Việc Lịch sử trở thành môn học tự chọn ở cấp THPT đang dấy lên những luồng ý kiến trái chiều.

Lịch sử là môn tự chọn: Cần đánh thức tư duy và đam mê về lịch sử nước nhà

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 22/04/2022, 10:17

Việc Lịch sử trở thành môn học tự chọn ở cấp THPT đang dấy lên những luồng ý kiến trái chiều.

Theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được triển khai từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT, học sinh sẽ chỉ còn 5 môn học và 2 hoạt động giáo dục bắt buộc. Các môn học còn lại sẽ được đưa vào danh sách tự chọn theo nhóm.

Môn Lịch sử cũng nằm trong nhóm tự chọn Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật). Điều này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ ngay chính giáo viên cũng như các chuyên gia giáo dục. Một số ý kiến lo ngại rằng khi trở thành môn học tự chọn, môn Lịch sử sẽ dễ bị “khai tử” khi không có học sinh lựa chọn.

Lịch sử trở thành môn tự chọn: Không cần quá lo lắng

Đưa ra ý kiến đồng tình với quyết định của Bộ GD-ĐT, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho rằng khi học sinh đã được học lịch sử từ giai đoạn giáo dục cơ bản cấp tiểu học cho tới cấp THCS thì việc học sinh nắm được diễn tiến quá trình lịch sử sẽ không quá khó khăn. Khi học sinh lên hệ THPT, học sinh đó đã đủ điều kiện cơ bản để phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi, nếu học sinh đó thật sự yêu thích môn học Lịch sử sẽ đi sâu tìm hiểu, học hỏi thêm. Nhưng có những học sinh sẽ không lựa chọn môn học này vì những cách dạy của thầy có có thể chưa được các học sinh hiểu hết nên chúng ta cần tôn trọng những quyết định về môn học, ngành học cho các học sinh.

di-hoc-tro-lai-7.jpg
Khi học sinh học lịch sử, điểm mấu chốt nhất vẫn là cách giảng dạy của giáo viên

Cũng đưa ra ý kiến của mình về việc môn học Lịch sử sẽ thành môn tự chọn, một giáo viên dạy Lịch sử của Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Thanh Hóa) cho biết: "Mình để ý là các bạn trẻ thời nay thật sự rất thích lịch sử, tuy nhiên không phải ai cũng thích học môn này. Mình đã từng làm khảo sát tại các lớp học do mình dạy, có thay đổi một chút trong giáo trình, đó là mình kể về những cuộc kháng chiến cách mạng mà cha ông ta đã trải qua thông qua từng câu chuyện kể, bám sát sách giáo khoa và tăng thêm các câu hỏi để học sinh thảo luận. Kết quả buổi học rất vui vẻ và xôm tụ, nhưng mình chuyển sang dạy theo giáo án soạn theo sách giáo khoa thì các em học rất uể oải. Mình cũng hiểu được những kiểu giảng bài khô khan rất dễ dẫn đến những lời sáo rỗng, lối mòn khiến học sinh không có cảm xúc khám phá lịch sử thông qua các bài học nữa".

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc có yêu thích môn Lịch sử không, một học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội) cho biết "môn Lịch sử là môn học khá nặng vì phải nhớ chính xác ngày tháng năm diễn ra trận đánh nào, có những lưu ý gì, ý nghĩa và kết quả... Chưa kể đến là nhớ chính xác các mốc lịch sử rồi phải liên hệ mối tương quan giữa các sự kiện để làm tiền đề cho những bài sau. Nếu lịch sử là môn tự chọn thì cá nhân em sẽ không chọn, vì em học tự nhiên Toán, Lý, Hóa, bởi em thấy việc nhớ các mốc lịch sử cụ thể không quá cần thiết, chỉ cần hiểu ở địa danh đó đã diễn ra trận đánh gì, sự kiện gì. Nền tảng học lịch sử chúng em không quên, nhưng đi sâu để nhớ từng mốc thời gian hay tên tuổi từng vị tướng như thế nào thật sự là quá sức đối với chúng em khi ôn thi tốt nghiệp".

Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cũng cho rằng không nên quá lo lắng về việc Lịch sử trở thành môn tự chọn mà có thể có ít học sinh lựa chọn môn học này. Những năm qua, theo khảo sát của nhà trường, khi thực hiện chương trình hiện hành, học sinh đăng ký tổ hợp Khoa học tự nhiên - Khoa học xã hội có tỷ lệ tương đương nhau (47% và 53%). “Dù hiện nay chưa có khảo sát học sinh lớp 9 lên 10 nhưng từ thực tế đó dự báo, học sinh sẽ lựa chọn không quá thiên lệch các môn tự chọn ở các nhóm”, bà Hiền nói.

Lịch sử nước nhà không thể là môn tự chọn

Phản đối ngay khi biết được thông tin môn học Lịch sử sẽ là môn tự chọn, thầy giáo Trần Trung Hiếu (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) cho rằng việc học sinh không chọn sử sẽ khác với việc học sinh không yêu sử. Nhiều em có thể rất yêu thích môn sử nhưng không chọn Lịch sử là môn thi, không chọn Lịch sử là nghề nghiệp cho tương lai của mình. Là một giáo viên sử lâu năm, tôi không ngạc nhiên về điều đó bởi vì nó gắn liền với quyền lợi, với cuộc sống, với sự lựa chọn nghề nghiệp của các em. Tuy nhiên, xét về mục đích thì học sinh ở bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào, thì môn Toán có thể không giỏi, ngoại ngữ có thể không hay nhưng không thể nói môn Lịch sử lại không biết gì. Từ những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, gần hơn là những câu chuyện kháng chiến giữ gìn đất nước, non sông. Không biết cội nguồn thì sẽ không bao giờ thấy được mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. 

Bác Hồ đã nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, lịch sử làm nên văn hóa dân tộc, quy định bản sắc văn hóa, tâm hồn tính cách dân tộc, phải hiểu, phải biết cho tường tận, cụ thể gốc tích lịch sử nước nhà Việt Nam. Đây không chỉ là lời kêu gọi mà còn là yêu cầu của Bác với toàn thể nhân dân Việt Nam. Ngành giáo dục nên có định hướng để thế hệ học sinh hôm nay hiểu rõ được lịch sử dân tộc mình. Lịch sử là những gì thuộc về quá khứ, nếu không có quá khứ sẽ không có hiện tại và tương lai, quá khứ luôn là điểm tựa, là bệ phóng cho hiện tại để tiến tới tương lai.

Việc học sinh không quá mặn mà với môn Lịch sử không phải là quá ngạc nhiên bởi lẽ những bất cập trong sách giáo khoa cũng là một phần nguyên nhân khiến học sinh ngại học. Việc môn sử không được tổ chức thi trong những năm gần đây đã khiến cho các giáo viên bộ môn này giảm đi sự tâm huyết với nghề, với chính bài dạy của mình.

Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nói rằng hiện nay nếu học sinh tạo được hứng thú trong học tập sẽ khơi dậy tinh thần ham học của các em. Để làm được điều đó thì cần cả giáo viên lẫn học sinh phải thay đổi phương pháp dạy và học. Chính giáo viên phải tìm ra hướng để bài giảng của mình không quá khô khan, tạo điểm nhấn cho chính môn học tưởng chừng như chỉ có số liệu và con chữ đó.

Đã có giáo viên áp dụng cách dạy học lịch sử bằng âm nhạc như cô giáo Nguyễn Thị Huệ ở Trường THPT Lý Tự Trọng (Nha Trang). Cô cho biết đã từng áp dụng âm nhạc vào bài giảng khi giảng tới phần chiến thắng Điện Biên Phủ. Cả lớp đã đứng dậy cùng cô hát bài Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Trước mỗi bài giảng, cô đều yêu cầu học sinh tìm một ca khúc phù hợp với tiết học lịch sử sắp tới, qua đó hiểu thêm về hoàn cảnh ra đời bài hát cũng như ý nghĩa mà học sinh lại nhớ được lâu hơn.

Có thể nói, dù Lịch sử là môn học tự chọn hay bắt buộc thì những kiến thức cơ bản về lịch sử của học sinh vẫn rất cần các giáo viên truyền tải, dạy dỗ. Không ai ngây thơ đòi hỏi lịch sử khách quan một cách tuyệt đối. Học sinh sẽ phải tự tư duy để phân tích được vì sao chiến tranh lại nổ ra, vì sao lại có sự kiện này, sự kiện kia. Vấn đề cốt lõi nhất chính là giáo viên cần dạy cho học sinh học lịch sử không phải để nhớ ngày tháng năm nào đó mà là để kích thích các em có một tư duy lịch sử. Khi học sinh đã có tư duy hình thành sự kết nối về lịch sử thì sẽ có sự háo hức, tò mò tìm tòi về những cốt lõi khác. 

Bài liên quan
Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung: Lịch sử có lặp lại?
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump rằng, việc ông đe dọa áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc có thể đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc chiến thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lịch sử là môn tự chọn: Cần đánh thức tư duy và đam mê về lịch sử nước nhà