Mỹ đã bắn hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân ở Syria sau nhiều năm tranh luận sôi nổi về sự can thiệp của Washington vào cuộc nội chiến đẫm máu tại quốc gia Trung Đông.
Tổng thống Donald Trump, vào ngày thứ 77 trong nhiệm kỳ, đã làm thay đổi chính sách của Mỹ bằng cuộc tấn công quân sự trực tiếp đầu tiên vào Chính phủ Syria. Động thái diễn ra sau vụ tấn công bằng khí độc tại thị trấn Khan Sheikhun thuộc tỉnh Idlib, miền Bắc Syria, do phe nổi dậy kiểm soát hôm 4.4 đã khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Ông Trump cáo buộc lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công này và kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng tham gia nhằm chấm dứt các cuộc đổ máu.
Sau đây là các sự kiện đã xảy ra từ khi cuộc nội chiến ở Syria bùng nổ 6 năm trước cho đến cuộc tấn công của Mỹ hôm 7.4.
Tháng 3.2011: Các cuộc biểu tình nổ ra tại thành phố Daraa phản đối việc lực lượng an ninh giam giữ một nhóm học sinh bị cho là đã vẽ tranh Graffiti có nội dung chống Chính phủ trên các bức tường ở trường học. Ban đầu đó là một cuộc biểu tình trong hòa bình, kêu gọi trả tự do cho nhóm học sinh này và rộng hơn là đòi chính quyền trao nhiều tự do hơn cho dân chúng.
Chính phủ Syria giận dữ đáp lại. Ngày 18.3.2011, quân đội nổ súng vào người biểu tình, khiến 4 người thiệt mạng. Ngày hôm sau, đoàn người tham gia đám tang của các nạn nhân bị bắn và 1 người khác thiệt mạng. Diễn biến này đã gây ra cú sốc và bạo động nhanh chóng bao trùm khắp nơi trên đất nước Syria.
Tháng 4.2011: Hàng nghìn người biểu tình chiếm giữ trung tâm Homs - thành phố lớn thứ ba của Syria - và tuyên bố ở lại cho tới khi Tổng thống al-Assad phải ra đi. Các nhân chứng nói rằng lực lượng an ninh đã bắn súng vào người biểu tình.
Ngày 18.8.2011: Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Tổng thống al-Assad từ chức và yêu cầu đóng băng tài sản của Chính phủ Syria.
Mùa Hè năm 2012: Chiến tranh lan đến Aleppo, thành phố lớn nhất Syria và từng là trung tâm thương mại của đất nước này.
Ngày 20.8.2012: Tổng thống Obama tuyên bố việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ là một "giới hạn đỏ" có thể làm thay đổi tính toán của ông trong vấn đề can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria và cho biết hậu quả sẽ là "rất lớn".
Ngày 19.3.2013: Chính phủ Syria cáo buộc lực lượng đối lập sử dụng vũ khí hóa học làm chết 26 người, trong đó có hơn 10 lính thuộc quân đội Chính phủ, tại thị trấn Khan al-Assal, miền Bắc Syria. Cuộc điều tra của LHQ sau đó phát hiện ra rằng khí sarin được sử dụng nhưng không xác định được thủ phạm.
Ngày 21.8.2013: Hàng trăm người bị ngạt thở, co giật, sùi bọt mép… ở vùng ngoại ô thủ đô Damascus do quân nổi dậy kiểm soát. Các nhà điều tra LHQ xác định khí độc sarin đã được nạp vào đầu đạn những quả tên lửa đất đối đất bắn vào khu vực dân sự trong khi người dân đang ngủ. Mỹ buộc tội Chính phủ Syria - bên duy nhất của cuộc xung đột được biết đến là có khí sarin.
Ngày 31.8.2013: Tổng thống Obama cho biết ông mong muốn Quốc hội thông qua kế hoạch tấn công nhằm trừng phạt Chính phủ Syria. Tuy nhiên, ông Obama đã không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ cơ quan lập pháp.
Ngày 27.9.2013: Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu Syria tiêu hủy kho vũ khí hoá học của nước này, sau một thoả thuận bất ngờ giữa Washington và Moscow. Hội đồng Bảo an đe dọa sẽ cho phép sử dụng vũ lực trong trường hợp Syria không tuân thủ.
Ngày 14.10.2013: Syria đã ký vào Công ước về vũ khí hóa học. Công ước này cấm sản xuất, tàng trữ hoặc sử dụng vũ khí hoá học.
Ngày 23.9.2014: Mỹ khởi động cuộc không kích vào các mục tiêu của IS ở Syria.
Ngày 7.8.2015: Hội đồng Bảo an LHQ cho phép các chuyên gia thuộc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) và LHQ điều tra về việc sử dụng loại vũ khí này ở Syria, khi xuất hiện các cáo buộc lực lượng Chính phủ Syria đã sử dụng khí Clo (Chlorine) trong các hoạt động quân sự.
Ngày 24.8.2016: Ủy ban điều tra chung LHQ - OPCW kết luận khí Clo có thể đã được sử dụng trong những cuộc giao tranh tại nhiều khu làng do lực lượng đối lập Syria kiểm soát, làm ít nhất 13 người thiệt mạng, nhưng không khẳng định bên nào là thủ phạm thực hiện hành vi này. Clo là chất hóa học bị cấm, gây tổn thương cho mắt, da và phổi, có khả năng gây tử vong ở trẻ em. Đây là xác nhận chính thức đầu tiên về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria kể từ khi nước này chấp nhận tiêu hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học.
Ngày 28.2.2017: Nga và Trung Quốc phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Chính phủ Syria liên quan đến việc sử dụng vũ khí hoá học.
Ngày 4.4.2017: Ít nhất 58 người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng khiếp mà các bác sĩ cho rằng có thể bằng khí độc vào thị trấn Khan Sheikhoun thuộc tỉnh Idlib do quân nổi dậy kiểm soát. Nạn nhân có dấu hiệu nghẹt thở, co giật, sùi bọt mép và giãn đồng tử... Các nhân chứng nói cuộc tấn công này được thực hiện bởi máy bay trực thăng Sukhoi của Nga hoặc Syria. Moscow và Damascus phủ nhận cáo buộc liên quan đến vụ tấn công.
Ngày 4.4.2017: Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng hành động "tàn ác" của Chính phủ al-Assad là kết quả trực tiếp của "sự yếu đuối" của chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
Ngày 5.4.2017: Ông Trump tuyên bố Chính phủ Assad đã "vượt qua nhiều lằn ranh" khi tiến hành vụ tấn công bị nghi ngờ là sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường.
Ngày 6.4.2017: Mỹ đã bắn một loạt các tên lửa hành trình vào Syria. Theo các quan chức Mỹ, hành động này là để trả đũa cho vụ tấn công khủng khiếp trên. Đây là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Mỹ vào Chính phủ Syria và là mệnh lệnh quân sự lớn nhất của ông Trump kể từ khi trở thành Tổng thống. Ông Trump nói cuộc tấn công vào Syria là "vì lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ, để ngăn chặn và răn đe việc phổ biến vũ khí hóa học chết người".
Nhật Nguyên (theo TG&VN)