vào lòng dũng cảm của cộng đồng LGBT, sự nỗ lực của nhà nước, sự bao dung của xã hội và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Nhưng điều quan trọng, “chúng ta đã cùng nhau đi từ sợ hãi đến tự hào thì chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau đi đến đích tự do và bình đẳng!”, như lời ban tổ chức sự kiện “Bước tới tự hào” đã chia sẻ. 
Và con đường phía trước tuy còn dài nhưng đã rõ đích đến. Cộng đồng LGBT và chính phủ Việt Nam có quyền tự hào vì đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự thay đổi xã hội và pháp luật trong hiện tại và tương lai. Những thay đổi này không chỉ tốt cho Việt Nam, mà cho cả phong trào bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới ở châu Á và trên thế giới. Đây chính là lý do mà nhiều nước đã ghi nhận sự tiến bộ của Việt Nam và coi Việt Nam như hình mẫu cho nhiều nước ở châu Á và trên thế giới tham khảo trong việc bảo vệ quyền bình đẳng và tự do cho người LGBT. 
Theo Lê Quang Bình (Diễn Ngôn)
Đọc thêm: Cộng đồng LGBT Việt "bước tới tự hào!"
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên hiệp Quốc và nhiều nước ghi nhận tiến trình bảo vệ quyền LGBT của Việt Nam