Tuyển U.19 VN hạn chế về thể lực hay người Việt có nhiều nhược điểm về thể chất nhưng cũng không yếu đến mức độ không đá bóng đỉnh cao ở Âu-Mỹ. Lee Nguyễn là một trường hợp ví dụ điển hình, bất chấp việc tiền vệ gốc Việt từ bé không thể uống được sữa bò vì bị dị ứng
Lee Nguyễn sinh năm 1986 tại Dallas-Texas (Mỹ) nhưng có cha mẹ đều là người Việt Nam và hiện đang thi đấu ở giải MLS được 3 mùa (2012, 2013, 2014). Điều đáng nói là em gái của Lee Nguyễn là Michelle Nguyễn (SN 1988, tên Việt là Diễm My) cũng từng là cầu thủ nữ khá nổi tiếng ở giải bán chuyên nghiệp của Đại học TCU thi đấu 4 mùa ở giải vô địch bóng đá nữ Đại học Mỹ (2006-2009). Hai anh Lee Nguyễn và Michelle Nguyễn đã chứng tỏ rằng thể lực không phải là hạn chế khiến người Việt không thể vươn lên bóng đá đỉnh cao.
Cầu thủ gốc Việt nhưng chạy khỏe hàng top MLS
Lee Nguyễn được đào tạo ở Học viện Dallas Texans (cũng là nơi đào tạo Clint Dempsey), từng trải qua 3 năm ở môi trường thi đấu ở châu Âu là PSV Eindhoven (2006-2007), Rander FC (2007-2008) rồi về Việt Nam đá 2,5 năm cho HAGL (2009), B.Bình Dương (2010-2011) trước khi quay về Mỹ. Như vậy, về kinh nghiệm thì Lee Nguyễn là một minh chứng sống động nhất cho trường hợp một cầu thủ gốc Việt ở môi trường thi đấu đỉnh cao ở Âu-Á và Bắc Mỹ.
Lee Nguyễn trong màu áo PSV Eindhoven mùa 2007 |
Trong 3 mùa ở MLS, Lee Nguyễn tính đến giờ đá tổng cộng 95 trận và hiện tại vẫn chưa dừng lại khi CLB New England Revolution đã giành quyền lọt vào vòng play-off chức chức vô địch MLS Cup 2014. Có thể ngay trong mùa bóng này, Lee Nguyễn sẽ chạm cột mốc 100 trận ra sân ở MLS.
Cụ thể số lần ra sân và số phút thi đấu của Lee Nguyễn như sau:
Mùa 2012: Đá 30/33 trận (27 trận ra sân từ đầu). Số phút thi đấu: 2386 phút, trung bình 80 phút trận.
Mùa 2013: Đá 35/35 trận (34 từ đá từ đầu). Số phút thi đấu: 3048 phút, trung bình 87 phút/trận
Mùa 2014: Đá 30/32 trận (30 trận ra từ đầu). Số phút thi đấu: 2598 phút, trung bình 87 phút/trận.
Ngoại trừ 1 trận play-off lượt về giữa New England và Sporting Kansas City hồi năm ngoái kéo dài 120 phút, thì các trận đấu ở MLS đều tính tròn trong 90 phút và không kể bù giờ.
Như vậy, Lee Nguyễn đã ra sân gần như tất cả các trận đấu của New England Revolution trong suốt 3 mùa qua (trừ khoảng 5 trận bị chấn thương, thẻ phạt) với số trận trung bình 32 trận/mùa, số phút thi đấu trung bình 85 phút/trận.
Những thông số kể trên cho thấy Lee Nguyễn hoạt động như một cỗ máy năng suất cao, bền bỉ, ổn định. Lee Nguyễn được xếp vào diện cầu thủ đá nhiều nhất ở New England Revolution lẫn MLS, giải đấu nổi tiếng về sức mạnh cơ bắp, tốc độ. Chắc chắn yếu thể lực Lee Nguyễn sẽ không thể đá được với mật độ kinh khủng như thế.
“Không cao to thì phải nhanh nhẹn, khéo léo”
Ông Nguyễn Văn Phẩm, cha của Lee Nguyễn, cho Một Thế Giới biết: “Tôi chỉ cao 1,62m nên Lee cũng cao 1,73m. Em gái Lee là Diễm My cao 1,68m. Về dinh dưỡng thì Lee Nguyễn từ bé đã không uống được sữa bò vì cơ địa bị dị ứng nên uống vào bị khó thở. Chuyện ăn uống lúc ở nhà thì Lee Nguyễn cũng thi thoảng ăn cơm kiểu Việt còn đi học hay tập luyện ở CLB ăn cơm kiểu Tây, nói chung ăn uống cũng bình thường, không có gì đặc biệt cả”.
Ông Phẩm cho biết, khi Lee Nguyễn và em gái Diễm My đi theo con đường bóng đá thì cả 2 đều không gặp trở ngại gì về chuyện thể lực. “Tất nhiên so với người Mỹ thì người Việt nhỏ con hơn nhiều nhưng nếu mình không cao to như họ thì mình phải bù vào bằng sự nhanh nhẹn, khéo léo chứ không thể dùng sức mạnh cơ bắp để so đọ với họ”.
Chỉ cao 1,73m và nặng 68kg nhưng Lee Nguyễn sở hữu hệ cơ bắp |
Từng sống tại trung tâm thể thao Hàm Rồng trong 6 tháng trời khi Lee Nguyễn còn đá cho HAGL, ông Phẩm đánh giá Học viện HAGL Arsenal JMG là môi trường đào tạo lý tưởng về chuyên môn lẫn chăm sóc cầu thủ. Riêng Lee Nguyễn cho biết: “So với Học viện Dallas Texas chỉ tập 3 buổi/tuần rồi ai về nhà nấy và đến cuối tuần cuối tuần đi thi đấu thì Học viện HAGL Arsenal JMG có thời gian tập luyện nhiều hơn”.
Lee Nguyễn cho biết cầu thủ Âu-Mỹ nhiều người to con nhưng cũng không ít người chiều cao dưới 1,75m như anh. Chẳng hạn ở CLB New England Revolution có Diego Fagundez (Colombia), Kelyn Rowe, Kevin Alston, Scott Caldwell (Mỹ), Digo Kobayashi (Nhật) là những cầu thủ cao chỉ 1,75m đổ lại nhưng thường xuyên đá chính trong đội hình.
“Tất nhiên, tôi không cao to, cơ bắp như nhiều cầu thủ khác nhưng không có nghĩa tôi kém họ về thể lực. Bóng đá không chỉ là trò chơi của những người khổng lồ”, Lee Nguyễn kết luận.
Ở kỳ tới, Một Thế Giới hẹn phỏng vấn chi tiết Lee Nguyễn về chương trình huấn luyện, vấn đề dinh dưỡng, tập luyện và chữa trị chấn thương mà anh đã trải qua trong suốt sự nghiệp từ khi là cầu thủ trẻ đến nay để cho thấy cầu thủ Việt vẫn có thể chơi bóng ở Âu-Mỹ như thường.
Đăng Khoa